Theo phương án điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng dầu mà Bộ Tài chính đưa ra, thuế này sẽ tăng kịch khung lên 4.000 đồng/lít với xăng và 2.000 đồng/lít với dầu. Ước tính mỗi năm, ngân sách sẽ có 55.000 tỷ đồng, tăng 14.368 tỷ so với mức cũ. Thời hạn bắt đầu từ 1/7.
Theo Bộ Tài chính, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và một số nước trong khối ASEAN và châu Á nên nhất thiết phải nghiên cứu điều chỉnh thuế BVMT lên mức phù hợp.
Giá xăng sẽ tăng
Đại diện một DN đầu mối xăng dầu tại Hà Nội cho biết, thuế BVMT tăng chắc chắn giá xăng sẽ tăng. Đây là thuế gián thu người tiêu dùng (NTD) sẽ trả luôn khi đổ xăng dầu. Hơn nữa, việc xăng E5 cũng phải chịu thuế BVMT là không công bằng, nhất là trong bối cảnh Nhà nước đang khuyến khích người dân sử dụng loại xăng này. Đáng lẽ phải tìm cách để giá xăng E5 rẻ hơn nhiều so với xăng Ron 95, chứ không phải đánh đồng cùng chịu thuế BVMT.
Thực tế, thuế xăng dầu tăng sẽ tác động ngay tức khắc đến các DN vận tải, kéo theo đó làm tăng giá các mặt hàng thiết yếu. Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, thuế BVMT với xăng dầu tăng lên kịch khung 4.000 đồng/lít, kéo theo giá xăng sẽ lên rất cao khiến DN và người dân khốn khổ. Giá xăng chiếm 40% giá thành vận tải, việc giá xăng dầu trong nước tăng, cước vận tải tăng theo cũng là bình thường.
Theo ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, giá xăng dầu tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của DN vận tải. Xăng dầu tăng giá với tỷ lệ bao nhiêu, các DN vận tải chịu thiệt hại tương ứng tỷ lệ đó. DN có muốn quyết định điều chỉnh giá cước cũng không hề dễ dàng.
Ông Hùng liệt kê, để điều chỉnh giá cước DN phải đi kiểm định lại đồng hồ công - tơ - mét, đồng nghĩa hàng ngàn chiếc xe phải dừng chạy. Phí cho một chiếc xe taxi đi đăng kiểm đồng hồ 110.000 đồng; in lại biển hiệu nhận dạng, giá cước niêm phong trong và ngoài xe theo Nghị định 86 là 110.000 đồng/bộ.
Đồng thời, mỗi xe taxi phải dừng ít nhất 40 phút để điều chỉnh giá cước, niêm phong đồng hồ tính tiền. DN phải huy động toàn thể cán bộ nhân viên làm tăng ca cho đúng với tiến độ này. Đây là những chi phí rất tốn kém.
Tương tự đại diện một DN chuyên kinh doanh xe du lịch cho biết, đầu năm công ty đã chốt hợp đồng vận tải đối với các hãng du lịch, điều đó có nghĩa DN chấp nhận chịu mọi biến động lên xuống phát sinh. Nay thuế BVMT tăng, DN rơi vào tình cảnh “một cổ hai tròng” - thuế môi trường + biến động giá xăng chu kỳ 15 ngày/ lần điều chỉnh.
Giá xăng chắc chắn sẽ tăng khi thuế BVMT tăng |
Có chi bảo vệ môi trường?
Khẳng định trong bối cảnh hiện nay bất cứ một hành động nào gia tăng chi phí cho DN cũng là không nên, điều này bào mòn đi sức cạnh tranh của DN. Trong trường hợp tăng thuế BVMT với xăng dầu, Ts. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng nguồn thuế này phải dành chi để BVMT.
“Nguồn thu này không bao giờ được hòa vào ngân sách chung mà phải dùng nó để phát triển các ngành nghề liên quan tới BVMT; tạo ra ngành nghề, sản phẩm và công nghệ mới. Có như vậy, NTD mới sẵn sàng trả khoản tiền đó vì người ta biết rằng mình được lợi như thế nào. Các nước đều làm như vậy”, ông Cung cho biết.
Trong khi hiện nay ở Việt Nam, tăng thuế nhưng không đầu tư thêm vào cải thiện chất lượng môi trường thì rõ ràng chỉ là tăng thu, đánh mất ý nghĩa của sắc thuế này và chắc chắn thuế có tăng thì dân vẫn phải dùng.
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phân tích tác động của việc tăng thuế BVMT với xăng dầu tới NTD đã nhiều nhưng đối với các DN dường như chưa có nhiều đánh giá.
Đại diện cho cộng đồng DN, ông Lộc khẳng định việc tăng giá này là tác động dây chuyền làm tăng tổng thể các chi phí của DN. Điều này cần phân tích một cách cẩn trọng, cụ thể và có một bước đi phù hợp, phải thực hiện đúng yêu cầu Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ với mục tiêu giảm chi phí cho DN.
“Nếu trong trường hợp buộc phải tăng thuế BVMT nên có lộ trình và bước đi phù hợp”, ông Lộc chia sẻ.
Theo VCCI, hiện DN đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn, tỷ lệ các DN không có lãi vẫn ở mức 60%, phần lớn là DNNVV. Giai đoạn này là giai đoạn cần thực hiện biện pháp khoan sức cho DN, tạo cơ hội để DN tăng trưởng. DN phát triển sẽ góp phần vào tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.
Đi kèm các biện pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt điều kiện kinh doanh, những biện pháp kiềm chế tăng chi phí cho DN phải là biện pháp diễn ra đồng thời.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), cho biết tốc độ tăng thu thuế tính từ 2011 - 2016 đối với khu vực DN ngoài nhà nước 20 - 86%, trong khi DN FDI chỉ 7,5%.
Mặc dù chủ trương của Chính phủ thời gian qua là giảm chi phí cho DN, nhưng dường như những chính sách mà phía Bộ Tài chính đề xuất chủ yếu là tăng thu, lần này là tăng kịch trần thuế BVMT với xăng dầu.
Thy Lê