Những kiến nghị này không mới nhưng liên tiếp được các doanh nghiệp (DN) nêu ra trong các cuộc họp bàn về chính sách thời gian gần đây và một lần nữa được nêu ra tại hội thảo "Cơ chế quản lý vận tải đường bộ dưới góc nhìn của DN vận tải" vừa diễn ra.
Phí chồng phí
Góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Tp.HCM, cho biết tình hình kinh doanh vận tải sẽ gặp rất nhiều khó khăn do vướng phải các quy định bất hợp lý.
Cụ thể, quy định về việc tập huấn cho người điều hành, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe đang làm gia tăng chi phí cho DN trong quá trình hoạt động, gồm: chi phí tổ chức tập huấn, chi phí cho lái xe nghỉ việc để đi tập huấn nhưng vẫn hưởng nguyên lương của DN, chi phí phát sinh trong quản trị điều hành. Trong khi đó, các cơ quan chức năng chưa có cơ chế kiểm tra giám sát việc điều hành, lái xe không tham gia tập huấn.
Hay quy định yêu cầu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô, theo DN là không cần thiết, không hiệu quả trong khi chi phí DN bỏ ra lớn. Hơn nữa, khi chi phí tăng lên, đối tượng chịu thiệt thòi lại chính là người dân, bởi DN sẽ cộng vào chi phí vận chuyển.
Hiệp hội Vận tải hàng hóa Tp.HCM kiến nghị, các cơ quan chức năng nên tập trung đưa ra biện pháp thiết thực hơn, nhằm giảm tối đa chi phí cho người dân và DN vận tải.
Trong khi đó, ông Đặng Thế Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, cho biết nhiều phương tiện hiện nay phải dừng đỗ do không có hàng hoặc phải bán xe để trả nợ ngân hàng do thu không bù được chi phí.
Mặt khác rất nhiều loại phí và lệ phí đang đè nặng DN và sự phối hợp giữa các ban ngành thiếu sự đồng bộ, một số văn bản pháp luật và dưới luật liên tục thay đổi, điều chỉnh gây rất nhiều khó khăn cho DN.
Ông Phương đề xuất, Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét mức thu phí bảo trì đường bộ cho phù hợp với thu nhập của người dân, DN, mặt bằng giá cước, vì hiện nay rất nhiều tuyến đường do Nhà nước đầu tư đã nâng cấp cải tạo theo hình thức BOT, các phương tiện đã nộp phí cho Tổng cục Đường bộ tại các trung tâm đăng kiểm, khi tham gia giao thông lại tiếp tục mua vé cầu đường, trong đó có phí bảo trì đường bộ gây phát sinh chi phí cho DN và người dân tham gia giao thông như hai trạm thu phí Quốc lộ 5A.
Do đó, Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng đề nghị xóa bỏ hai trạm thu phí trên Quốc lộ 5A hoặc không thu phí bảo trì đường bộ đối với xe đầu kéo sơmi rơmoóc để tránh tình trạng phí chồng phí…
Ngoài ra, Hiệp hội này đề nghị, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ giảm phí đồng loạt cho các DN kinh doanh vận tải có phương tiện lưu thông qua hai trạm thu phí Quốc lộ 5A để đảm bảo sự công bằng trong kinh doanh giữa các đơn vị vận tải trên địa bàn Tp.Hải Phòng.
![]() |
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải liên tiếp "kêu cứu" vì chính sách bất hợp lý |
Phản đối di chuyển bến xe
Bên cạnh chính sách, phí và lệ phí, một trong những vấn đề mà các DN vận tải than phiền là quy hoạch bến xe. Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, tình hình "xe dù bến cóc" đối với hoạt động vận tải hành khách là bởi hầu hết các địa phương trong cả nước đều có quan niệm đẩy các bến xe khách ra xa trung tâm thành phố với lý do để đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhưng thực chất là sử dụng đất bến xe hiện hữu (đất vàng) vào các mục đích khác.
Điều đó dẫn tới chi phí của hành khách đi xe tăng cao. Nếu bến xe ở xa, hành khách phải chi một khoản tiền nhất định để đi xe ôm hoặc taxi đến. Và nếu đi bằng taxi, chi phí trong phạm vi nội thành cũng bằng hoặc cao hơn chi phí cho cả một chặng đường đi từ một bến xe ở Hà Nội đến bến xe của địa phương lân cận.
