Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu (XK) chè của Việt Nam trong tháng 12/2018 đạt 12 nghìn tấn, trị giá 23 triệu USD, tăng 5,0% về lượng và tăng 19,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Năm 2018, XK chè của Việt Nam đạt 128 nghìn tấn, trị giá 219 triệu USD, giảm 8,4% về lượng và giảm 3,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Bỏ lỡ thị trường hấp dẫn
Về mặt hàng XK, 11 tháng năm 2018, XK chè đen đạt 56,6 nghìn tấn, trị giá 78 triệu USD, giảm 19,3% về lượng và giảm 18,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017; XK chè xanh đạt 52,9 nghìn tấn, trị giá 103,5 triệu USD, tăng 4,7% về lượng và tăng 9,3% về trị giá, đơn giá XK trung bình của mặt hàng chè xanh đạt 1.958,8 USD/ tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, chất lượng luôn là vấn đề "đau đầu" của ngành chè trong năm 2018. Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, Việt Nam là quốc gia XK chè đứng thứ 5 thế giới, với hơn 500 cơ sở sản xuất chế biến, nhưng so với các nước trong khu vực, giá chè XK của Việt Nam thuộc diện thấp nhất, chỉ bằng 60-70% giá chè thế giới.
Hơn nữa, mỗi năm, ngành chè Việt Nam còn chịu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng do thiếu liên kết tổ chức sản xuất, không phân vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến.
Đặc biệt, ngoài chất lượng giống, năng suất chè, tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón không tuân thủ dẫn đến không đảm bảo về an toàn thực phẩm.
Đơn cử ở thị trường Hàn Quốc, số liệu từ Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc cho hay, Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 10 cho Hàn Quốc, nhập khẩu từ Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng rất cao. Thị phần chè của Việt Nam mặc dù được mở rộng tại Hàn Quốc nhưng chỉ chiếm 2,3% tổng lượng chè nhập khẩu của nước này trong 11 tháng năm 2018.
Thị trường tiêu thụ chè Hàn Quốc có nhiều khả năng và cơ hội phát triển tốt vì người tiêu dùng ngày càng có nhận thức về tác dụng tốt đối với sức khỏe của chè.
Tuy nhiên, Hàn Quốc đòi hỏi chất lượng các loại chè nhập khẩu phải đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và được Cơ quan kiểm dịch thực vật Hàn Quốc cấp chứng nhận đã qua kiểm dịch trước khi được nhập khẩu.
Do vậy, để đẩy mạnh XK chè sang Hàn Quốc, các doanh nghiệp (DN) XK chè của Việt Nam cần chú ý tới các tiêu chuẩn và quy định đối với mặt hàng chè của Hàn Quốc.
Cần đầu tư công nghệ
Năm 2019, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo XK chè sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn do cung vượt cầu trên thị trường thế giới. Nhiều quốc gia tiếp tục mở rộng khả năng sản xuất mà không chú ý đến thực tế nguồn cung đang lớn hơn nhu cầu.
Năm 2018, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính lượng chè thặng dư khoảng 75.000 tấn và dự kiến sẽ tăng lên 128.000 tấn trong năm 2020, trong khi tiêu thụ chè ít biến động vì nhu cầu chưa có dấu hiệu tăng.
Trong bối cảnh nhu cầu không tăng, để phát triển ngành chè cần nâng cao khả năng cạnh tranh về giá và chú ý đến chất lượng sản phẩm. Do đó, các DN XK chè của Việt Nam cần đầu tư hơn nữa vào công nghệ chế biến sâu sản phẩm chè, phối trộn với các thứ nước uống khác để tạo nên hương vị đa dạng, giảm các chất gây tác dụng phụ trong chè, để bắt kịp sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng chè trên thế giới.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP chè Hà Thái, kiến nghị chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa đến các DN dám mạnh dạn đầu tư phát triển cây chè theo hình thức liên kết, giúp DN xây dựng vùng nguyên liệu chè đảm bảo an toàn. Từ đó, DN có trách nhiệm đầu tư và kiểm soát đầu vào, kỹ thuật canh tác, còn nông dân nghiêm túc thực hiện quy trình kỹ thuật nâng cao chất lượng nguyên liệu.
Đặc biệt, hiện nay, các nhà sản xuất chè Việt Nam vẫn được khách hàng quốc tế biết đến về khả năng cung cấp khối lượng lớn, giá rẻ, chất lượng XK trung bình, bởi vậy ngành chè cần phải đẩy mạnh xây dựng thương hiệu.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng thay vì hỗ trợ cho từng DN, Nhà nước nên có chiến lược hỗ trợ nhằm phát triển thương hiệu cho cả ngành. Nếu làm được điều này, chắc chắn khi nói tới chè, người tiêu dùng thế giới không thể không nghĩ tới Việt Nam.
Thy Lê