Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỷ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động, nền kinh tế chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu (năm 2010 nhập siêu 12,5 tỷ USD; năm 2018 xuất siêu gần 7,2 tỷ USD).
Tâm lý hàng XK mới cần tốt
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, 88% người tiêu dùng (NTD) cho biết có quan tâm đến Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Trong đó, rất quan tâm là 53% và quan tâm có mức độ là 35%; số người ít quan tâm hoặc không biết có cuộc vận động này chiếm tỷ lệ thấp: 12%. So với kết quả điều tra năm 2010, tỷ lệ rất quan tâm đến Cuộc vận động ở thời điểm năm 2019 tăng 5% (từ 48% lên 53%).
67% người được hỏi cho rằng kể từ khi có Cuộc vận động, bản thân họ đã tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt. Tỷ lệ này có xu hướng tăng dần (năm 2010 là 59%, năm 2014: 63%, năm 2019: 67%).
Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho rằng con số trên cho thấy có sự tăng dần, tuy rằng chưa nhiều lắm, tới đây phải cố gắng nhiều nữa.
Thường trực Ban Bí thư lưu ý, dù Cuộc vận động đạt được nhiều kết quả, song việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền, ban, ngành các cấp chưa quan tâm đúng mức triển khai Cuộc vận động. Ban chỉ đạo địa phương chưa chủ động tham mưu cấp ủy thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về cuộc vận động này.
Một số mặt hàng Việt Nam chưa thu hút NTD về mẫu mã, chất lượng, độ an toàn và giá cả. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn… diễn ra ở nhiều nơi. Đây là vấn đề rất nhức nhối, đánh vào uy tín của hàng Việt, đánh vào sản xuất của người Việt Nam.
Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ Việt Nam, DN Việt Nam phần lớn còn non trẻ so với các DN nước ngoài trong cùng lĩnh vực nên sức cạnh tranh yếu; công tác kiểm tra chất lượng hàng ngoại nhập của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở khiến nhiều hàng ngoại nhập chất lượng thấp, thậm chí kém chất lượng có cơ hội tiêu thụ rộng trong thị trường nội địa, lấn át hàng Việt Nam.
Ở trong nước, nhiều DN vẫn tồn tại quan niệm cho rằng chỉ hàng hóa phục vụ xuất khẩu mới cần chất lượng tốt, hàng trong nước “thế nào cũng được”. Một số sản phẩm lúc đầu mới đưa ra thị trường có chất lượng tốt, sau một thời gian do không bảo đảm tính ổn định, sao nhãng việc đổi mới, dần làm mất lòng tin NTD.
Không ít DN chạy theo lợi nhuận, tìm mọi cách giảm giá trị đầu vào của sản phẩm, thậm chí sử dụng nguyên liệu phẩm cấp thấp, gây hại đến sức khỏe NTD. Bên cạnh đó, hàng hóa khá đơn điệu, đầu tư hàm lượng trí tuệ và giá trị vào cải tiến, đổi mới không nhiều, hiện tượng “nhái” mẫu mã của nước ngoài còn phổ biến, không tạo được sự khác biệt, chất lượng lại thấp hơn nên hàng ngoại càng có cơ hội lấn át hàng nội. Điều đó dẫn tới việc một số hàng hóa Việt Nam chưa thực sự thu hút NTD về mẫu mã, chất lượng và giá cả.
67% NTD cho biết khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt |
Tiêu dùng trong nước có ý nghĩa sống còn
Trong khi đó, vẫn còn một bộ phận NTD chưa nhận thức rõ mục tiêu của Cuộc vận động đối với sự phát triển bền vững kinh tế đất nước, còn có tư tưởng ham hàng giá rẻ nhập khẩu, còn mang tâm lý “sính” hàng ngoại mà chưa chú trọng dùng hàng Việt. Tâm lý chuộng hàng ngoại vẫn còn sâu nặng trong một bộ phận NTD, đặc biệt là nhóm người tiêu dùng có thu nhập cao và khá cao.
Theo đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ngành dệt may vẫn còn tồn tại một số thách thức, hạn chế mà các DN xác định cần khắc phục để chinh phục người Việt.
