Tại tỉnh Bình Dương, mục tiêu được đưa ra mới đây là đến ngày 31/12/2021 đối với các doanh nghiệp (DN) đang duy trì hoạt động sẽ đạt 80% công suất so với trước dịch. Còn đối với DN đang ngừng hoạt động thì từ nay đến ngày 31/10/2021 sẽ có 90% DN trở lại hoạt động sản xuất, và đến 31/12/2021 đạt 100% DN so với trước dịch.
Linh hoạt với tình hình mới
Tuỳ theo tình hình kiểm soát dịch Covid-19, các DN có thể áp dụng theo mô hình “3 xanh” hoặc “3 tại chỗ linh hoạt”. Trên địa bàn Bình Dương hiện có khoảng 3.200 DN đã đăng ký và đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, “3 xanh”, với gần 265.000 lao động.
Việc hồi phục sản xuất “sống chung” với dịch Covid-19 rất cần tính kỷ luật cao của DN với sự thận trọng trong từng bước. |
Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, trong tình hình mới, phương án sản xuất của các DN cần phải thay đổi để bảo đảm an toàn và phù hợp với tình hình dịch bệnh. Điều này nhằm giúp DN giảm bớt chi phí, duy trì chuỗi cung ứng, giải quyết việc làm.
Trong khi đó, tỉnh Long An đang phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ có ít nhất khoảng 80% số DN hoạt động trở lại. Còn hiện tại, toàn tỉnh chỉ có khoảng 1.500 DN hoạt động (khoảng 11,1%), trong đó có khoảng 800 DN hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với khoảng 42.622 lao động ở lại và các DN sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu.
Tại buổi đối thoại mới đây với giới DN, lãnh đạo tỉnh Long An cho biết trong thời gian tới, khi phát hiện có ca “F0” thì DN không cần phải dừng tất cả các hoạt động sản xuất khi mà tất cả công nhân tại tỉnh này đều đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin.
Không những vậy, tất cả các DN đều có thể hoạt động trở lại, không phân theo đối tượng DN trong kế hoạch sản xuất mà tỉnh đã ban hành trước đó.
Còn tỉnh Đồng Nai vẫn đang từng bước phục hồi sản xuất theo kế hoạch đề ra trong hạ tuần tháng 9/2021. Các DN cũng căn cứ vào kế hoạch này để vừa xây dựng phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Các DN trong tỉnh này đều hy vọng có thể vực dậy sản xuất trong những tháng cuối năm nay. Tuy vậy, những DN có đặc thù sử dụng nhiều lao động vẫn lo lắng khó phục hồi sản xuất trong thời gian ngắn khi quy định “mở cửa” của tỉnh còn ràng buộc thêm một số điều kiện đi kèm để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh.
Như lưu ý của ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội các DN Hàn Quốc tại Đồng Nai, do việc tái phục hồi sản xuất nhưng vẫn còn những ràng buộc nghiêm ngặt trong việc đưa lao động trở lại nhà máy, nên có nhiều DN chưa thể khôi phục hoạt động như bình thường vì thiếu lao động.
Thận trọng từng bước trở lại
Với “tâm dịch” Tp.HCM, trong lộ trình mở cửa trở lại, nhiều ý kiến cho rằng các DN, kể cả hộ kinh doanh, dịch vụ, có trách nhiệm và cần được trao quyền chủ động xây dựng các phương án bảo đảm an toàn dịch bệnh khi hoạt động. Thành phố cần tính toán ưu tiên phục hồi hoạt động của các nhà máy, DN lớn, khu công nghệ cao, một số ngành dịch vụ quan trọng…
Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng lưu ý, trong điều kiện bình thường mới, để các DN phục hồi sản xuất rất cần có những giải pháp đặc biệt. Thay vì những dạng “giấy phép con” làm khó DN, nên có “giấy phép xanh” để tạo điều kiện tốt nhất cho DN vừa tái sản xuất, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Để có “giấy phép xanh”, trước tiên các DN phải đảm bảo an toàn theo các tiêu chuẩn quy định của ngành y tế trên cơ sở tham khảo việc mở cửa trở lại thành công và không thành công ở một số quốc gia trên thế giới.
Theo ông Dũng, việc hồi phục sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới “sống chung” với dịch Covid-19 rất cần tính kỷ luật cao của người chủ DN với sự thận trọng trong từng bước đi.
Điều này đòi hỏi chủ DN phải có cam kết chịu trách nhiệm về tính kỷ luật trong việc tuân thủ các quy định của Nhà nước trong điều kiện bình thường mới. Đó cũng cách để tránh những DN “nói một đằng nhưng làm một nẻo”, dễ gây hại cho xã hội trong điều kiện dịch bệnh.
“Việc hồi phục từng bước của các DN thà chậm mà chắc. Nếu không làm chặt chẽ, thận trọng, mở cửa trở lại nhanh quá, rộng quá, nguy cơ mất an toàn, tiềm ẩn rủi ro rất cao, cái giá phải trả rất khó nói”, ông Dũng khuyến cáo.
Chuyên gia này đề xuất, mỗi DN có quy mô 100 lao động trở lên phải có một mô hình y tế tại chỗ để kịp thời ứng phó, xử lý ngay tại chỗ các tình huống dịch bệnh phát sinh. Đối với những DN quy mô lớn, lên đến hàng nghìn công nhân thì vấn đề này càng phải được chú ý triển khai theo đúng quy mô, yêu cầu đòi hỏi.
Để đảm bảo cho DN tái sản xuất theo chuỗi an toàn, ông Dũng nhấn mạnh, DN được cấp “giấy phép xanh” phải dựa trên các tiêu chí về y tế, nhân lực, đảm bảo chuỗi cung ứng cả trong nước và quốc tế. Đây là việc thận trọng, tránh tâm lý bị phong tỏa quá lâu, DN nóng lòng muốn mở cửa trở lại nhanh chóng bằng mọi giá.
“Mục tiêu của “giấy phép xanh” là làm sao để cho DN khi phục hồi sản xuất kinh doanh phải thực sự hiệu quả và phải đảm bảo an toàn. Điều này vừa bảo vệ và vừa tăng giá trị cho DN trong điều kiện bình thường mới”, chuyên gia này nói.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.