Bàn về việc tìm kiếm động lực cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 sắp tới, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) có đề cập đến việc dự trữ ngoại hối trong thời gian qua vẫn cao.
Yên tâm với dự trữ ngoại hối
Theo ông Thành, so với các nước trong khu vực có thu nhập trung bình cao như Thái Lan, Philippines, Indonesia thì đặc thù trong suốt đợt dịch Covid-19 lần này là Việt Nam chưa phải dùng đến dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ kinh tế hay chống dịch.
Biến động tỷ giá USD/VND dù là trong ngắn hạn nhưng cũng cần có những tính toán nhằm điều chỉnh chính sách tiền tệ khi cần thiết. |
“Cho nên dư địa chính sách là có, để có một gói hỗ trợ cho sang năm không làm xói mòn ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Thành nhận định.
Vị chuyên gia này đánh giá trong 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 áp lực lạm phát vẫn chưa cao. Trong chính sách của Việt Nam đã dùng tiền tệ khá nhiều ở chỗ giảm lãi suất và tạo thanh khoản nhưng không gọi là quá mức.
Song song đó, mức lạm phát của Việt Nam dù đang trong tầm kiểm soát nhưng nỗi lo canh cánh là tình hình lạm phát trên toàn cầu trong thời gian qua. Ông Thành lưu ý tháng 12 này là tháng sắp tết, có thể sẽ tác động đến Việt Nam. Cho nên không thể nới lỏng các chính sách về tiền tệ, nhưng vẫn phải có gói hỗ trợ kinh tế nhằm có con số tăng trưởng khả quan cho năm 2022.
Riêng về vấn đề tỷ giá USD/VND có sự biến động mạnh trong những phiên gần đây, nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là biến động trong ngắn hạn khi nguồn cung USD vào Việt Nam vẫn duy trì tích cực.
Ngoài ra, việc cân bằng cung cầu ngoại tệ trên thị trường còn đến từ dự báo đưa ra hồi tháng 11/2021 của Ngân hàng Thế giới có cho biết lượng kiều hối dự báo về Việt Nam năm nay có thể tăng mạnh đạt khoảng 18,1 tỷ USD bất chấp ảnh hưởng của Covid-19.
Theo giới phân tích, thời gian tới VND vẫn có nhiều cơ sở để tiếp tục mạnh lên so với USD khi chênh lệch lãi suất thực của Việt Nam vẫn hấp dẫn, cán cân vãng lai sẽ tích cực hơn vào năm 2022 và vay ngoại tệ vẫn khả quan hơn vay VND nên các doanh nghiệp lớn nhiều khả năng vẫn tiếp tục đẩy mạnh vay ngoại tệ, kéo USD về trong nước.
Quanh chuyện tỷ giá biến động mạnh được cho là vì Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) có những tín hiệu mới về lạm phát, trước đó giới phân tích từng dự báo Fed sẽ duy trì chính sách chấp nhận lạm phát cao hơn một chút (chính sách Mục tiêu lạm phát trung bình), giải tỏa dần hạn chế phía cung, cùng với châu Âu tăng trưởng và kích thích tài khóa của Trung Quốc.
Theo đó, tăng trưởng dịch chuyển ra khỏi Mỹ và lãi suất thực thấp sẽ thúc đẩy rút đồng USD để đầu tư vào các tài sản toàn cầu hấp dẫn hơn và việc đóng vị thế mua USD có thể tiếp thêm động lực.
Linh động điều chỉnh chính sách tiền tệ
Bàn thêm về chuyện lạm phát, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty AFA Capital, cho biết nếu đo lạm phát bằng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thì theo dự tính CPI trong năm nay đâu đó chỉ khoảng 2%. Mục tiêu lạm phát trong năm 2021 vẫn có thể đạt được là 2% và năm 2022 có thể là 4% với các chỉ số vĩ mô có thể điều chỉnh được.
Vì thế, những biến động mạnh về tỷ giá USD/VND như mới đây sẽ không ảnh hưởng gì đến nền kinh tế của Việt Nam vì lạm phát đang ở mức thấp.
Ngoài vấn đề lạm phát chưa đến nỗi quá lo ngại, diễn biến tăng mạnh của tỷ giá trong những phiên gần đây được lý giải là do ảnh hưởng của tính mùa vụ khi nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa gia tăng dịp cuối năm. Và sau những biến động đến từ các yếu tố mang tính chất thời điểm, mùa vụ, xu hướng tỷ giá được dự đoán nhiều khả năng sẽ dần ổn định trở lại.
Hơn thế nữa, tỷ giá chỉ phản ứng thái quá trong ngắn hạn và sẽ sớm được bình ổn. Cho nên chưa có cơ sở nào để nói chứng khoán sẽ chịu áp lực tiêu cực trong chuyện này.
Bên cạnh đó, cũng cần tham khảo thêm thông tin từ Trung Quốc khi nước này nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm yêu cầu dự trữ của các ngân hàng lần thứ 2 trong năm 2021 này.
Vào tuần tới, Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc được cho là sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của hầu hết các ngân hàng, qua đó giải phóng 1,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 188,16 tỷ USD) thanh khoản.
Dữ liệu 11 tháng qua của Trung Quốc mới công bố với cán cân thương mại đạt mức 71,72 tỷ USD. Từ việc điều chỉnh chính sách tiền và thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập đang cho thấy tỷ giá USD so với Nhân dân tệ Trung Quốc đã giảm 0,07% xuống mức 6,3712 đổi một USD.
Còn ở góc nhìn của mình, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nhận định kinh tế thế giới sẽ tác động đến kinh tế vĩ mô và câu chuyện tỷ giá, lãi suất. Xu hướng vẫn sẽ là thu hẹp lại chính sách tiền tệ và điều chỉnh lãi suất.
“Mặt bằng lãi suất sẽ là một sức ép. Lãi suất trên thế giới tăng, với thị trường mới nổi như Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng, nếu không để mất giá với tỷ giá thì các ngân hàng sẽ phải điều chỉnh lãi suất”, ông Thành nói.
Thế Vinh