Thống kê cho thấy, tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ của Việt Nam, cả khu vực nhà nước và tư nhân chỉ khoảng 0,44% GDP, mức rất thấp so với bình quân của thế giới là 2,23% GDP. Việt Nam đang tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ, về đổi mới sáng tạo và về năng suất lao động so với một số nước ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Muốn thay đổi không thể nhụt ý chí
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nếu không mạnh dạn đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong chính cái "hố" năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp và bẫy thu nhập trung bình.
Đổi mới sáng tạo là con đường mà DN bắt buộc phải đi. |
Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Misa, khi xuất hiện thuật ngữ đổi mới sáng tạo trong vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa đã chạy theo xu hướng này vì thấy các lợi ích, hiệu quả. Tuy nhiên, khi thực hiện, các DN lại chưa nắm rõ cách thức để đổi mới, lường trước các khó khăn cũng như chưa biết nên đổi mới công nghệ hay đổi mới sản phẩm. Điều đó dẫn đến tình trạng DN quay về mô hình cũ sau 1-2 năm triển khai đổi mới sáng tạo.
Bà Nguyễn Thị Hương Giang, Tổng giám đốc nhân tài và văn hóa Mekong Capital cho biết, hầu hết các CEO DN khi nghe về tương lai của đổi mới sáng tạo thì hào hứng và chấp nhận rằng mình bắt buộc phải đi con đường này. Nhưng đến khi thực sự triển khai đổi mới thì ý chí lại nhụt. "Đơn giản là bởi, trước giờ công ty hoạt động theo mô hình gia đình, chồng làm giám đốc, vợ làm phó giám đốc, em trai làm giám đốc kinh doanh... Đến khi được bảo phải đổi mới bắt đầu từ con người thì chính ông chủ DN lại nói rằng thay ai thì thay, còn vợ và em tôi vẫn phải có vị trí đó", bà Giang dẫn chứng và cho rằng đây chỉ là một ví dụ cho thấy ai cũng muốn đổi mới sáng tạo nhưng không sẵn sàng để làm, hành động.
"Con người chẳng ai muốn thay đổi vì sợ bước vào vùng không an toàn. Con người chỉ thay đổi khi thấy cần thiết phải thay đổi - không thay đổi thì chết", Tổng giám đốc nhân tài và văn hóa Mekong Capital nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch, đồng sáng lập Ví MoMo cũng chia sẻ, thông thường cứ đổi mới khoảng một năm là DN... "mệt", tháng thứ nhất cố gắng là 10 thì tháng 12 chỉ còn có 1! Do vậy, muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì phải làm sao giữ được ngọn lửa đổi mới, thúc đẩy đổi mới thì cần bài toán cụ thể, khuyến khích họ thay đổi vì nếu không thay đổi thì sẽ bị loại.
"Buổi đầu gặp gỡ DN nói sẽ làm, đến buổi thứ 3-4 nữa thì chìm đi. Chính phủ, DN lớn, nhà cung cấp hỗ trợ nhưng nếu DN không sẵn sàng thì không ai có thể làm thay được", ông Diệp nói.
Theo dõi sự hoạt động của DN nhiều năm, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT) nhìn nhận, trước đây đổi mới sáng tạo dường như chỉ diễn ra ở DN lớn, trong khi DN nhỏ đều nghĩ rằng mình không thể làm. Tuy nhiên, thời đại mới đã đến, công nghiệp 4.0 có nhiều ngóc ngách mà DN cần phải chớp được để có thể bứt phá, thậm chí vượt lên cả những người đã đi trước.
Bà Thủy nêu quan điểm: "Tôi không muốn đổi mới sáng tạo theo kiểu chỉ hô hào, bổ nhiệm một ông giám đốc đảm nhiệm là xong. Mà đổi mới sáng tạo phải từ người đứng đầu DN cho đến từng nhân viên. Cả DN đều cùng nhìn về một hướng thì mới thành công".
Tạo cơ chế, hỗ trợ DN
Về phía vai trò của Nhà nước, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN cho rằng, quy mô DN khác nhau nên cần sự hỗ trợ khác nhau. DN lớn không cần hỗ trợ về nguồn lực, mà điều họ cần hơn là cơ chế hỗ trợ từ phía Nhà nước để kết nối với các tập đoàn trong và ngoài nước. Bộ KH&ĐT đã xây dựng đề án thu hút nguồn lực từ các DN FDI trọng điểm để liên kết với DN trong nước. Đồng thời, thu hút các tập đoàn công nghệ lớn của nước ngoài mà có sự lan tỏa công nghệ cho các DN trong nước, làm được điều này sẽ được ưu đãi lớn với mức thuế gần 0% trong vòng 40 năm.
