Tiềm năng là vậy, song khi nhìn lại những năm qua, ngành hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam tuy vẫn có sự tăng trưởng, nhưng chủ yếu đến từ việc tăng giá thay vì tăng về số lượng.
Theo thống kê, trong số các nhóm hàng tiêu dùng nhanh, chỉ có đồ uống là tăng trưởng tốt nhất, ở mức 6,7% và đóng góp 1/3 tổng doanh số bán hàng của toàn ngành. Việc tiêu thụ các nhóm sản phẩm còn lại vẫn phải đương đầu nhiều thách thức.
Trong số các nhóm hàng tiêu dùng nhanh, chỉ có đồ uống là tăng trưởng tốt nhất, ở mức 6,7% và đóng góp 1/3 tổng doanh số bán hàng của toàn ngành.
“Nội” gian nan giữ thị phần
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), dẫn chứng: đối với thị trường sữa bột, giá trị mặt hàng này theo ước tính hiện chiếm 45% thị trường sữa Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng bình quân 10,1% giai đoạn 2010-2013, tuy nhiên đến 2014-2015 đang trên đà giảm, đặc biệt là tiêu thụ sữa ở khu vực thành thị. DN nội như Vinamilk chỉ chiếm 30% thị phần. Người tiêu dùng Việt Nam hiện nay vẫn đang có xu hướng thích hàng ngoại đối với mặt hàng sữa trẻ em.
Về phần DN, ông Nguyễn Việt Đức, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam, lo ngại là trong khi nhu cầu tiêu dùng giấy in, viết của thị trường tiếp tục sụt giảm thì sản phẩm giấy của Việt Nam lại đang phải cạnh tranh mạnh với giấy nhập khẩu đến từ các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản. Năm 2014, nhập khẩu khoảng 150.000 tấn và tính đến thời điểm tháng 6/ 2015, lượng giấy nhập khẩu khoảng 85.000 tấn, bằng 123% so với cùng kỳ năm 2014.
Ông Nguyễn Đặng Hiếu, Tổng giám đốc công ty TNHH SX&TM Tân Quang Minh (chuyên kinh doanh các mặt hàng nước giải khát), chia sẻ rằng các sản phẩm nước giải khát trong nước đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu, gây trở ngại cho các DN trong việc xúc tiến mở rộng thị trường nội địa.
Cho rằng thị trường sữa cần phải minh bạch thông tin, ông Ngô Tiến Dũng, Giám đốc dự án Tập đoàn TH true Milk, khẳng định: “Thông tin không minh bạch sẽ làm giảm sức cạnh tranh của DN chế biến sữa tươi và gây khó khăn đặc biệt cho ngành chăn nuôi bò sữa”.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, nhận định: “Ngành công nghiệp tiêu dùng nhanh có số lượng DN tham gia khá đông so với các ngành kinh tế khác nên các hành vi cạnh tranh không lành mạnh thường xuyên diễn ra, làm mất ổn định thị trường và niềm tin của với người tiêu dùng… Chính những điều đó làm sự phát triển của ngành công nghiệp tiêu dùng nhanh vẫn chưa cao và chưa đạt được những bước đột phá phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế dù còn rất nhiều tiềm năng”.
“Ngoại” ồ ạt bành trướng
Trong khi đó, hàng hóa các nước sẽ ồ ạt đổ bộ vào thị trường Việt bởi khi các FTA chính thức có hiệu lực, thuế suất sẽ giảm về gần 0% với hầu hết hàng hóa. Thực tế cho thấy, hầu hết các DN công nghiệp tiêu dùng nhanh Việt Nam vẫn đang ở thế yếu về năng lực cạnh tranh do thương hiệu chưa được biết đến nhiều trên thị trường khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, việc sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, thiết bị lạc hậu, không đồng bộ.
Thừa nhận hàng tiêu dùng nhanh nội địa hiện nay đang lép vế, bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, chia sẻ: “Có DN kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh tâm sự với tôi rằng mỗi năm họ xuất khẩu hàng trăm đơn hàng ra nước ngoài, đem lại giá trị cả trăm triệu USD. Tuy nhiên, khi quay trở lại thị trường trong nước thì DN loay hoay mãi không tìm được hướng đi. Vấn đề nằm ở đâu, có phải sản phẩm của DN “nội” chưa được người Việt tin dùng?”.
