Báo cáo phân tích phát hành vào đầu tháng 12/2023 từ Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán VnDirect đối với CTCP Vĩnh Hoàn (VHC, một doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu cá tra) cho rằng, đà phục hồi chậm hơn kỳ vọng.
Nhu cầu ở Mỹ yếu hơn dự kiến
Bởi lẽ, thị trường Mỹ (vốn chiếm 31% tổng doanh thu trong 10 tháng 2023 của VHC) tăng trưởng thấp hơn dự kiến gây áp lực lên đà phục hồi. Mức tồn kho của Mỹ vẫn đang ở mức cao và sẽ mất nhiều thời gian hơn cho thị trường tiêu thụ số hàng tồn kho này.
Nhu cầu ở Mỹ vào thời điểm cuối năm yếu hơn dự kiến, khiến cho đà phục hồi của các DN xuất khẩu cá tra vào thị trường này không như kỳ vọng. |
Số liệu cập nhật chỉ rõ doanh thu trong 10 tháng 2023 của VHC ở thị trường Mỹ đã đạt 2.546 tỷ đồng, giảm 53% cùng kỳ năm trước và thấp hơn so với kỳ vọng của giới phân tích. Mặc dù khối lượng xuất khẩu (XK) sang thị trường Mỹ phục hồi so với cùng kỳ nhờ nhu cầu phục vụ kỳ nghỉ lễ cuối năm nhưng giá bán đi ngược với kỳ vọng khi tiếp tục duy trì xu hướng giảm.
Theo Bộ phận phân tích của VnDirect, vì nhu cầu yếu hơn dự kiến trong khi lượng hàng tồn kho cao buộc các nhà nhập khẩu Mỹ mua hàng tại mức giá thấp trong năm 2023 và có thể tiếp tục trong nửa đầu năm 2024. Điều này dẫn đến giá trị XK cá tra sang Mỹ sụt giảm mạnh.
Thực tế cho thấy, tăng trưởng hàng tồn kho của Mỹ đã giảm tốc trong đầu quý 3/2023 nhưng bắt đầu tăng trở lại trong tháng 10/2023. Do đó, nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam có thể chậm hơn so với dự kiến khi bước vào kỳ nghỉ lễ.
Chưa kể, triển vọng kinh doanh của các nhà hàng ở Mỹ (một trong những nguồn tiêu thụ cá tra) cũng trở nên ảm đạm hơn khi chủ các nhà hàng thay đổi kỳ vọng về tình hình kinh tế cũng như kết quả kinh doanh trong 6 tháng tới.
Theo Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia Mỹ, có khoảng 33% chủ nhà hàng kỳ vọng doanh thu của họ trong 6 tháng tới sẽ cao hơn so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức 49% của tháng trước và thậm chí họ càng không lạc quan về xu hướng chung của nền kinh tế. Chỉ có 3% trong số họ tin rằng nền kinh tế sẽ dần cải thiện trong 6 tháng tới, trong khi đó 44% cho rằng tình hình sẽ trở nên tiêu cực hơn trong 6 tháng tiếp theo.
Giới chuyên gia nhận định thị trường Mỹ tăng trưởng thấp hơn dự kiến vào thời điểm cuối năm nay đang gây áp lực lên đà phục hồi của các DN xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Nhất là mức tồn kho của Mỹ vẫn đang ở mức cao và sẽ mất nhiều thời gian hơn cho thị trường tiêu thụ số hàng tồn kho này.
Không chỉ vậy, vì nhu cầu yếu hơn dự kiến trong khi lượng hàng tồn kho cao buộc các nhà nhập khẩu Mỹ mua hàng với mức giá thấp trong thời điểm cuối năm và có thể tiếp tục trong nửa đầu năm 2024. Điều này dẫn đến giá trị XK cá tra sang Mỹ sụt giảm mạnh.
Trong khi đó, theo dữ liệu cập nhật mới nhất từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), tính tới hết tháng 11 năm nay, XK cá tra đã đạt gần 1,7 tỷ USD, vẫn thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trung bình XK giảm ở các thị trường chính, nhất là Mỹ và Trung Quốc, đã kéo giá trị XK cá tra xuống thấp hơn so với năm 2022.
Thêm nhiều áp lực cạnh tranh
Với diễn biến như hiện nay, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Vasep, cho rằng kim ngạch XK cá tra cho cả năm 2023 ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022.
Nếu quan sát kỹ sẽ thấy đà hồi phục đơn hàng XK của các DN trong ngành hàng cá tra vào thời điểm cuối năm này không như dự kiến. Nhất là với những DN tập trung vào những thị trường chính yếu như Mỹ, Trung Quốc lại càng gặp khó khăn về đơn hàng.
Như chia sẻ của một lãnh đạo DN xuất khẩu cá tra ở tỉnh Đồng Tháp, vào nửa đầu tháng 11/2023 gần như không bán được hàng trong khi công ty kỳ vọng các tháng cuối năm doanh số XK sẽ tăng lên.
Đó là chưa kể giá thành cao khiến cá tra Việt Nam không thể cạnh tranh lại so với một số sản phẩm trong cùng phân khúc. Theo ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc CTCP thủy sản Trường Giang, giá thành cá tra những năm trước chỉ ở mức 1 USD/kg, còn hiện nay giá thành là 1,2 USD/kg, trong khi bán ra thị trường có thời điểm chỉ với mức giá 1,1 USD/kg. Các DN đang phải tìm cách giảm giá thành để có điều kiện cạnh tranh với các loại cá thịt trắng trên thế giới.
Không chỉ cạnh tranh với các loại cá thịt trắng, với việc sản lượng cá tra toàn cầu đang gia tăng càng tạo thêm áp lực cạnh tranh cho ngành hàng cá tra Việt. Theo thông tin mới đây từ Undercurrent News, trong năm 2023, sản lượng cá tra toàn cầu đạt 3,1 triệu tấn, tăng gần 9% so với 2,9 triệu tấn sản xuất năm 2022. Dự kiến, năm 2024 sản lượng sẽ đạt khoảng 3,2 triệu tấn, tăng nhẹ 3% so với năm 2023.
Cần lưu ý là một số quốc gia trên thế giới cũng nhìn thấy tiềm năng này và bắt đầu nuôi con cá tra như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Trung Quốc…Điều này có thể sẽ là một thách thức cho XK cá tra của Việt Nam trong thời gian tới khi ngày càng có nhiều đối thủ lớn cạnh tranh.
Đơn cử như sản lượng cá tra tại Ấn Độ được ước tính trong năm 2023 đạt khoảng 668 nghìn tấn và dự kiến đạt 695 nghìn tấn, tăng 5% trong năm sau. Còn Indonesia tính năm 2023 sẽ đạt sản lượng cá tra hơn 224 nghìn tấn và dự kiến 2024 con số này có thể lên tới 229 nghìn tấn.
Sản lượng cá tra ở Trung Quốc cũng đang tăng đáng kể và đang ở mức 400 nghìn tấn mỗi năm. Bangladesh mặc dù tốc độ tăng trưởng lại trì trệ hơn, tuy nhiên sản lượng thu hoạch ước tính cũng đạt gần 500 nghìn tấn, tăng 1% trong năm nay và năm 2024.
Từ đó để thấy đà phục hồi cho XK cá tra sẽ còn đối diện nhiều cam go không chỉ trong tháng cuối cùng của năm 2023 mà cho cả năm 2024 sắp tới. Điều này đòi hỏi các DN trong ngành hàng cá tra Việt cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục vượt khó trên chặng đường phục hồi.
Thế Vinh