Còn về phía DN nhỏ và vừa, họ cần hỗ trợ nguồn lực, dữ liệu khách hàng, nên vai trò kết nối của Chính phủ là rất quan trọng.
Cuối tuần qua, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã được khởi công. Theo thông tin từ Bộ KH&ĐT, đây sẽ là nơi quy tụ các DN, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, nơi cung cấp các cơ sở nghiên cứu, không gian làm việc, thử nghiệm sản phẩm và điều kiện hạ tầng tốt nhất phục vụ cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ theo chuẩn mực quốc tế...
Song, ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), nêu quan điểm: Trung tâm đổi mới sáng tạo chỉ là bước đi ban đầu, quan trọng là xây dựng trên toàn Việt Nam việc đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Trung tâm đổi mới sáng tạo không nên ôm đồm nhiều ngành nghề, mà chọn một số ngành nghề theo xu hướng, đóng góp lớn cho đất nước để hỗ trợ.
"Hỗ trợ DN tất cả những lĩnh vực cần như thủ tục hành chính, đào tạo nhân lực, tiếp cận thị trường và nguồn vốn. Vai trò của Trung tâm cần làm là thúc đẩy hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý, cấp phép cho dịch vụ sản phẩm mới. Hiện nay, vấn đề này còn rất chậm", ông Dũng nói.
Dẫn chứng từ kinh nghiệm của thế giới, ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Samsung điện tử Việt Nam cho biết, từ năm 2015, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập 17 trung tâm kinh tế và đổi mới sáng tạo trên cả nước, với mục đích chính là kết nối toàn bộ DN đổi mới sáng tạo, DN vừa và nhỏ với những DN lớn đang hoạt động tại Hàn Quốc và khu vực.
Bên cạnh chức năng kết nối, các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Hàn Quốc còn đóng vai trò thu hút sự tham gia của các tập đoàn lớn như Samsung, LG, SK, Hyundai, Lotte theo lĩnh vực nghiên cứu mà họ chú trọng.
Để duy trì hoạt động của các trung tâm đổi mới sáng tạo này, Hàn Quốc dành nguồn lực lớn từ khu vực công và huy động nguồn lực từ các tập đoàn tư nhân lớn trong nước. Mỗi trung tâm đổi mới sáng tạo tại Hàn Quốc hàng năm duy trì kinh phí 1,8 tỷ USD để đầu tư, bảo lãnh và cho vay phát triển các dự án đổi mới sáng tạo. Nhờ có nguồn vốn như vậy đã thu hút thêm hàng tỷ USD vào đổi mới sáng tạo hoạt động sản xuất của DN. Mô hình này đã gặt hái rất nhiều thành công không chỉ ở Hàn Quốc mà còn vươn ra thế giới.
"Chúng tôi kỳ vọng NIC sẽ là "hạt nhân" để thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam, tạo động lực phát triển kinh tế mới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường và thịnh vượng”, ông Tuấn chia sẻ.
Ông Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nhà nước cần hoàn thiện nhanh khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công; ban hành chính sách thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới, như: kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn… để đáp ứng kịp thời nhu cầu nền kinh tế. Cũng như nghiên cứu và khẩn trương ban hành và tạo điều kiện thực hiện cơ chế thí điểm (sandbox) cho đổi mới sáng tạo và DN khởi nghiệp. Có chính sách khuyến khích DN quan tâm đến đổi mới sáng tạo; xây dựng Quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho quá trình đổi mới sáng tạo. Ông Phạm Lê Minh Giám đốc điều hành khối IoT, CTCP Bóng đèn Điện Quang Muốn đổi mới, sáng tạo trước hết chúng ta phải xác định thay đổi vì mục đích gì? Sự thay đổi để có cơ hội phát triển hơn hay không? Chúng ta hay nói về chuyển đổi số trong DN, nhưng điều tôi muốn nói lại là sự chuyển mình của DN. Người lãnh đạo đi đầu cần thay đổi, vì thay đổi để tồn tại và phát triển tốt hơn. Ông Nguyễn Văn Minh Phó Tổng giám đốc công nghệ Tập đoàn Sunshine Đã đến lúc những DN, tập đoàn lướn được ví như "cánh chim đầu đàn" cần bắt tay với nhau, hợp tác có chiều sâu hơn thì mới có thể đưa Việt Nam trở thành một điểm đến của đổi mới sáng tạo. Cùng hợp lực và liên kết, chúng ta mới có thể bước đi trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 bằng chính trí tuệ, nội lực Việt Nam. |
Lê Thúy