Đơn cử như hồi tháng 7/2022 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải có ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Lo doanh nghiệp nhỏ khó đáp ứng
Trong thông tư này có những quy định mới về lệnh vận chuyển điện tử để các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải sớm thích ứng, cải tiến phương thức quản trị vận tải.
Điều mong mỏi của các DN kinh doanh vận tải là những quy định mới cần thực hiện vào đúng thời điểm thích hợp, tránh bất cập, có lộ trình rõ ràng, tránh gây nhiều tốn kém để không phải đối mặt tình cảnh “khó chồng khó”. |
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Công Bằng, Phó giám đốc CTCP Bến xe Hà Nội, cho rằng các DN sẽ cần nghiên cứu kỹ thông tư để thực hiện cho đúng các quy định. Để triển khai thực hiện, điều đầu tiên là cơ sở vật chất, đương nhiên là các DN sẽ phải sắm trang thiết bị, máy tính, xây dựng phần mềm.
Theo ông Bằng, nếu DN nào mạnh thì có thể tự làm được, nhưng đa phần lại là những DN nhỏ, không phải chuyên ngành về công nghệ thông tin, nên chắc chắn phải thuê một đơn vị để xây dựng được lệnh vận chuyển điện tử, vé điện tử để chuyển đổi số.
“Điều quan trọng hơn nữa là đào tạo con người, đương nhiên sẽ tuyển dụng những người am hiểu vấn đề này thì mới thực hiện được. Tôi nghĩ với các DN lớn và những DN ở các tỉnh, thành phố lớn thì việc này không đến nỗi quá khó khăn, nhưng với những DN ở vùng sâu vùng xa hoặc DN nhỏ thì lại là cả vấn đề”, ông Bằng nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, đối với các DN vận tải có tổ chức bài bản, có số lượng xe từ trung bình trở lên đón nhận rất tốt, nhưng với những DN nhỏ hoặc các hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ (tức là không làm công tác quản lý kinh doanh mà chỉ làm dịch vụ cho các thành viên) thì vẫn còn một số khó khăn.
“Tôi nghĩ đây là giai đoạn đầu, vừa chạy vừa xếp hàng trong một thời gian không thể ngắn được. Nếu có nhanh thì cũng phải nửa năm trở lên thì mới có thể sắp xếp đi vào trật tự”, ông Quyền nói.
Có thể nói quy định mới về về lệnh vận chuyển điện tử là điều nên làm nhằm thích ứng với xu hướng chuyển đổi số. Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ phía DN vận tải bày tỏ mối băn khoăn khi thực hiện vào thời điểm này khiến cho họ gặp áp lực về mặt chi phí. Nhất là sau quá trình tăng giá nhiên liệu khiến cho nhiều DN lỗ nặng khi khách hàng sụt giảm, phần thu không đủ bù vào nhiều chi phí phải trả.
Ngoài ra, các DN vận tải hành khách cũng đang dành sự quan tâm lớn đến việc Sở GTVT Tp.HCM đầu tháng 8/2022 có đề xuất cấm ôtô khách trên 30 chỗ vào nội đô Tp.HCM từ 6h đến 22h để giảm ùn tắc, tai nạn và hạn chế “bến cóc, xe dù”.
Việc cấm xe khách dự tính thực hiện theo hai giai đoạn: Từ nay đến 2025, cấm ôtô khách giường nằm vào nội đô 6-22h. Sau đó, thêm các ô tô trên 30 chỗ cũng bị cấm (trừ xe buýt, xe tang, ôtô công vụ...). Ngoài ra, ngành giao thông thành phố cũng đề cập một phương án khác là từ sau 2025 sẽ cấm xe khách trên 16 chỗ.
Xin đừng để DN, HTX “khó chồng khó”
Về phía Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách Tp.HCM đồng ý với phương án 1 của Sở GTVT Tp.HCM, cụ thể từ năm 2022-2025 (giai đoạn 1) đối tượng hạn chế là xe khách giường nằm, thời gian hạn chế từ 6h-22h hằng ngày. Giai đoạn 2 từ năm 2025-2030 sẽ hạn chế xe khách trên 30 chỗ vào khu vực nội đô từ 6h-22h hằng ngày.
Tuy nhiên, hiệp hội này có lưu ý không thể cấm hoàn toàn đối với xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng (như văn bản dự thảo). Bởi vì bản chất của loại hình này là các DN, hợp tác xã vận tải vận chuyển theo yêu cầu cụ thể từng hợp đồng, của hành khách.
Nhiều ý kiến cho rằng phải chuẩn bị sẵn vài phương án thay thế những bất cập khi xe khách trên 30 chỗ bị cấm vào nội đô Tp.HCM. Nhất là nên đưa lộ trình thực hiện thật sự hợp lý để không gây quá nhiều khó khăn cho DN vận tải hành khách.
Không chỉ vậy, cần tránh gây tác dụng ngược, gây lãng phí thời gian và tiền bạc, bởi với lệnh cấm như vậy, hành khách sẽ lại phải dùng rất nhiều xe trung chuyển để di chuyển quãng đường dài ra bến xe.
Bên cạnh quy định mới về lệnh vận chuyển điện tử và đề xuất cấm xe khách vào nội đô như trên, giới kinh doanh vận tải cũng đang chú ý đến quy định mới về việc đổi tên các trung tâm đào tạo lái xe thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Như mới đây, một trường dạy lái xe khá tên tuổi ở Tp.HCM là Trung tâm dạy nghề lái xe Hiệp Phát đã có quyết định của UBND Tp.HCM đổi thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Hiệp Phát. Hoạt động của trung tâm này sẽ dựa trên quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Điều lệ trung tâm giáo dục nghề nghiệp ban hành theo Thông tư số 57/2015/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 18/2018/TT-BLĐTBXH ngày 30/10/2018 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).
Tuy vậy, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) xem xét không yêu cầu đổi tên các “Trung tâm đào tạo lái xe” thành “Trung tâm giáo dục nghề nghiệp”.
Giới chuyên gia cho rằng, việc đổi tên có phần khiên cưỡng và phản cảm trong khi quá trình hoạt động vừa qua không có vướng mắc gì liên quan đến việc đặt tên gọi đang được sử dụng phổ biến. Nếu thay đổi, hàng trăm trung tâm đào tạo lái xe, hàng chục ngàn xe phải chuyển đổi tên trong đăng ký sở hữu trên cả nước sẽ phải bỏ ra chi phí, thời gian để điều chỉnh…
Nêu ra một số vấn đề có liên quan đến các quy định mới, đề xuất mới đã, đang và sẽ thực hiện như nêu trên để thấy điều mong mỏi của các DN trong mảng kinh doanh vận tải là việc thực hiện cần thực hiện vào đúng thời điểm thích hợp, tránh bất cập, có lộ trình rõ ràng, tránh gây nhiều tốn kém để không phải đối mặt tình cảnh “khó chồng khó”.
Thế Vinh