Báo cáo vừa công bố về diện mạo mới của người tiêu dùng Việt do Công ty tư vấn McKinsey & Company thực hiện rất đáng để các doanh nghiệp (DN) lưu tâm nhằm có những giải pháp thích hợp để định vị: Sẽ cạnh tranh ở thị trường nào, khu vực nào nhằm mang lại hiệu quả tốt cho DN?
“Mỏ vàng” lớn ở những thành phố nhỏ
Đơn cử như trong báo cáo này có đánh giá về sự trỗi dậy của người tiêu dùng Việt tại các thành phố nhỏ và khu vực ngoại ô. Theo đó, tăng trưởng số lượng hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu tại các thành phố nhỏ (thậm chí cả ở nông thôn) đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn so với tại Hà Nội và Tp.HCM – với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 8% so với 5%.
Các DN trong ngành hàng tiêu dùng bán lẻ cần có góc nhìn rộng hơn về thị trường, thay vì chỉ tập trung vào hai thị trường Tp.HCM, Hà Nội. |
Trong khi đó, nếu như Hà Nội và Tp.HCM hồi năm 2020 chiếm 37% tổng số hộ gia đình Việt Nam có thu nhập cao hơn 22.000 USD/năm tính theo ngang giá sức mua năm 2011, nhưng tỷ trọng này được dự báo có thể giảm còn 31% vào năm 2030.
Ngoài ra, cần để ý thêm, ở hai vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng, với mật độ dân số cao nhưng chưa đô thị hóa hoàn toàn, đang trở thành nơi tập trung sức tiêu thụ lớn, thu hút sự chú ý của các công ty sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng và các nhà bán lẻ hiện đại.
Quan sát động thái mới đây của một số nhà đầu tư lớn trên mảng bán lẻ hay lĩnh vực F&B cũng cho thấy họ đang có góc nhìn rộng hơn, chuyển dịch xa hơn về mặt thị trường thay vì chỉ chăm chăm ở Hà Nội hay Tp.HCM.
Chẳng hạn, trong cú "bắt tay" mới đây để đẩy mạnh chuỗi bán lẻ và chuỗi F&B giữa hai tập đoàn nội địa là Kido và Sơn Kim có đưa ra mục tiêu 1 - 2 năm tới mở rộng chuỗi đồ uống Chuk Chuk (của Kido) cùng hệ thống cửa hàng tiện lợi GS25 (do Sơn Kim nhượng quyền từ tập đoàn GS Retail của Hàn Quốc) đến các thành phố như Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn…
Tiếp theo đó, trong các năm 2024 - 2025, hai chuỗi này sẽ “phủ sóng” đến những thành phố cấp 3 như Bình Dương, Biên Hòa, Cà Mau, Buôn Ma Thuột, Sóc Trăng.
Đây được cho “nước cờ” khá hay từ những chuỗi F&B hay chuỗi bán lẻ có tiềm lực mạnh trong lựa chọn “cạnh tranh ở đâu” trước diện mạo mới của người tiêu dùng Việt. Nhất là khi biết cách chọn những đối tác có nhiều lợi thế nhằm có thể phát triển chuỗi một cách nhanh nhất ở các thành phố nhỏ hơn so với hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM.
Trong việc định vị “cạnh tranh ở đâu”, giới chuyên gia có lưu ý về tâm lý người tiêu dùng Việt dường như thay đổi theo thành phố cùng với những diễn biến khác nhau về dịch Covid-19 ở các địa phương.
Cần có góc nhìn rộng hơn
Ngoài ra, còn phải xét đến yếu tố vùng miền trong diện mạo mới của người tiêu dùng Việt. Chẳng hạn lâu nay nhiều người vẫn quan niệm người tiêu dùng miền Bắc được biết đến là những người truyền thống hơn, và do đó, nhìn chung, sẽ thận trọng hơn về chi tiêu hơn so với người miền Nam.
Mặc dù vậy, theo báo cáo của McKinsey & Company, các khu vực khác nhau trong cả nước và các hình thức người tiêu dùng khác nhau đang dần hội tụ về một điểm đồng quy.
Câu chuyện đồng quy này chính là ngành bia. Cách đây 6 năm, các thương hiệu bia được phân phối trên cả nước mà không có thành trì vững chắc ở cấp độ địa phương chiếm khoảng 32% tổng sản lượng tiêu thụ bia của toàn bộ nền kinh tế, cụ thể là 37% đối với các thương hiệu chú trọng thị trường miền Nam như Saigon Beer, và 24% đối với các thương hiệu chú trọng miền Bắc và miền Trung, như Hanoi Beer hay Carlsberg.
Tuy nhiên, đến năm 2020, tỷ trọng của các thương hiệu có độ phủ toàn quốc đã đạt khoảng 40%, trong khi tỷ trọng của các thương hiệu miền Bắc và miền Trung lại giảm.
Như vậy, ngay cả khi thị trường tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng đa dạng hóa, những quan niệm vùng miền rập khuôn về người tiêu dùng Việt Nam lại có thể trở nên lỗi thời.
Với câu hỏi “cạnh tranh ở đâu” trong thời gian tới, giới chuyên gia có lời khuyên cho các DN tại Việt Nam cần có góc nhìn rộng hơn cho vấn đề này so với góc nhìn từng đáp ứng yêu cầu trong quá khứ.
Ngoại trừ một số lĩnh vực như hàng xa xỉ cao cấp, đã qua rồi cái thời DN chỉ cần tập trung vào hai thị trường Hà Nội và Tp.HCM. Các lĩnh vực cạnh tranh trong nước có tương tác trực tiếp với người tiêu dùng đang theo đuổi người tiêu dùng nông thôn tại nhiều khu vực địa lý rộng khắp.
“Các DN từng tự giới hạn bản thân ở việc chỉ phục vụ người tiêu dùng tại hai thành phố dẫn đầu Việt Nam sẽ cần mở rộng cách tiếp cận của mình”, các chuyên gia của McKinsey nhấn mạnh.
Nghĩa là, để tiếp cận khoảng 50% dân số có thu nhập hơn 22.000 USD/năm, các DN thường cần có kế hoạch phân phối tới 15 thành phố lớn nhất.
Đó là lý do mà những DN bán lẻ lớn đang tìm cách nắm bắt cơ hội mới bằng cách đầu tư không chỉ vào các thành phố trọng yếu, mà cả vào hàng loạt khu vực đông dân cư nằm ngoài các khu vực thành thị.
Để cạnh tranh thành công, giờ đây đòi hỏi các DN này dịch chuyển xa hơn so với cách tiếp cận tập trung vào hai thành phố lớn và cân nhắc các kênh mới trong bối cảnh công nghệ không ngừng thay đổi.
Thế Vinh