Ví dụ, nếu hành khách có nhu cầu đi từ khách sạn Nikko Hanoi đến bến xe Giáp Bát bằng xe taxi, rồi từ Giáp Bát về Thái Bình bằng xe tuyến cố định, chi phí đi từ khách sạn về Giáp Bát sẽ cao hơn từ Giáp Bát về Thái Bình mặc dù số km di chuyển gấp 10 lần.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Tp.Hà Nội, góp ý thêm lập bến xe mới, di chuyển bến xe ra xa trung tâm có giảm ùn tắc ở một số điểm nhưng lại gây ùn tắc ở nơi khác, giống như "chiếc săm xe đạp bóp chỗ này lại phồng chỗ khác".
"Trên thế giới từ các nước Đông Nam Á đến châu Âu chẳng có nước nào lại di chuyển bến xe khách từ nội đô ra xa dân cư. Có lẽ tư duy của họ lấy mục tiêu phục vụ sự thuận lợi của người dân là tiêu chí hàng đầu", ông Liên nói.
Theo Ts. Nguyễn Xuân Thuỷ, chuyên gia giao thông, việc đẩy bến xe ra xa trung tâm được cho là sẽ giảm mật độ xe vào thành phố nhưng thực tế sẽ làm tăng đáng kể số lượng các hành trình của hành khách từ trung tâm tới bến xe và ngược lại.
Mỗi ngày, nhất là khi lễ Tết, có hàng chục nghìn lượt các loại phương tiện đưa khách đến bến, cao hơn rất nhiều số xe khách ra vào bến. Điều này gây thêm rối loạn trật tự giao thông, tăng yếu tố ùn tắc và tai nạn.
Một hệ thống bến xe lập ra muốn khả thi phải được nhìn nhận thông suốt, có tầm nhìn và tính toán khoa học, đặc biệt phải mang tính thực tiễn cao. Từ đó có quy hoạch hợp lý để người dân được tiếp cận phương tiện nhanh nhất, giảm chi phí, đảm bảo an toàn, kết nối đồng bộ với các loại hình vận tải, không gây khó khăn cho các DN kinh doanh vận tải, đáp ứng nhu cầu giao thông hiện tại và tương lai, đồng thời hạn chế ảnh hưởng xấu tới trật tự, an toàn giao thông thành phố và gây lãng phí lớn tới ngân sách.
Đặc biệt, tại hội nghị, vấn đề liên quan tới xe hợp đồng điện tử thu hút được sự quan tâm của các DN. Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), cho rằng duy nhất tại Việt Nam, Grab, Uber được gọi là vận tải hợp đồng điện tử. Mặc dù được xếp vào loại hình vận tải hợp đồng nhưng trên thực tế, hơn 100 triệu chuyến xe Grab, Uber thực hiện trong thời gian qua đều không có hợp đồng nào được ký kết.
Cùng kinh doanh trên một thị trường, phục vụ cùng một đối tượng khách hàng, cung cấp một dịch vụ như nhau nhưng xe taxi phải chịu 13 điều kiện kinh doanh khắt khe như cấm đường, phù hiệu, quản lý giá cước, kiểm định đồng hồ, bảo hiểm, giờ chạy xe tối đa…, còn xe hợp đồng điện tử thì không. Riêng việc lách được quy định cấm đường đã khiến nhiều hành khách bỏ taxi sang gọi xe Grab.
"Các lợi thế chi phí đó càng giúp cho loại hình này phát triển nhanh chóng, trong khi các DN taxi chuyên nghiệp rơi vào khủng hoảng", ông Quý chia sẻ.
Lê Thúy
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Những rối loạn trong vận tải, giao thông đường bộ hiện nay có phần nguyên nhân từ sự thiếu đồng bộ, chưa bắt kịp thực tế của quy định, cơ chế. Vì vậy, pháp luật về giao thông đường bộ cần phải được thay đổi, bãi bỏ những quy định theo hướng đóng, can thiệp sâu nhưng hiệu quả không cao. Thời gian tới, nếu phát triển giao thông chỉ dựa vào nguồn lực Nhà nước thì không đủ, nhưng tư nhân không thể yên tâm đầu tư với chính sách bất hợp lý. Ông Trương Đình Quý - Phó Tổng Giám đốc công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) Bản thân các DN taxi Việt Nam hoàn toàn có khả năng xây dựng những hệ thống tương tự hay linh hoạt các hệ thống hiện có của mình, nhưng lại gặp phải những rào cản về quy định, chính sách. Để thay đổi lại cần thêm thời gian. Khi đó, các DN Việt Nam không biết có còn đủ sức tồn tại để tiếp tục cạnh tranh hay không? Ông Đặng Thế Phương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng Trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới mang đến nhiều lợi thế cho quá trình hội nhập và phát triển đất nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, các DN vận tải rất cần sự quan tâm, tháo gỡ, giải quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ GTVT về những khó khăn bất cập liên quan tới điều kiện kinh doanh. |