Ngày 3/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Diễn biến giá cả thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2018, lạm phát 6 tháng cuối năm. TS Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính, cho biết lạm phát có nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh trong tháng 7/2018 và sau đó giảm dần xuống dưới mức 4% (thậm chí có thể là dưới 3%) trong những tháng cuối năm 2018.
Vẫn còn nhiều yếu tố tác động lên chỉ số giá tiêu dùng từ nay đến cuối năm |
Phân tích cụ thể, trong năm nay còn hai ẩn số tác động tới lạm phát cần tính tới trong những tháng cuối năm 2018 là giá xăng dầu và giá thịt lợn. Riêng giá dịch vụ do Nhà nước quản lý đã được điều chỉnh trong giai đoạn cuối 2017. Vì vậy, có thể trong năm nay sẽ được giữ nguyên.
Trong trường hợp giá dầu và giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao như hiện nay hay tiếp tục tăng mạnh thì lạm phát trung bình cả năm cũng chỉ ở mức từ 3,4 – 3,9%. Điều này vẫn nằm trong tầm tay của Chính phủ. Mục tiêu kiềm chế lạm phát trung bình ở mức dưới 4% vẫn đạt được”, ông Độ khẳng định.
Trái với nhận định trên, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng sức ép lạm phát 6 tháng cuối năm nay sẽ lớn hơn khi giá dầu thô, giá hàng hóa trên thị trường thế giới, tỷ giá có xu hướng tăng… Điều này khiến nhiều quan điểm tỏ ra lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4% của năm nay
Nhìn lại diễn biến giá 6 tháng đầu năm cho biết, chỉ số CPI từ tháng 1 đến tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái có tốc độ tăng dần từ mức 2,65% lên mức 4,67% trong tháng 6, bình quân mỗi tháng tăng 0,37%, cao hơn rất nhiều con số 0,03% của 6 tháng đầu năm 2017.
Trước đó ít hôm, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, CPI bình quân nửa đầu năm tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái. Riêng CPI tháng 6/2018 tăng 2,22% so với tháng 12/2017 và tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân là do 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất 1,08%, chủ yếu do nhóm thực phẩm tăng 1,75% trong khi nhóm lương thực giảm 0,45%.
Nhóm giao thông tăng 1,04% do giá xăng dầu tăng 2,38%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,65%, chủ yếu do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,2% và thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao.
Để thuận lợi hơn cho công tác điều hành giá cuối năm, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), thời gian tới, hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn xu hướng tăng lương cơ bản của các đối tượng hưởng ngân sách và lương cơ sở trong cơ cấu tính giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng....
Tuy nhiên, do phí một số dịch vụ y tế đươc điều chỉnh giảm, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng và đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nên mặt bằng giá trên thị trường nhìn chung không có biến động lớn.
Để bình ổn giá cả thị trường những tháng còn lại của năm, ông Lộc cho rằng cần theo dõi diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, xử lý các vấn đề phát sinh khi thị trường có biến động bất thường. Đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ đối với các nhóm hàng may mặc, trang thiết bị gia đình và phương tiện đi lại cần có các chương trình kích cầu mua sắm...
Đại diện Cục Quản lý giá nhận định việc quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát cần thực hiện một cách chủ động, chú trọng công tác dự báo, xây dựng kịch bản điều hành giá chi tiết cho từng mặt hàng nhà nước quản lý với bước đi thận trọng và lộ trình thích hợp đảm bảo không tác động đột biến tới mặt bằng giá chung.
Hoàng Hà