Đầu tháng 5 vừa qua, Lọc dầu Nghi Sơn đã xuất xưởng thành công lô sản phẩm thương mại đầu tiên. Khi chính thức vận hành thương mại và chạy tối đa công suất thiết kế vào tháng 8 hoặc 9 tới, sản phẩm của nhà máy được kỳ vọng sẽ đáp ứng 40% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Nhận nhiều ưu đãi vẫn xin bảo hộ
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các bộ, ngành và địa phương về tình hình kinh tế-xã hội vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã nêu đề xuất hạn chế nhập khẩu xăng dầu để ưu tiên sử dụng xăng dầu của Lọc dầu Nghi Sơn sắp vận hành thương mại.
Ông Xứng cho biết thực tế hiện nay cho thấy Lọc dầu Nghi Sơn chưa vận hành thương mại chính thức song xăng dầu sản xuất ra đã bị tồn kho, phải gửi tại một số kho miền Trung. Nếu hiện tượng này tiếp tục xảy ra sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và thu ngân sách của tỉnh.
Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đề xuất Chính phủ, Bộ Công Thương xây dựng cơ chế để tiêu thụ hết sản phẩm của Lọc dầu Nghi Sơn sản xuất ra, trong đó nghiên cứu hạn chế nhập khẩu xăng dầu để nhà máy sản xuất đến đâu, tiêu thụ được đến đó.
Cần nhắc lại là Lọc dầu Nghi Sơn được đầu tư bởi 4 DN trong nước và quốc tế gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), công ty Dầu khí quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), công ty Idemitsu và công ty hóa chất Mitsui (Nhật Bản).
Theo thỏa thuận giữa Chính phủ với liên danh nhà đầu tư, Lọc dầu Nghi Sơn được hưởng hàng loạt ưu đãi như miễn thuế thu nhập DN 4 năm đầu (chỉ phải nộp thuế suất bình quân 10% trong vòng 70 năm sau đó); được cấp bù (từ tiền của PVN) trong giai đoạn 2012-2027 nếu thuế suất áp dụng chung trên thị trường thấp hơn thuế ưu đãi…
Chính vì vậy, một số chuyên gia đặt vấn đề: Xăng dầu của Lọc dầu Nghi Sơn là hàng sản xuất trong nước, được hưởng nhiều ưu đãi đáng lẽ ra phải rẻ hơn hàng nhập khẩu, như thế chắc chắn sẽ bán chạy, cần gì phải đề xuất hạn chế nhập khẩu? Còn nếu như "hàng nội, giá ngoại", đòi hạn chế nhập khẩu là cạnh tranh không lành mạnh, gây nên độc quyền.
Các chuyên gia cho rằng xăng dầu nội địa chất lượng tốt, giá thành rẻ thì người tiêu dùng sẵn sàng ủng hộ, nhưng chất lượng kém và đắt ngang nhập khẩu, người tiêu dùng sẽ không chọn.
Mặt khác, nguồn xăng dầu tiêu thụ hiện nay chủ yếu là từ nhập khẩu với khối lượng ngày càng lớn. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng xăng dầu nhập khẩu 5 tháng đầu năm nay đạt 5,7 triệu tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2017 cũng đã nhập khẩu 12,86 triệu tấn xăng dầu, tăng 9,4% so với năm 2016.
Đến nay, nguồn nhập khẩu xăng dầu vẫn chủ yếu từ Malaysia, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc. Nguồn hàng của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có tới 60% là từ nhập khẩu, khoảng 40% còn lại mua từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Đi vào hoạt động từ năm 2009, Lọc dầu Dung Quất hiện chỉ mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu xăng dầu nội địa.
Đề xuất hạn chế nhập khẩu xăng dầu để Lọc dầu Nghi Sơn "dễ bề" tiêu thụ gây nhiều ý kiến phản đối |
Mấu chốt là giá và chất lượng
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch HĐQT công ty Xăng dầu Tự Lực 1 (Hà Nội), cho rằng nếu giá xăng dầu trong nước đã đảm bảo cạnh tranh so với nhập khẩu, nguồn cung dư thừa thì việc Nhà nước có các biện pháp hạn chế nhập khẩu là điều có thể chấp nhận được. DN kinh doanh xăng dầu hoàn toàn ủng hộ sử dụng hàng sản xuất trong nước.
