Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc CTCP Sài Gòn Food cho biết, công ty đã sẵn sàng cho thị trường mùa Tết Tân Sửu 2021 với hơn 2.700 tấn thành phẩm, dự báo tăng trưởng hơn 30% so với các tháng bình thường và tăng 25% so với cùng kỳ Tết Canh Tý 2020.
Phục vụ theo nhu cầu mới
Điểm đáng chú ý, lần đầu tiên sau khi liên tục ra mắt hàng chục sản phẩm mới mỗi năm thì mùa Tết năm nay, doanh nghiệp (DN) này chỉ tăng vị mới trên các dòng sản phẩm chủ lực sẵn có, nhằm phục vụ nhu cầu mới trong điều kiện bình thường mới, đó là chăm sóc sức khỏe và tiết kiệm chi phí.
Các DN thực phẩm Việt tìm kiếm cách thức mới để trụ vững và tiến lên khi xu hướng tiêu dùng ngày càng thay đổi. |
Bên cạnh đó, theo bà Lâm, công ty sẽ đưa sản phẩm thực phẩm lên trên các hệ thống trực tuyến (online) nhằm giúp người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng hơn.
Sài Gòn Food được ghi nhận là một trong những DN thực phẩm Việt có bước đi sáng tạo, với chiến lược ứng phó "biến nguy thành cơ" trong bối cảnh phức tạp của thị trường do ảnh hưởng dịch Covid-19, giúp cho công ty trong năm 2020 có doanh số tăng trưởng 10% so với năm 2019.
Nhận định về xu hướng ngành thực phẩm trên thế giới và Việt Nam trong thời gian tới, bà Nguyễn Hương Quỳnh, Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh The Blue Ocean nhấn mạnh, sức khoẻ vẫn là ưu tiên hàng đầu. Tất cả hoạt động của cơ quan quản lý, DN, hành vi của người tiêu dùng trong thời gian tới đều nhắm đến vấn đề về sức khoẻ.
Bên cạnh đó, theo bà Quỳnh, ứng dụng đặt - giao thức ăn trực tuyến trở nên bùng nổ hơn bao giờ hết, từ châu Mỹ, châu Âu cho đến châu Á. Nhất là giai đoạn các nước quản lý nghiêm ngặt vấn đề cách ly toàn xã hội. Số lượng người tải app (ứng dụng) về điện thoại di động để đặt đồ ăn mang về nhà tăng hơn 50%, có những quốc gia còn tăng đến 100%.
Đơn cử như Trung Quốc có mức độ tiêu thụ thực phẩm đông lạnh tăng đến 600% và thông qua các app để mua trữ ở nhà.
Mặt khác, dung lượng thị trường đặt thức ăn về nhà trong năm 2020 trên toàn thế giới vào khoảng 136 tỷ USD, và ước tính đến năm 2024 sẽ là 184 tỷ USD.
Ngoài xu hướng đặt đồ ăn trực tuyến, với người tiêu dùng Việt Nam, những thay đổi hành vi tiêu dùng thực phẩm trong và sau dịch Covid-19 luôn đòi hỏi các DN thực phẩm cần lưu tâm nhiều hơn.
Đặc biệt là người tiêu dùng Việt đang có xu hướng mua những sản phẩm thực phẩm có giá rẻ nhiều hơn. Họ cũng có xu hướng sử dụng thực phẩm nội địa và thực phẩm ở địa phương ngày càng nhiều hơn, vì mang lại cảm giác an toàn hơn.
Tìm cách thức mới để tiến lên
Chủ tịch The Blue Ocean cũng nhấn mạnh Farm to Table (từ nông trại đến bàn ăn) là xu hướng để DN thực phẩm tiếp cận người tiêu dùng nhiều hơn. Đặc biệt là DN tận dụng dữ liệu của người tiêu dùng để tương tác với họ và tiếp tục đổi mới sáng tạo, nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm.
Trong hoạt động đổi mới sáng tạo của DN thực phẩm Việt có thể kể đến trường hợp điển hình như CTCP Nutifood khi ra mắt nhiều giải pháp đổi mới trong năm 2020 vừa qua, với những sản phẩm sữa dinh dưỡng có tính đẳng cấp quốc tế, đáp ứng nhu cầu và thể trạng đặc thù của người Việt.
Chẳng hạn như Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển chỉ sau một năm hoạt động đã xây dựng bộ tiêu chuẩn nông nghiệp kỹ thuật cao theo tiêu chuẩn Thụy Điển, giúp Nutifood cho ra đời sữa tươi chuẩn cao quốc tế đầu tiên tại Việt Nam với hàm lượng 3,5 gram đạm, 4,0 gram béo/100ml, tương đương sữa tươi ngoại nhập.
Chính những nỗ lực như vậy mà DN này được ghi nhận với giải thưởng Sáng tạo Đổi mới Quốc tế 2020 do Enterprise Asia - tổ chức phi chính phủ hàng đầu về kinh doanh trao tặng mới đây.
Bên cạnh đó, theo bà Quỳnh, vấn đề cũng được đặt ra là làm thế nào để ngành thực phẩm Việt chuyển mình nhanh hơn nữa? Để giải quyết vấn đề này, một trong ba yếu tố quan trọng đó chính là sự thay đổi nội tại của DN, nhất là thích ứng mô hình kinh doanh ngoại tuyến (offline) kết hợp trực tuyến (online).
Hơn thế nữa, bà Quỳnh nhấn mạnh chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu hơn bao giờ hết đối với DN thực phẩm Việt trong giai đoạn hiện nay. Điều này đòi hỏi các DN cần chuyển đổi nhanh hơn nữa. Covid-19 đã tạo ra cơ hội cho DN thực phẩm buộc phải "thay đổi hay là chết".
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng thì cho rằng, Covid-19 buộc các DN thực phẩm Việt phải tìm kiếm cách thức mới để trụ vững và tiến lên. Những DN thực phẩm Việt nào chi càng nhiều cho nghiên cứu và phát triển (R&D) hay đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, DN đó càng nâng cao được năng lực cạnh tranh và tăng trưởng tốt hơn trong năm 2021 và những năm tiếp sau.
Cụ thể, các DN thực phẩm Việt cần áp dụng công nghệ trong kinh doanh nhiều hơn, giao dịch thương mại điện tử trở nên phổ biến hơn, phân bổ lại nguồn đầu vào trong các chuỗi cung ứng và tái cấu trúc, định vị hình ảnh DN tại các thị trường hiện tại.
Theo ông Dũng, để sống sót trong bối cảnh dịch Covid-19 và thị trường ngày càng cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay, bộ phận R&D của các DN thực phẩm Việt cần phải tiếp cận kịp lúc với công nghệ kỷ nguyên số hóa.
Thế Vinh