Theo thống kê của công ty nghiên cứu uy tín Armstrong & Associates (Mỹ), chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam tương đương 20,9% GDP, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore, cao gần gấp 2 lần so với các nước phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%.
Trong chi phí logistics tại Việt Nam, chi phí vận tải quá cao, tương đương 30 - 40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác. Điều đó làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Vì sao chi phí logistics còn cao?
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn lại những khảo sát gần đây của VCCI cho thấy đang có nhiều nguyên nhân khiến chi phí logistics của Việt Nam cao hơn các nước. Trong đó phải kể tới các hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn khiến DN mất nhiều thời gian để tuân thủ. Quy trình thủ tục hành chính còn phức tạp, thiếu rõ ràng và chồng chéo, đặc biệt ở các thủ tục hành chính liên ngành có sự tham gia của nhiều cơ quan nhà nước.
Đáng chú ý, chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính vẫn phổ biến góp phần khiến chi phí logistics nói chung tăng lên.
Chi phí logistics Việt Nam cao gần gấp 2 lần so với các nước phát triển. |
Thị phần dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn do các DN lớn của nước ngoài nắm giữ. DN trong nước chỉ có khoảng 25% thị phần. Dù DN trong nước am hiểu thị trường và thị hiếu của khách hàng, nhưng chủ yếu là các DN nhỏ và vừa với năng lực không đồng đều và đi sau các DN FDI về trình độ công nghệ.
Hơn nữa, theo một thống kê gần đây của Ngân hàng Thế giới, khoảng 70% xe chở hàng chấp nhận chạy không tải ở chiều về vì không thể tìm được khách hàng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chi phí logistics của DN trong nước rất thiếu tính cạnh tranh.
"Từ góc độ của cộng đồng DN, chúng tôi cũng kỳ vọng rằng Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy các chương trình và gói hỗ trợ cho DN khởi nghiệp sáng tạo cũng như duy trì những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh bằng việc tiếp tục gỡ bỏ những quy định không cần thiết và giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho DN", ông Lộc nói.
Bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch Công ty MP Logistics chia sẻ, hiện ngành logistics đang tăng trưởng 14-16% mỗi năm nhưng tiềm năng còn có thể phát triển hơn nữa, nhất là đặt trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành địa điểm hấp dẫn của sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để ngành logistics phát triển hơn nữa, bà Phương cho rằng cần phải nhanh chóng cắt giảm chi phí logistics. Hiện nay, chi phí cao một phần vì văn hóa của DN Việt Nam là tự làm, ít sử dụng dịch vụ thuê ngoài. Bên cạnh đó, sự kết nối giữa các phương thức vận tải như đường thuỷ - đường bộ - đường sắt còn lỏng lẻo. Đường thuỷ, đường sắt vẫn bị bỏ quên trong kế hoạch phát triển.
Đáng chú ý, bà Phương cho hay các DN logistics đang phải cạnh tranh không cân sức với nước ngoài. DN nước ngoài có kinh nghiệm, có tiềm lực và mối quan hệ rộng khắp trên toàn cầu. Chi phí vốn của họ thấp, nhưng các DN Việt Nam đa phần phải vay với lãi suất cao hơn so với các nước trong khu vực. Vì vậy, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ DN logistics về vốn, đất đai, thuế.
Tạo chuyển biến từ khâu chính sách
Trước những vấn đề mà các DN logistics Việt Nam đang gặp phải, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, Hiệp hội sẽ cố gắng liên kết với các hiệp hội chủ hàng, để từ đó làm tăng sự chuyên nghiệp của hoạt động logistics.
Đồng thời, các DN logistics Việt Nam cần đẩy mạnh liên kết với nhau. Hiện, 95% DN là nhỏ và vừa, nên cần liên kết để tạo ra chuỗi từ khâu làm thủ tục hải quan, vận chuyển, kho bãi tới thị trường quốc tế. Với cơ quan quản lý nhà nước, đại diện VLA đề nghị tạo điều kiện thuận lợi để các DN thực hiện các thủ tục hành chính.
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá chi phí logistics Việt Nam còn cao. Trong đó, chi phí logistics ở khâu vận tải chiếm tỷ trọng lớn nhất. Như vậy, muốn giảm chi phí logistics thì làm sao phải có giải pháp giảm được chi phí vận tải. Do đó, ngành GTVT sẽ ưu tiên để đầu tư kết cấu hạ tầng.
Ông Thọ cho biết, về đường bộ, Chính phủ chỉ đạo đến năm 2025 cố gắng thông xe được cao tốc Bắc - Nam. Trong giai đoạn 2021-2025, hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư nâng cấp để đảm bảo nhu cầu phát triển của nền kinh tế, từ đó kéo giảm chi phí logistics.
Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng cho hay sẽ tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện các thủ tục thuế, hải quan. Hiện, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành với 7 nội dung cải cách như: giao đầu mối kiểm tra chuyên ngành về một cơ quan là hải quan; áp dụng đồng bộ 3 phương thức cắt giảm lô hàng kiểm tra, cắt giảm quy trình thủ tục kiểm tra; mở rộng đối tượng được miễn giảm kiểm tra; ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra chuyên ngành...
"Bộ Tài chính sẽ sớm trình Chính phủ phê duyệt đề án này. Dự kiến năm 2021, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định để cải cách kiểm tra chuyên ngành. Đây là cơ sở pháp lý để triển khai đề án trên", Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho hay.
Đặt vấn đề làm sao để ngành logistics không phải là "osin của nền kinh tế" mà trở thành động lực đóng góp cho nền kinh tế của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để giải quyết các vướng mắc về đất đai, hạ tầng, vốn, thủ tục thuế, hải quan... để các DN logistics phát triển, cạnh tranh tốt với các DN logistics nước ngoài.
Lê Thúy