"Tuy nhiên, nếu giá cao hơn giá nhập khẩu, chất lượng không bằng mà ép chúng tôi mua sản phẩm của họ thì không nên", ông Tiu chia sẻ.
Trong khi đó, ông Trần Minh Hà, Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Dầu khí Tp.HCM (SaigonPetro), cho biết thực ra sử dụng xăng dầu trong nước, thanh toán bằng tiền đồng, DN sẽ không bị ảnh hưởng khi giá USD tăng như những ngày qua. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là giá và chất lượng xăng dầu của Lọc dầu Nghi Sơn có cạnh tranh được với nguồn nhập khẩu hay không.
Ở góc độ chuyên gia, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng sản phẩm sản xuất ở trong nước mà đạt tiêu chuẩn kỹ thuật thì phải ưu tiên sử dụng. Có như vậy, Nhà nước vừa có thêm nguồn thuế từ DN mà bản thân DN cũng tiêu thụ được sản phẩm.
Tuy nhiên, ông Ngãi lưu ý Lọc dầu Nghi Sơn cần tự biết điều chỉnh giá thành sản phẩm, "chứ cứ xin ưu đãi, đưa ra giá cao thì ai mua. Giá không thấp hơn cũng phải ngang bằng giá nhập khẩu".
Bên cạnh đó, Lọc dầu Nghi Sơn cần phải dùng nhiều cách, cùng với sử dụng công nghệ hiện đại nên rà soát toàn bộ quy trình sản xuất để tiết kiệm chi phí một cách tối ưu, qua đó giảm giá thành.
Song, theo ông Ngãi, những giải pháp này là về lâu dài, trước mắt Việt Nam chưa thể đáp ứng đủ nguồn cung trong nước, vì vậy nhập khẩu xăng dầu vẫn là phương án nên ưu tiên.
Ts. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đánh giá đề xuất hạn chế nhập khẩu xăng dầu của tỉnh Thanh Hóa là tư duy tách Nghi Sơn khỏi môi trường cạnh tranh, tư duy không hội nhập và dựa dẫm vào Nhà nước.
"Tôi xin nhắc lại là "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam chứ không phải người Việt Nam phải dùng hàng Việt Nam", ông Long nhấn mạnh.
Điều đó có nghĩa, muốn được ưu tiên, trước hết bản thân hàng Việt phải nâng cao năng lực cạnh tranh, giá cả hợp lý, chất lượng tốt đi kèm dịch vụ tiếp thị tốt. "Không đạt được những tiêu chí trên mà cứ muốn dùng mệnh lệnh hành chính để bắt người ta xài sản phẩm là cơ chế tư duy cũ, áp đặt", ông Long nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, chắc chắn Nhà nước sẽ khó chấp nhận đề xuất này trong bối cảnh hiện nay, bởi đó là đề xuất phi thị trường, thiếu tư tưởng nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý mà giờ lại ràng buộc, bắt DN phải mua sản phẩm trong nước là không phù hợp.
Lê Thúy
Ông Nguyễn Văn Nam - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh Dù chưa đi vào vận hành thương mại nhưng việc Nghi Sơn có những đề xuất trên là họ chưa tự tin vào chất lượng sản phẩm của mình. DN nên suy nghĩ làm sao để sản phẩm làm ra không thua kém gì so với hàng ngoại, làm ăn phải nghiêm túc chứ không phải đưa ra sản phẩm có chất lượng thấp rồi bắt thị trường tiêu thụ, người dân phải chịu. Chỉ thời bao cấp mới có chuyện bao tiêu sản phẩm như đề xuất trên, chứ kinh tế thị trường không bao giờ có chuyện đó. Ts. Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Người Nhật thích dùng hàng nội địa vì chất lượng, giá cả tốt hơn hàng nhập. Trên thị trường, ai cạnh tranh tốt sẽ chiến thắng. Kinh tế thị trường là kinh tế cạnh tranh, nếu DN không thể cạnh tranh thì sẽ phá sản. Ts. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trước đây, có một số tỉnh đề xuất chỉ sử dụng mặt hàng trong tỉnh sản xuất nhưng đều không được chấp nhận. Bất kỳ DN nào khi mới bắt đầu cũng đều gặp khó khăn nên bản thân họ phải nỗ lực để vươn lên chứ không có cách nào khác. Hiện, Việt Nam xây dựng nền công nghiệp trong điều kiện đã mở toang cửa, không còn điều kiện để bảo vệ nền công nghiệp trong nước nữa. |