Khó tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng (TCTD), vốn tự có cá nhân hạn hẹp, các HTX chỉ còn trông chờ vào nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Tuy nhiên, hy vọng này cũng chỉ được đáp ứng phần nhỏ khi bản thân các quỹ cũng eo hẹp về nguồn vốn, thiếu cơ chế, chính sách để hoạt động có hiệu quả.
Chỉ 1% HTX tiếp cận được vốn vay
Theo báo cáo của Liên minh HTX, chưa đến 20% các HTX có khả năng tự lực vốn. Trong khi đó, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng vô cùng hạn chế. Do không có tài sản đảm bảo, chỉ 1% trên tổng số hơn 20.000 HTX có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Các HTX nông nghiệp tiếp cận vốn tín dụng còn khó hơn rất nhiều.
Nguyên nhân là do các HTX không có tài sản để thế chấp, cầm cố vay vốn. Một số HTX có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản, nhưng cũng không được ngân hàng cho vay vốn vì không đảm bảo tính pháp lý.
Thiếu tài sản đảm bảo, nhiều HTX cũng không đủ khả năng xây dựng phương án kinh doanh, dự án đầu tư khả thi và hiệu quả mà phần lớn vẫn dựa vào tư vấn, hỗ trợ của hệ thống Liên minh HTX hoặc thuê dịch vụ.
Bởi vậy, sự xuất hiện của Quỹ Hỗ phát triển HTX được kỳ vọng như một “luồng gió mới” mang lại hy vọng cho các HTX.
Ông Phạm Công Bằng, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, cho biết Quỹ gần như là kênh duy nhất cung cấp nguồn tín dụng, giúp các cơ sở kinh tế hợp tác, HTX tháo gỡ một phần khó khăn về vốn để đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh.
Dự thảo Nghị định về Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cần sát hơn với thực tế và tạo điều kiện thuận lợi cho HTX tiếp cận vốn tín dụng phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là nhu cầu vốn ngắn hạn và trung hạn |
Thiếu khuôn khổ pháp lý
Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, hiện cả nước có 48 Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho biết hiện vốn hoạt động của các quỹ vẫn còn khá khiêm tốn, với số vốn điều lệ trên 800 tỷ đồng, vốn hoạt động trên 1.600 tỷ đồng, chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn và đa dạng về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của các cơ sở kinh tế hợp tác, HTX, thành viên và người lao động.
Ngoài ra, sau một thời gian hoạt động, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập.
Chẳng hạn, chưa có hành lang pháp lý thống nhất cho tổ chức và hoạt động của các Quỹ; còn khoảng 25% tỉnh, thành phố (16/63) chưa thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; các Quỹ đang hoạt động chủ yếu là quy mô nhỏ, với gần 50% số Quỹ có mức vốn dưới 10 tỷ đồng, thậm chí có Quỹ vốn điều lệ chỉ 1 – 2 tỷ đồng.
Nguồn vốn hoạt động của các Quỹ đa phần từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, chưa huy động được các nguồn lực từ thị trường; cơ chế hoạt động nghiệp vụ và mô hình tổ chức bộ máy của các Quỹ thiếu thống nhất; tuy cùng trực thuộc hệ thống Liên minh HTX Việt Nam nhưng giữa các Quỹ chưa có sự hợp tác, liên kết thống nhất theo hệ thống dọc.
Trong buổi gặp mặt báo chí mới đây, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định: “Định hướng của Liên minh HTX là phát triển các Quỹ để các HTX có thể tự tiếp cận các nguồn vốn, từ tín dụng cho tới ngoài xã hội. Một trong các biện pháp là xây dựng sản xuất theo chuỗi giá trị”.
Để giải được bài toán về vốn, trước hết, các HTX phải chuyển đổi mô hình hoạt động, giải quyết được những hạn chế về nhân lực, xây dựng được mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, khả năng áp dụng công nghệ… Khi những điểm nghẽn này được giải quyết, những khó khăn về vốn sẽ được hóa giải.
Thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam dự kiến sẽ tư vấn và hỗ trợ đến 200 triệu đồng cho mỗi mô hình chuỗi giá trị để làm bước đệm ban đầu, bao gồm việc đào tạo nhân lực, trang bị công cụ, tìm nhà tư vấn, làm thương hiệu, xúc tiến thương mại và ký kết các hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp.
“Với nhu cầu lớn từ nền kinh tế, cách làm này chỉ cần vốn mồi ban đầu và các HTX sau đó có thể tự thu hút các nguồn lực khác để hoạt động”, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nói.
Trước những bất cập của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo Nghị định về Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cần sát hơn với thực tế và tạo điều kiện thuận lợi cho HTX tiếp cận vốn tín dụng phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là nhu cầu vốn ngắn hạn và trung hạn.
Điều này nhằm giúp các HTX, Liên hiệp HTX sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và đều có cơ hội đền gần hơn với nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.
Huyền Anh