Báo cáo về “Thương mại hàng hóa Việt Nam – ASEAN sau hơn 20 năm Việt Nam gia nhập” của Tổng cục Hải quan cho thấy cán cân thương mại hàng hóa luôn nghiêng về thâm hụt với các nước ASEAN. Trong suốt 20 năm gia nhập, Việt Nam chưa từng đạt thặng dư thương mại với khối này. Năm 1996, thời điểm gia nhập ASEAN, Việt Nam thâm hụt với khối này 745 triệu USD, đến năm 2016 đã lên tới 6,59 tỷ USD.
Giảm cả lượng và giá
Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu (XK) sang ASEAN khá đa dạng, từ nông, hải sản, khoáng sản đến những mặt hàng được chế biến sâu và những mặt hàng có giá trị gia tăng lớn như nhóm hàng điện thoại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.
Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), cùng với sự sụt giảm của kim ngạch XK chung, 2 nhóm hàng nông nghiệp và công nghiệp có sự sụt giảm mạnh.
Cụ thể, năm 2016, kim ngạch XK nông, thủy sản sang các nước ASEAN đạt hơn 1,6 tỷ USD, giảm 20,3% so với năm 2015. Đáng nói là các mặt hàng giảm mạnh nhất đều là những sản phẩm chủ lực: cao su (giảm 40,7%), gạo (giảm 48,8%), hồ tiêu (giảm 25,5%), sắn và các sản phẩm từ sắn (giảm 19,2%)…
Đối với mặt hàng gạo, tính đến hết năm 2016, ba thị trường trọng điểm ASEAN sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng so với năm 2015: Philippines (giảm 65%), Malaysia (giảm 48,1%), Singapore (giảm 30,7%).
Sự sụt giảm kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản sang các nước ASEAN một phần do sản lượng giảm, phần khác bởi giá hàng nông sản như cà phê, cao su, sắn giảm mạnh. Cụ thể, trong năm 2016, giá cà phê giảm 21,2%, cao su giảm 12,5%, sắn giảm 14,4%. Riêng cà phê, giá giảm đã khiến kim ngạch XK giảm tới gần 59 triệu USD.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, kim ngạch XK sang ASEAN của hầu hết các mặt hàng chủ lực cũng sụt giảm đáng kể. Trong đó, dầu thô là mặt hàng giảm mạnh nhất, kim ngạch XK năm 2016 giảm tới 76,3% so với năm 2015. Giá dầu thô giảm mạnh đã khiến kim ngạch XK của mặt hàng này sụt giảm tới hơn 1 tỷ USD, kéo theo kim ngạch XK chung vào ASEAN giảm.
Bên cạnh việc giảm lượng, giảm giá, một số mặt hàng công nghiệp dù tăng trưởng nhưng vẫn ở mức khá thấp, cách xa so với tiềm năng và kỳ vọng, điển hình nhất phải kể đến ngành dệt may.
Bà Trần Lan Hương, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, dẫn chứng: dệt may Việt Nam được đánh giá sau khi gia nhập AEC sẽ nằm trong tốp đầu các ngành được hưởng lợi nhiều vì thuế suất XK hàng may mặc về mức 0%. Trong khi đó, khoảng 50 – 60% kim ngạch XK của ngành dệt may của Việt Nam là từ AEC.
Tuy nhiên, thực tế trong năm 2016 cho thấy kim ngạch XK hàng dệt may vào AEC đạt 638 triệu USD, chỉ tăng 15% so với năm 2015. Các DN dệt may vẫn chưa tận dụng được ưu thế về thuế suất XK để mở rộng thị trường.
Sản phẩm may mặc của Việt Nam mới chỉ vào được 3 nước là Lào, Campuchia, Myanmar, chưa đủ lực để thâm nhập vào các thị trường tiềm năng, có yêu cầu cao hơn như Singapore, Thái Lan…
Trong khi đó, các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng XK của Việt Nam từ các nước trong khu vực được tăng cường, như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã tổ chức điều tra chống bán phá giá và áp dụng biện pháp tự vệ với một số sản phẩm thép.
Nhiều cơ hội từ thị trường ASEAN vẫn còn bỏ ngỏ
Hàng hóa cần nâng “chất”
Đối với các mặt hàng nông sản, nhiều hàng rào kỹ thuật cũng được dựng lên nhằm bảo hộ sản xuất trong nước khiến cánh cửa để hàng hóa Việt Nam XK sang các nước ngày càng hẹp hơn.
Đồng thời, Việt Nam chưa thực sự tận dụng tốt những ưu đãi thuế quan khi XK sang thị trường khu vực thời gian qua. Cụ thể, tỷ lệ tận dụng ưu đãi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) năm 2016 là 31,8%, cao hơn năm 2015 là 24,2%.
Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp, cao nhất vẫn là tận dụng ưu đãi trong Hiệp định ASEAN – Hàn Quốc với tỷ lệ khoảng 60% trong năm 2015.