Ts. Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế, cho biết, Việt Nam đang nhập rất nhiều hàng hóa của Trung Quốc. Theo số liệu ghi nhận, Việt Nam đang nhập của Trung Quốc nhiều hơn con số thống kê công bố 20 tỷ USD. Dù tính theo phương pháp nào, lượng hàng Trung Quốc qua biên giới Việt Nam cũng là quá lớn. Tuy nhiên, với AEC, từ 1/1/2016, Trung Quốc sẽ không phải là nước duy nhất DN Việt cần phải dè chừng.
Khẳng định thị trường trường nội địa không còn là thị trường của riêng DN Việt Nam, Ts. Doanh cho rằng sản phẩm của Thái Lan sẽ tràn vào Việt Nam với thuế suất bằng 0% khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành. Ông dẫn chứng, tại Tp.HCM, hoa quả Thái Lan đã tràn ngập thị trường. Số liệu thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã nhập rau quả của Thái Lan lên đến 132 triệu USD. Nhiều gia đình ưu tiên sử dụng gạo Thái Lan thay gạo Việt Nam vì sợ gạo Việt Nam có hóa chất.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Công Thương, trong số các mặt hàng nhập khẩu tiêu thụ tại thị trường trong nước (tính về số lượng), hàng xuất xứ Thái Lan đang đứng thứ hai sau Trung Quốc. Hiện nay, sản phẩm may mặc, đồ gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 8.600 chợ trên cả nước. Bên cạnh đó, rất nhiều sản phẩm tiêu dùng của Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức như dầu gội, sữa tắm, hoá mỹ phẩm đang được rất nhiều người Việt Nam ưa chuộng.
Theo Ts. Doanh, trong tương lai, mặt hàng sữa bột Việt Nam sẽ khó trụ vững. Bởi Liên minh châu Âu (EU) có chính sách trợ giúp người nuôi bò, mỗi người nuôi bò của EU được trợ giúp 1,5 Euro/ngày nên giá các mặt hàng phomat, sữa rất rẻ. Khi hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (FTA VN – EU) có hiệu lực, những mặt hàng này sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng một trong những cách đi mới của DN hiện nay là nên hướng sản phẩm của mình tới thị trường nông thôn. Bởi lâu nay các DN còn quá chú trọng đến phát triển thị trường khu vực thành thị, chưa phát triển thị trường khu vực nông thôn trong khi nông thôn Việt Nam chiếm 68% thị trường nhưng hiện nay chỉ có 54% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh đến từ nông thôn.
Lê Thúy
Bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương Để nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN, cần có nhiều sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, như Nhà nước cần coi đầu tư vào hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống phân phối, có chính sách kích cầu, có cơ chế tài chính hỗ trợ DN. Các cơ quan chức năng cần tăng cường các hoạt động nghiên cứu, dự báo và phổ biến kịp thời, công khai các thông tin kinh doanh đến các DN và hiệp hội DN. Đặc biệt, cần áp dụng thuế chống phá giá, hàng rào kỹ thuật, hàng rào thuế quan để chống phá giá thị trường và sự bất bình đẳng trong cạnh tranh đối với thị trường trong nước và quốc tế. Ts. Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ban, ngành, hiệp hội và DN, qua đó, khuyến khích, tạo động lực cho các DN Việt Nam có thể phát huy hết năng lực, sáng tạo, cùng chung sức xây dựng cộng đồng DN lớn mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, cạnh tranh mang thương hiệu Việt để chiếm lĩnh thị trường nội địa và mở rộng xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng như hiện nay. Ông Nguyễn Việt Đức - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam Để tìm lời giải cho những “nút thắt” của ngành hàng tiêu dùng nhanh, các DN phải cùng nhau tạo ra sức mạnh tổng hợp cho toàn ngành. Phải tăng cường liên kết, hợp tác đầu tư, sử dụng nguồn hàng của nhau, tự nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, năng lực chế biến, năng lực tài chính, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Bên cạnh đó, các DN cần phải chủ động nắm bắt tình hình nhu cầu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng để có dòng sản phẩm cạnh tranh. |