Mặc dù từ giữa tháng 9/2022, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh hạn mức tín dụng cho nhiều ngân hàng, tuy nhiên cho đến nay, như lo ngại của ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc một công ty sản xuất thực phẩm ở Tp.HCM, việc tiếp cận và giải ngân nguồn vốn vay trong giai đoạn này vẫn hết sức khó khăn cho các doanh nghiệp (DN).
Chưa giải tỏa “cơn khát” vốn vay
Ông Tuấn cho rằng, nhu cầu sử dụng vốn của DN trong 3 tháng cuối năm thường rất cao. Thế nhưng, nhiều DN vẫn băn khoăn liệu hạn mức tín dụng được nới thêm này có đáp ứng được “cơn khát” vốn của cộng đồng DN hay không?
Giữa lúc khát vốn để phục vụ mở rộng sản xuất kinh doanh, nhiều DN đang lo tiền nộp xử lý chất thải có thể chưa thật sự đảm bảo đúng mục đích. |
Còn theo chia sẻ của ông Trần Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Sài Gòn (SCC), để đảm bảo các quy định về rủi ro và quản trị, nhiều ngân hàng sẽ giải ngân theo hướng chọn lọc vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
“Các ngân hàng sẽ rất thận trọng trong việc giải ngân do phải cân đối nguồn vốn trong phạm vi có thể. Một số ngân hàng cạn room tín dụng từ tháng 5/2022 nên các hồ sơ từ đó đến nay sẽ được ưu tiên giải quyết dẫn đến việc các hồ sơ giải ngân mới sẽ bị hạn chế”, ông Việt Anh lưu ý.
Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, nhu cầu vốn của các DN trong quý 4/2022 là rất lớn khi đã nối lại được chuỗi kinh doanh nên họ có nhu cầu tái đầu tư phát triển, mở rộng. Hơn nữa, trong bối cảnh mới có khá nhiều DN mới được thành lập thì nhu cầu vốn vay của họ cũng rất lớn nhằm mở rộng phát triển DN.
“Vì nhu cầu về vốn vay rất lớn nên đã phần nào gây áp lực cho các ngân hàng phải có một lượng vốn tín dụng để hỗ trợ phát triển cho các DN trong bối cảnh rất mới và vừa góp phần vào tăng trưởng kinh tế”, ông Dũng nói.
Tuy nhiên, như lưu ý của chuyên gia này, vốn tín dụng từ quý 3/2022 có chút khó khăn do việc thắt chặt tín dụng, cùng một số rào cản nhằm hạn chế nợ xấu. Phía ngân hàng có một số quy định ngặt nghèo hơn để đảm bảo dòng vốn cho vay ra có hướng để quay lại cho ngân hàng.
Và giữa lúc các DN sản xuất đang “khát vốn” thì một trong những điều mà họ e ngại là áp lực chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cũng như các vướng mắc trong khâu thủ tục.
Băn khoăn tiền nộp xử lý chất thải
Cho nên, trong Nghị quyết 131/NQ-CP mà Chính phủ ban hành mới đây về việc “đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hoá phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, DN”, đã có nhấn mạnh các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Nhất là cần tiếp nhận, tổng hợp, tiếp thu, giải trình, phản hồi, cập nhật kết quả xử lý đối với ý kiến góp ý, vướng mắc, đề xuất của tổ chức, cá nhân về chính sách, quy định thuộc phạm vi chức năng quản lý.
Trong khi đó, mối lo bất cập ở một số quy định mới từ các dự thảo thông tư dẫn đến những khoản chi phí có thể “chảy ngược” khi sử dụng sai mục đích vẫn tiếp tục là nỗi ám ảnh của DN.
Như hôm 11/10, 10 Hiệp hội DN, bao gồm: Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội sữa Việt Nam, Hiệp hội nhựa Việt Nam, Hiệp hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội chè Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hội lương thực thực phẩm Tp.HCM, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy, Hội DN sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam đã gửi bản góp ý tới Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà về “Dự thảo Thông tư ban hành quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải”.
Trong văn bản góp ý, các Hiệp hội nhận thấy Dự thảo còn nhiều điểm bất hợp lý và mâu thuẫn với Luật Bảo vệ Môi trường, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và các quy định pháp luật hiện hành. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến niềm tin của cộng đồng DN khi việc sử dụng nguồn tài chính đóng góp của các DN vào bảo vệ môi trường chưa thật sự đảm bảo đúng mục đích.
Chẳng hạn như các quy định về Văn phòng EPR có nhiều điểm mâu thuẫn với Luật Bảo vệ Môi trường, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và các quy định pháp luật hiện hành; gây phát sinh thêm biên chế; các khoản tài chính đóng góp của các DN được sử dụng vào các mục đích không liên quan trực tiếp đến tái chế, xử lý chất thải.
Cụ thể, Điều 23 Dự thảo quy định Chi phí quản lý, điều hành văn phòng EPR Việt Nam bao gồm 11 loại chi phí, trong đó chỉ có 1 loại chi phí (tại khoản 1) là được dùng vào việc hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải, còn lại 10 loại chi phí khác (từ khoản 2 đến khoản 11), như mua sắm tài sản, truyền thông, giao dịch, đối ngoại, hội thảo, hội nghị, chi hỗ trợ cho đảng bộ, đoàn thể…, đều sử dụng từ khoản đóng góp của DN cho tái chế sản phẩm, bao bì, xử lý chất thải.
Trong khi đó, Luật Bảo vệ môi trường quy định rất rõ rằng: “Đóng góp tài chính được sử dụng để hỗ trợ cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì” (tại điểm b, khoản 4, Điều 54) và “việc tiếp nhận, sử dụng đóng góp tài chính phải công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định” (tại điểm c, khoản 4, Điều 54). Điều này có nghĩa là khoản đóng góp tài chính này được Luật quy định chỉ sử dụng cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì và không sử dụng vào các mục đích khác.
“Do đó, việc Dự thảo cho phép sử dụng các khoản đóng góp của DN để hỗ trợ cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì vào các mục đích khác như trên là hoàn toàn trái nguyên tắc, đi ngược lại và không thống nhất với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường”, phía các Hiệp hội chỉ rõ.
Thế Vinh