Ở buổi đối thoại mới đây tại Tp.HCM về thủ tục, chính sách thuế giữa DN ở các tỉnh, thành phía Nam với Bộ Tài chính, ông Đào Đông Phong, Kế toán trưởng Tổng công ty Khánh Việt (Khatoco), có bày tỏ lo lắng là liệu phía DN của mình có bị tính tiền chậm nộp thuế hay không như trong quy định mới của Nghị định 126/2020/NĐ-CP (Nghị định 126).
Lo tính tiền chậm nộp thuế
Bởi lẽ, theo quy định tại Điểm b Khoản 6 Điều 8 Nghị định 126 quy định “Tổng số thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm”.
DN đầy rẫy khó khăn từ dịch Covid-19 lại đối mặt những bất cập trong quy định mới về quản lý thuế. |
Trong khi đó, theo ông Phong, đối với kỳ tính thuế năm 2020, đến ngày 30/10/2020, Khatoco đã tạm nộp số thuế TNDN, lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của 3 quý đầu năm 2020 thấp hơn 75% số phải nộp theo quyết toán năm 2020.
Rất may, như giải thích của ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), thì tuy có hiệu lực từ ngày 5/12/2020 nhưng Nghị định 126 bắt đầu áp dụng từ năm 2021, còn trong năm quyết toán thuế năm 2020 thì chưa áp dụng quy định chậm nộp.
Tuy vậy, nhiều DN vẫn thấy quy định nêu trên là bất cập và rất cần được sửa đổi sớm nhằm tránh làm khó cho DN vốn đang đối mặt nhiều khó khăn.
Trong kiến nghị mới đưa ra, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), cho rằng các DN kinh doanh thương mại, dịch vụ, thường có doanh thu phát sinh đột biến trong quý 4 của năm, mà không thể tiên lượng trước trong kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm.
Trong khi đó, theo quy định ở Điểm b Khoản 6 Điều 8 Nghị định 126 là “Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp, tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý 3 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước”.
Trước yêu cầu như thế, theo ông Châu, chỉ cần phát sinh một vài thương vụ ngoài kế hoạch, thì DN có thể vi phạm quy định trên đây do doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến.
Ngoài ra, qua những thông tin phản ánh trên truyền thông thì hiện tại một số DN ở Hà Nội đã nhận được thông báo của cơ quan thuế dựa trên Nghị định 126 để đôn đốc nộp thuế TNDN 3 quý đầu năm 2020 và tính tiền thuế phải nộp căn cứ vào số liệu kê khai trên quyết toán thuế TNDN năm 2019.
Sợ lộ thông tin tài khoản ngân hàng
Điều này khiến cho khá nhiều DN lo lắng dù cho lãnh đạo Tổng cục Thuế có trấn an là Nghị định 126 sẽ áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2021. Ông Lê Hoàng Châu cho biết phía hiệp hội của mình đã đề nghị Bộ Tài chính và Tổng Cục Thuế cần quan tâm xem xét khi hướng dẫn thi hành Nghị định 126.
Nhất là cần có phân biệt trường hợp cố ý khai thấp doanh thu và lợi nhuận để chiếm dụng tiền thuế; hoặc trường hợp "tình ngay", không cố ý khai thấp doanh thu và lợi nhuận, đối với các khoản doanh thu, lợi nhuận đột xuất.
“Theo đó, không xử phạt đối với trường hợp DN đã nộp báo cáo kế hoạch doanh thu và lợi nhuận quý 4, kèm theo danh mục các dự án, hoặc hoạt động kinh doanh, mà có phát sinh doanh thu và lợi nhuận ngoài kế hoạch đã kê khai đăng ký với ngành thuế”, vị chủ tịch của HoREA nhấn mạnh.
Ngoài vấn đề nêu trên thì trong quy định của Nghị định 126 có nêu rõ việc “Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế”.
Quy định này cũng đang dấy lên những lo ngại trong giới DN về trách nhiệm bảo mật thông tin tài khoản. Đặc biệt là trong trường hợp khi những thông tin tài khoản khách hàng rơi vào tay kẻ xấu và bị lợi dụng quay lại lừa đảo chủ tài khoản thì ai sẽ chịu trách nhiệm, phía ngân hàng hay cơ quan thuế ?
Anh Trương Văn Nhủ, giám đốc một công ty bao bì ở quận Bình Tân (Tp.HCM), đã bày tỏ sự băn khoăn với quy định có tính bất cập này dù Tổng cục Thuế trong cuộc họp báo hôm 1/12 đã khẳng định sẽ bảo mật tuyệt đối cho việc này. Bởi lẽ trước giờ ngân hàng có trách nhiệm bảo mật thông tin tài khoản cho khách hàng thì phía DN mới có thể yên tâm.
Theo anh Nhủ, ngoại trừ việc ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng theo yêu cầu của ngành tư pháp để phục vụ điều tra, còn việc cung cấp cho cơ quan thuế thì câu hỏi đặt ra là có “an toàn” và bảo mật hay không thì vẫn còn bỏ ngỏ trách nhiệm.
Thực ra, phía Tổng cục Thuế cho biết ngân hàng sẽ cung cấp cho cơ quan thuế tên chủ tài khoản, số tài khoản của người nộp thuế có hai nguồn thu nhập trở lên.
Tuy nhiên, điều đó cũng làm nhiều DN hoang mang về bí mật thông tin khách hàng nếu chuyển cho cơ quan thuế khi ngân hàng chưa nắm được thu nhập nào chịu thuế và không chịu thuế.
Có thể nói, với mỗi lần có thay đổi mới trong chính sách quản lý thuế là mỗi lần DN lại thấp thỏm và thêm lo âu nếu như quy định mới có bất cập với hoạt động thực tế của DN vốn còn đầy rẫy khó khăn từ dịch Covid-19. Và việc “đối phó” với cơ quan thuế lại được không ít DN nghĩ đến thông qua việc “tặng quà” cho cán bộ thuế trong những lần gặp.
Thế Vinh