Thực tế, việc chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào còn khó khăn do nhiều đơn vị may mặc thuộc tập đoàn phần lớn sản xuất phục vụ cho tiêu thụ xuất khẩu, một số đơn vị gần như gia công hoàn toàn cho đối tác nước ngoài với vật tư nguyên phụ liệu do khách hàng cung cấp, lượng hàng FOB và hàng nội địa chiếm tỷ trọng hết sức khiêm tốn. Bên cạnh đó, các sản phẩm sản xuất ra chưa thực sự đa dạng, phong phú, chưa đáp ứng được hết nhu cầu của các thị trường ngách, giá cả đôi khi chưa được cạnh tranh với hàng tiểu ngạch.
Ở góc độ nhà nhập phối, để hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt, đại diện Liên hiệp HTX Thương mại Tp.HCM (Saigon Co.op) cho rằng Saigon Co.op tiếp tục ưu tiên tập trung công tác tuyên truyền, đồng hành, phân phối hàng Việt vốn đã, đang và sẽ chịu sức ép rất lớn từ hàng ngoại nhập, góp phần bình ổn thị trường tại các khu vực có đơn vị của Saigon Co.op hoạt động.
Đồng thời, tăng cường hợp tác, liên kết, định hướng sản xuất cho các địa phương vùng nguyên liệu, bao tiêu hàng hóa, hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất – nhà phân phối và NTD, qua đó kết nối các địa phương, tạo nên chuỗi giá trị để có được nguồn hàng ổn định, có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng tiêu chuẩn organic với giá thành tốt nhất.
Theo đó, Saigon Co.op cam kết sẽ xây dựng chính sách thanh toán nhanh hơn đối với hàng sản xuất trong nước; hỗ trợ mức phí trưng bày hàng hóa; kéo dài thêm thời gian bán thử nghiệm trong hệ thống; đối với hàng của các HTX nông nghiệp sẽ ưu tiên bao tiêu sản phẩm đạt chất lượng theo quy định; triển khai bộ tiêu chuẩn đối với các mặt hàng rau, củ, quả, thủy hải sản.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ngày 2/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh Cuộc vận động không chỉ thúc đẩy sản xuất mà còn bảo vệ NTD. NTD được sử dụng sản phẩm có chất lượng, với giá cạnh tranh, quan trọng hơn là NTD phải có tiền, mà muốn có tiền thì phải có việc làm, sản xuất trong nước phải phát triển.
Vì vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tiêu thụ hàng Việt là thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động trong nước.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu, đe dọa sản xuất, tiêu dùng trong nước càng có ý nghĩa quan trọng, bù đắp sự sụt giảm về XK, duy trì hoạt động sản xuất đảm bảo tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho DN, người dân phát huy được nội lực; có cơ chế, quy định kiểm soát chặt chẽ nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Cuộc vận động cần phải được triển khai mạnh mẽ, sáng tạo, thiết thực hơn và nhấn mạnh cốt lõi của Cuộc vận động là phải chiếm lĩnh thị trường, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam, thúc đẩy sản xuất trong nước chứ không phải là phong trào bình thường.
Lê Thúy
Thường trực Ban Bí thư - Trần Quốc Vượng Một đất nước có tới gần 100 triệu dân, thị trường trong nước của chúng ta rất lớn. Cho nên khâu bán lẻ phải hết sức chú ý. Chúng tôi nhiều lúc thấy giật mình khi hầu như các thương hiệu, siêu thị lớn trong nước đều do người nước ngoài thôn tính. Vì vậy, phải làm sao để người Việt Nam chiếm lĩnh thị trường bán lẻ. Phó Thủ tướng Chính phủ - Trịnh Đình Dũng Điều quyết định sự thành công của Cuộc vận động đến từ trách nhiệm 3 phía: Nhà nước – DN – NTD. Trong đó, Nhà nước tạo môi trường pháp lý, hạ tầng, nhân lực để đảm bảo cho DN và người dân có môi trường thuận lợi. Trách nhiệm của DN, người sản xuất là tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá cả, hệ thống phân phối thuận lợi cho NTD. NTD vừa tham gia sản xuất, đồng thời cũng phải yêu chính mặt hàng mà Việt Nam sản xuất. Tổng Giám đốc CTCP Khóa Việt – Tiệp - Ông Nguyễn Văn Tuấn Do vốn tiềm lực bản thân và các điều kiện không cho phép DN làm trên diện rộng để bảo vệ hàng hóa của mình, các DN trong nước rất cần sự ra tay mạnh mẽ, quyết liệt của hệ thống chính quyền, quản lý thị trường trong đấu tranh với hàng giả, tạo sự công bằng cho hàng Việt phát triển cũng như để bảo vệ quyền lợi của NTD. |