Công ty Chateraise là một doanh nghiệp (DN) hàng đầu về sản xuất bánh kẹo ở Nhật Bản. Công ty này hiện có hơn 600 cửa hàng ở Nhật Bản, 100 cửa hàng ở nước ngoài và có nhà máy sản xuất tại Long An.
“Thỏi nam châm” ở vùng kinh tế trọng điểm
Trong buổi gặp gỡ với đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Long An sang thăm và làm việc tại Nhật Bản trong thượng tuần tháng 12/2023, ông Yuji Furuya, Chủ tịch của Công ty Chateraise cho biết, Chateraise đang tìm kiếm cơ hội mở rộng đầu tư tại Việt Nam, trong đó tỉnh Long An là một trong những địa phương được công ty quan tâm.
Các DN vừa và nhỏ của Nhật Bản đang tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam nhằm mở rộng tiêu thụ ở thị trường Việt. |
Thời gian qua, các dự án của giới DN Nhật Bản tại Long An không ngừng mở rộng quy mô và tăng vốn đầu tư. Long An hiện có 138 dự án đầu tư của các DN Nhật Bản, với vốn đầu tư 767 triệu USD và là địa phương có số lượng nhà đầu tư Nhật Bản nhiều nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với tỉnh này, một số tỉnh, thành phố ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn được xem như “thỏi nam châm”, có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. Điều này được cho là vì môi trường kinh doanh được cải thiện nhiều, hạ tầng đang được đầu tư hoàn chỉnh.
Như ở Đồng Nai đến nay đã có 262 dự án đầu tư đến từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD, đang là quốc gia đứng thứ 3 về đầu tư nước ngoài vào tỉnh này.
Hoặc như Bình Dương hiện có 349 dự án đầu tư đến từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư gần 6 tỷ USD. Bình quân mỗi dự án của DN Nhật Bản đầu tư vào Bình Dương đều có vốn trên 20 triệu USD. Đây là con số bình quân cao nhất trong số các quốc gia đầu tư vào Bình Dương hiện nay.
Nhật Bản đứng thứ 2 trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư tại Bình Dương, chiếm 15% tổng vốn đầu tư vào tỉnh này. Các dự án có vốn đầu tư từ Nhật Bản chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực như sản xuất linh kiện điện tử, mạch và chíp điện tử, lắp ráp ô tô, sản xuất sắt thép, các ngành công nghiệp hỗ trợ khác.
Ông Hashimoto, Chủ tịch Tập đoàn Sharp (100% vốn Nhật Bản), cho biết tập đoàn hiện có 2 nhà máy sản xuất đặt tại Khu công nghiệp VSIP 1 và 2 ở Bình Dương. Thời gian tới, Sharp sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư và xây dựng thêm 1 nhà máy quy mô lớn, định hướng phát triển về các sản phẩm công nghệ cao, tiên tiến như sản xuất, gia công các sản phẩm điện tử, linh kiện công nghệ cao, điện thoại thông minh, sản xuất đồ điện tử gia dụng, điện gia dụng, sản phẩm sức khỏe…
Hoặc như Panasonic Electric Works Việt Nam cũng đang mở rộng hệ thống sản xuất và xây dựng một tòa nhà mới ngay trong nhà máy của họ tại Bình Dương, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2023.
Cách đây 1 tháng, khi tham gia hội nghị Kết nối giao thương giữa DN Việt Nam - Nhật Bản năm 2023, bà Ueda Mayuko, Giám đốc Bộ phận kinh doanh quốc tế, Phòng Quan hệ quốc tế vùng Kansai (METI-Kansai) cho biết Việt Nam đang là điểm đến thu hút nhiều DN Nhật Bản mở rộng kinh doanh xét từ góc độ quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng. Đồng thời, Việt Nam được các DN Nhật kỳ vọng sẽ là cơ sở để xây dựng chuỗi cung ứng tới các nước lân cận ở châu Á.
“Cực” tăng trưởng hấp dẫn
Còn theo ông Mizushima Kozo, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Tp.HCM, các khó khăn của DN Nhật Bản ngày càng được cơ quan chức năng ở địa phương giải quyết rất thiện ý. Nhất là thái độ cầu thị của các cơ quan quản lý giúp cho những khó khăn, vướng mắc của DN sớm cải thiện.
Không chỉ vậy, cần ghi nhận là có không ít DN Nhật Bản khi mở rộng đầu tư ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã tăng cường hoạt động mua sắm tại địa phương, cũng như mong muốn được hợp tác với các nhà cung cấp địa phương.
Từ những chia sẻ nêu trên sẽ thấy việc tăng vốn đầu tư của các DN vào Việt Nam là rất tích cực, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam. Còn trong báo cáo sơ bộ kết quả “Khảo sát thực trạng của các DN Nhật Bản tại nước ngoài năm 2023” được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố trong tháng 12/2023 cho thấy, về phương hướng triển khai kinh doanh trong 1-2 năm tới thì tỷ lệ DN Nhật trả lời “mở rộng” tại Việt Nam là 56,7%.
Lý do mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới cả ngành chế tạo và phi chế tạo của giới đầu tư Nhật đều lựa chọn “Mở rộng nhu cầu thị trường nội địa” và “Tăng xuất khẩu”. Trong đó, đáng chú ý là tỷ lệ DN Nhật mở rộng “Chức năng bán hàng” do mở rộng nhu cầu thị trường trong nước ở Việt Nam là 62%.
Dự báo về lợi nhuận kinh doanh trong năm 2024 sắp tới ở Việt Nam, có 50,4% DN Nhật kỳ vọng sẽ “cải thiện”. Nhiều công ty đang hy vọng vào sự cải thiện nhờ sự phục hồi của năm 2023.
Riêng đối với hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) của các nhà đầu tư Nhật tại Việt Nam được đánh giá là vẫn không ngừng “tuôn chảy”. Theo số liệu được KPMG Việt Nam đưa ra mới đây, trong 10 tháng của năm 2023, Nhật Bản, Singapore và Mỹ tiếp tục là những nhà đầu tư nước ngoài hoạt động sôi nổi nhất trên thị trường M&A ở Việt Nam.
Ba nhà đầu tư này chiếm trên 70% tổng giá trị giao dịch được công bố. Trong đó, dòng vốn Nhật Bản đã trở lại mạnh mẽ với 1,6 tỷ USD và được xếp ở vị trí thứ nhất.
Như chia sẻ của ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ Mua bán - Sáp nhập xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc Recof Việt Nam, đây là giai đoạn phù hợp cho bất kỳ công ty nào của Nhật Bản muốn mở rộng tại thị trường Việt Nam.
Theo ông Yoshida, những lĩnh vực liên quan tới người tiêu dùng sẽ tiếp tục thu hút các cơ hội M&A từ nhà đầu tư, như ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), bán lẻ, chế biến thực phẩm, logistics, tài chính, bất động sản…
Vị tổng giám đốc này cho rằng thị trường M&A Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để các công ty Nhật Bản tiếp cận. Vì thế sẽ cố gắng thúc đẩy hơn nữa, để ngày càng có nhiều thương vụ giữa các DN Việt Nam và DN Nhật Bản.
Có thể thấy với những sức hút như vậy thì Việt Nam tiếp tục được xem là “cực” tăng trưởng hấp dẫn để các nhà đầu tư Nhật Bản ưu tiên lựa chọn trong thời gian tới.
Thế Vinh