Mở đầu hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành nông nghiệp năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ và địa phương vừa qua rằng "năm 2019 phải hơn năm 2018". Thủ tướng cho rằng năm 2018, xuất khẩu (XK) nông nghiệp đạt 40,02 tỷ USD là một kỷ lục, vậy năm nay hơn là bao nhiêu, chủ trương, biện pháp mới nào để tạo nên cái hơn đó?
Sản xuất vẫn manh mún
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2018 chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng của ngành nông nghiệp với kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục 40,02 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Ngành nông nghiệp đã thể hiện là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế, trở thành một động lực tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 3,76%, cao nhất trong 7 năm trở lại đây.
Việt Nam khẳng định vị thế là cường quốc về XK nông sản trên thế giới (đứng thứ 15 và đã XK sang hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ).
Năm 2018, có 2.200 doanh nghiệp (DN) nông nghiệp thành lập mới, tăng hơn 12% so với 2017, đến nay, cả nước có hơn 9.200 DN nông nghiệp. Đồng thời, cả nước đã có 39 liên hiệp HTX nông nghiệp, 13.400 HTX nông nghiệp, tăng 14,6% so với năm 2017; trong đó có 55% số HTX hoạt động hiệu quả (năm 2017 là 33%)
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều thách thức. Trong đó phải kể tới thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, rủi ro lớn; trong khi năng lực quản trị, công tác dự báo cung cầu còn bất cập…
Nhìn từ khó khăn đang gặp phải, bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, cho hay phát triển nông nghiệp của tỉnh này vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, sản xuất dưới 1ha chiếm 75% mô hình canh tác. Hiện vẫn chưa có các cơ chế đủ sức thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp.
Vì vậy, bà Xuân đề nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT nên có thêm nhiều chính sách cụ thể như ưu tiên tháo gỡ chính sách đất đai, tạo điều kiện cho DN, trang trại tích tụ ruộng đất; tạo điều kiện pháp lý để liên kết giữa DN và nông dân bền chặt hơn. Đặc biệt, Nhà nước cần đẩy mạnh khuyến khích việc thành lập và phát triển các HTX nông nghiệp có đủ sức liên kết với DN.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cũng đề nghị Chính Phủ, Bộ NN&PTNT có cơ chế chính sách để tạo điều kiện tích tụ ruộng đất nhằm thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là cây lúa và cây ăn quả.
Bên cạnh đó, Bộ cần nghiên cứu bổ sung một số chính sách phát triển nông nghiệp, hướng đến khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn hiện đại phù hợp với lợi thế từng địa phương.
Kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản năm 2018 đạt kỷ lục 40,02 tỷ USD |
Bắt đầu từ thể chế chính sách
Hơi ai hết, DN là người hiểu rõ nông nghiệp Việt Nam đang thiếu và cần điều gì nhất. Bà Thái Hương, nhà sáng lập của Tập đoàn TH, cho rằng khoa học công nghệ dứt điểm là con đường duy nhất để nông nghiệp phát triển. Nông nghiệp Việt Nam muốn đi xa hơn, cũng như muốn "tăng tốc và bứt phá" sẽ không có con đường nào khác là phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ.
Tuy nhiên, trước hết Nhà nước phải tạo đột phá từ thể chế. "Tôi nghĩ DN không xin Chính phủ tiền mà xin thể chế chính sách, bởi chúng tôi đã có sẵn hoạch định phát triển. Chính phủ cần thiết phải ban hành tiêu chuẩn quốc gia về hàng nông sản để các DN cạnh tranh phát triển bền vững với nhau", bà Hương nhấn mạnh
Cùng với đó, bà Hương cũng cho rằng ngành nông nghiệp phải xây dựng thương hiệu quốc gia cho các mặt hàng nông sản. Đồng thời, Nhà nước hỗ trợ DN tiếp cận các hội thảo, hội chợ nông sản quốc tế để tìm kiếm thị trường.
Bổ sung thêm, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, kiến nghị Nhà nước cần phải phát triển ngành công nghệ giống cây trồng Việt Nam; miễn thuế nhập khẩu cho các thiết bị chế biến, xem xét lại thuế thu nhập DN nông nghiệp; nhanh chóng sửa Luật Đất đai; cải cách hành chính mạnh mẽ…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận không có DN, HTX, nông nghiệp Việt Nam khó thành công. Trong đó, riêng về HTX, số lượng HTX kinh doanh hiệu quả ngày càng nhiều, đảm nhiệm dịch vụ đầu vào và đầu ra – là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị.
Hiện tại, nền nông nghiệp Việt Nam còn tồn tại những bất cập như hiện đại hóa, cơ giới hóa còn hạn chế, chưa đồng đều ở các địa phương; sản xuất nông nghiệp vẫn theo cách truyền thống, nhiều nơi vẫn tình trạng "con trâu đi trước, cái cày theo sau"; tổ chức sản xuất chuỗi giá trị chưa phổ biến, kinh tế hộ nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao.
Đặc biệt, DN còn gặp nhiều khó khăn, không phải địa phương nào cũng nhận thức được vai trò của HTX; tình trạng nơi này, nơi khác vẫn xảy ra "được mùa mất giá"….
Một lần nữa, Thủ tướng nhấn mạnh, việc đầu tiên là phải có thể chế pháp luật tốt, phải xóa bỏ những quy định lạc hậu để nông nghiệp Việt Nam có bước tiến.
"Thể chế chính sách, tạo môi trường đầu tư vào nông nghiệp cùng với hành động, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt của cán bộ nông nghiệp các cấp sẽ đóng góp vào thành công của nông nghiệp Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, cán bộ làm nông nghiệp cần có tinh thần phải cùng nông dân, sống trong lòng nông dân để làm cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, nông thôn.
"Cán bộ nông nghiệp phải sát dân, đừng có xa dân, nắm được tâm tư nguyện vọng, nắm được nhu cầu của người dân, đừng có hời hợt trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp", Thủ tướng yêu cầu.
Lê Thúy
Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc Ngành nông nghiệp phải khơi gợi được khát vọng dân tộc, phấn đấu 10 năm nữa Việt Nam lọt nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới. Muốn vậy, toàn ngành cần tiếp tục tìm tòi phát huy mọi sáng tạo dựa trên những lợi thế sẵn có. Giải pháp không còn là "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" mà phải có thể chế tốt, xóa bỏ thể chế lạc hậu để nông nghiệp Việt Nam có bước tiến. Chủ tịch HĐQT CTCP TCT Giống cây trồng Thái Bình - Trần Mạnh Báo Cần phải xây dựng lực lượng HTX mạnh mẽ hơn, đủ sức hợp tác với DN, hình thành các chuỗi giá trị. Những nước có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản… không có nước nào là không có HTX. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo cơ chế thu hút nhiều hơn nữa DN đầu tư vào nông nghiệp. Mỗi nông dân nếu sản xuất giỏi đều có thể trở thành những DN trong tương lai không xa. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường Năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP ngành trên 3,0%, giá trị sản xuất đạt trên 3,11%; kim ngạch XK khoảng 42 – 43 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất. Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông sản cả trong nước và XK. |