Chưa kể, sự hiểu biết của các DN XK trong nước về AEC còn hạn chế. Chỉ có 46,79% DN chủ động tìm hiểu thông tin về AEC. Trong gần 94% DN biết về AEC thì chỉ có 16,4% thực sự hiểu rõ về những cam kết khu vực kinh tế thương mại này.
Trong bối cảnh hiện nay, thông tin chính là sức mạnh. Khi có được thông tin mong muốn thì DN đã cầm trong tay công cụ cho mình sức mạnh, từ đó chủ động nắm bắt thông tin thị trường, thông tin đối tác, thông tin hàng hóa, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt, cơ cấu XK của Việt Nam khá tương đồng so với các nước trong khu vực, nhiều quốc gia khác cũng có cơ cấu XK khá giống của Việt Nam như Malaysia và Thái Lan, đang là rào cản để Việt Nam XK sang ASEAN.
“Nếu xem xét chỉ số thương mại RCA (lợi thế so sánh biểu hiện), có thể thấy sự tương đồng này thể hiện khá rõ trong một số mặt hàng như sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, may mặc. Trong khi đó, các sản phẩm XK của Việt Nam chưa thể hiện được sự vượt trội hơn về mẫu mã và chất lượng”, bà Hương cho biết.
Vì vậy, theo các chuyên gia, Việt Nam đang trong quá trình thay đổi giá trị gia tăng cho XK bằng cách thay đổi cơ cấu ngành hàng, chú trọng vào XK mặt hàng có giá trị gia tăng và lợi thế so sánh như: Thủy sản chế biến, hàng điện tử và sản phẩm cơ khí, linh kiện điện thoại. Đây là các mặt hàng Việt Nam có lợi thế XK sang thị trường ASEAN.
“Đã đến lúc các DN cần chú trọng hơn việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và xây dựng thương hiệu để đáp ứng nhu cầu các thị trường này”, bà Hương nhấn mạnh. PGs.Ts. Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp (Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương), nhấn mạnh ASEAN là khu vực có nhiều điểm tương đồng nhưng tính khác biệt cũng rất lớn và rõ ràng.
Thị trường này đòi hỏi những sản phẩm lương thực thực phẩm, rau củ, quả, thủ công mỹ nghệ… tưởng như là thế mạnh của chúng ta nhưng lại không dễ dàng đáp ứng, bởi khu vực ASEAN tập trung cả người Hồi giáo, người theo Phật giáo và nhu cầu của họ rất khác.
Vì vậy, cần tìm hiểu từng đối tượng nhằm điều chỉnh sản xuất để đáp ứng được nhu cầu là một trong những lưu ý để thâm nhập thị trường này.
Theo các chuyên gia, từ năm 2018 trở đi, sức ép hội nhập sẽ tăng dần với những ngành như công nghiệp ô tô, hàng linh kiện điện tử… Việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan sẽ khiến tính chất tự do hóa kinh doanh thị trường sẽ đậm nét hơn, hàng rào kỹ thuật càng trở nên đa dạng, phức tạp hơn, cao hơn đối với các DN và hàng XK Việt Nam.
Chính vì vậy, các DN trong nước cần có sự chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Thêm vào đó, việc giảm thuế xuất nhập khẩu là cơ hội để DN giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy các cơ hội đầu tư, XK. DN nên tận dụng cơ hội nhằm giảm chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí gia nhập thị trường để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ.
Mặt khác, các chuyên gia cho rằng những ưu đãi và điều kiện để được ưu đãi giống như “hai chiếc của một đôi giày”. Dù chúng ta có thể nhận được ưu đãi nhiều đến mức nào, song không đạt tới những yêu cầu để được nhận ưu đãi đó thì cũng không có tác dụng.
Lê Thúy
Ts Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế DN Việt có đủ khát vọng, bản lĩnh nhưng chưa chuyên nghiệp, kỷ luật chưa tốt nên hoạt động kết nối chính sách với tập đoàn chưa có. DN Việt cũng đủ khôn ngoan để nhận biết thị trường cạnh tranh nhưng dường như chưa nhanh nên bị chậm chân so với các nước ở khu vực trong việc khai thác thị trường ASEAN. Ts. Ngô Tuấn Anh - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Thành công trong XK hay không cuối cùng cũng phụ thuộc vào năng lực nội tại của các DN, do đó các DN Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh đối với hàng XK, lựa chọn được đúng mặt hàng mà các DN trong nước có lợi thế và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, cũng như phải có được sự hỗ trợ tối đa của các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại. Bà Phạm Thị Hằng - Tổng Thư ký VCCI
Các DN phải liên kết với nhau, chia sẻ cơ hội, vượt qua sóng to gió lớn, nâng cao hiệu quả của mình. So với các nước trong khu vực có quy mô kinh tế tương tự như Việt Nam, tỷ lệ DN Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu rất thấp. Để có thể phát triển mạnh mẽ và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, DN cần chủ động hơn. |