Mới đây, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, đã khuyến cáo các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản vào thị trường Nhật Bản cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, đảm bảo được chất lượng sản phẩm, tránh tình trạng hàng hóa vi phạm quy định được đặt ra.
Vẫn lo “ăn xổi ở thì”
Nhất là vào tháng 10/2023 có hai lô sầu riêng và ớt của Việt Nam khi xuất sang Nhật đã bị buộc tiêu hủy do tồn dư hóa chất vượt tiêu chuẩn cho phép. Bản thân đơn vị nhập khẩu hai lô hàng trên là Japan Apple LLC chịu thiệt hại hàng trăm triệu đồng khi hàng bị buộc tiêu hủy. Trong đó, riêng thiệt hại lô sầu riêng là 220 triệu đồng.
Các nhà chế biến nông sản Việt cần đáp ứng các tiêu chuẩn cao về “sạch và xanh” để tránh mất đơn hàng vào tay đối thủ. |
Chưa kể, hồi tháng 9/2023 đơn vị nhập khẩu này nhập phải một lô hàng sầu riêng cắt non từ Việt Nam. Sau nhiều ngày giao hàng đến đối tác, sầu riêng không thể chín bình thường mà chín ép, buộc nhà nhập khẩu phải thu hồi, chịu lỗ nặng.
Từ vấn đề nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng nếu DN xuất khẩu (XK) nông sản vẫn còn quen với kiểu “ăn xổi ở thì”, thất tín với nhà nhập khẩu, để xảy ra sự việc đã rồi làm mất uy tín cho nông sản Việt thì về sau khó tránh việc mất đơn hàng. Và bản thân nông hộ nếu vẫn không tuân thủ quy trình để cho nông sản xuất đi bị tồn dư hóa chất thì chính họ đã tự phá hủy uy tín và cơ hội làm ăn của mình.
Cần lưu ý, nếu như nông sản Việt đáp ứng được tiêu chuẩn của Nhật Bản thì có thể đó là “vé thông hành” để có thể XK qua nhiều thị trường cao cấp khác một cách thuận lợi hơn. Và thay vì xem Nhật Bản là thị trường khó tính thì các nhà XK nông sản của Việt nên xem đây là thị trường khôn ngoan và đầy tính trách nhiệm, để từ đó thích ứng và đáp ứng các tiêu chuẩn một cách đầy đủ nhất.
Trong khi đó, thỉnh thoảng có những thông tin về việc nông sản XK bị trả về hay thu hồi, tiêu hủy đã cho thấy việc kiểm soát tiêu chuẩn an toàn cho XK nông sản cần được thực hiện chặt chẽ hơn nữa.
Như thống kê mới đây của Văn phòng SPS Việt Nam, từ 21/10 đến 21/11/2023, Trung Quốc và EU đã gửi 11 thông báo về SPS (hiệp định về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật, được thỏa thuận bởi các thành viên của WTO) cho Việt Nam với đa phần nhắc đến vấn đề về thực phẩm.
Riêng EU, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu của năm 2023 đã cảnh báo Việt Nam có 31 vi phạm về XK nông sản, đa số bị vướng về lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản vượt mức cho phép.
Từ đó để thấy, dù XK nông lâm thủy sản của Việt Nam trong 11 tháng của năm 2023 đã cán mốc 47,8 tỷ USD (giảm 3% so với cùng kỳ năm 2022), thì vẫn còn đó những nỗi lo là các nhà XK trong lĩnh vực này có thể để mất đơn hàng trong thời gian tới nếu để xảy ra trường hợp tương tự như ở Nhật Bản đã phải tiêu hủy hai lô sầu riêng và ớt.
Trông chờ vai trò của các đơn vị dẫn đầu chuỗi cung ứng
Ngoài vấn đề đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm ở thị trường nhập khẩu, giới chuyên gia còn cảnh báo nhiều DN chế biến nông sản trong nước có thể sẽ phải mất đơn hàng vào tay đối thủ nếu chậm triển khai các cam kết bền vững.
Lấy ví dụ từ EU, đây là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất thế giới. Thế nhưng thị phần của Việt Nam ở thị trường này hiện chỉ chiếm 0,18% tổng giá trị nhập khẩu của EU, một phần là do chưa tuân thủ được các tiêu chuẩn khắt khe về “sạch và xanh” của khu vực này.
Chẳng hạn như việc các nhà XK hồ tiêu của Việt Nam cần lưu tâm đến thị trường EU khi tính đến hết tháng 11/2023 đã đưa ra quy định về mức MRLs (mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép) đối với 513 hoạt chất trên hạt tiêu. Còn Mỹ cũng quy định 8 hoạt chất. Điều đáng nói là đến hết năm 2023, chỉ có khoảng 60% sản lượng hồ tiêu của Việt Nam là đạt yêu cầu về dư lượng.
Giới chuyên gia cho rằng ngành hồ tiêu Việt Nam cần tiếp tục triển khai dự án dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dựa trên tiêu chuẩn MRLs của EU và Mỹ. Song song đó cần theo đuổi Chương trình phát triển bền vững ngành hồ tiêu, tiếp tục thực hiện dự án truy xuất nguồn gốc ngành hồ tiêu…
Trong khi đó, mục tiêu đưa ra cho ngành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2025 cũng chỉ có thể có 70% sản lượng hồ tiêu XK đạt yêu cầu về dư lượng của nước nhập khẩu.
Có thể thấy, để nông sản Việt hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chuẩn đặt ra về “sạch và xanh” là điều không dễ dàng. Để cải thiện tình hình, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc điều hành quốc gia của Bureau Veritas Việt Nam (tổ chức hàng đầu thế giới về kiểm nghiệm, giám định và chứng nhận), cho rằng vai trò của các đơn vị dẫn đầu chuỗi cung ứng trong việc thúc đẩy nông dân và DN chế biến nông sản thực phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu là rất quan trọng.
Theo ông Dũng, quy trình chứng nhận mang lại nhiều cơ hội học hỏi từ những thực tiễn tốt nhất của các đối tác trong chuỗi cung ứng và thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế cao hơn. Qua đó, thương hiệu nông sản Việt Nam có thể được nâng tầm tốt hơn.
Còn theo nhận định của Ts. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT, một khi tất cả các DN Việt cố gắng cạnh tranh về chi phí, chất lượng và giao hàng, thì việc làm “xanh hóa quy trình” có thể là yếu tố để giành được đơn hàng và có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường XK nông sản.
Không những vậy, ông Hùng cho rằng việc đáp ứng các quy định về môi trường và yêu cầu bền vững cao hơn là nhiệm vụ cần thiết trong việc phát triển chiến lược kinh doanh trong mỗi DN xuất khẩu nông sản.
Nói chung, việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao về sản xuất và XK bền vững nhằm tránh xảy ra tình trạng mất đơn hàng đang gây áp lực cho ngành nông sản Việt. Tuy nhiên điều đó cũng tạo cơ hội giúp ngành hàng này có những thay đổi, thích ứng tích cực và đầy đủ hơn để từ đó tăng được lợi thế cạnh tranh.
Thế Vinh