Tham dự Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 26/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá logistics là ngành dịch vụ quan trọng, đóng vai trò kết nối thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước. Giảm giá dịch vụ logistics sẽ giúp doanh nghiệp (DN) giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của DN và nền kinh tế Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng. |
Tại Việt Nam, ngành logistics phát triển từ những năm 1990, giai đoạn vừa qua, lĩnh vực này ngày càng phát triển. Chính phủ cũng tập trung hoàn thiện thể chế, kết cấu hạ tầng phục vụ cho dịch vụ logistics.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những bất cập mà ngành logistics còn tồn tại. Đó là chi phí khá cao, làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của DN. Nguyên nhân cơ bản là thiếu sự kết nối trong quy hoạch của ngành, lĩnh vực; chất lượng hạ tầng còn hạn chế; sự kết hợp của thương mại điện tử và logistics chưa hiệu quả. Đặc biệt là năng lực cạnh tranh của DN logistics chưa cao so với các DN trong khu vực, chưa có nhiều DN lớn...
Trước thực tế trên, Phó Thủ tướng yêu cầu phải tìm các giải pháp phát triển dịch vụ logistics, thông qua việc tạo cơ hội bình đẳng cho các DN trong mọi thành phần kinh tế tham gia đưa Việt Nam trở thành đầu mối logistics quan trọng của khu vực.
Để thực hiện được định hướng này, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, cơ quan liên quan cần tập trung hoàn thiện hệ thống quy định cơ chế, chính sách liên quan tới logistics để đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch, khả thi.
"Đặc biệt là hoàn thiện các giải pháp kéo giảm chi phí logistics ở các lĩnh vực từ đường bộ, đường thuỷ, đến đường sắt, hàng không. Các bộ, ngành cần chỉ rõ "điểm nút" khiến chi phí logistics còn cao như vậy", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về nâng cao năng lực DN, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương sớm xây dựng gói giải pháp hỗ trợ DN, kịp thời tháo gỡ vướng mắc của DN về chính sách để thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, tới đây là RCEP... Tạo thuận lợi cho DN liên kết với nhau để cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức, nâng cao năng lực của các DN.
Cùng với đó, khuyến khích phát triển dịch vụ đa phương thức quốc tế, tháo gỡ vướng mắc cho các DN nhỏ và vừa, phát triển thị trường...
Theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, các cam kết mở cửa thị trường lĩnh vực dịch vụ logistics trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA không quá xa so với các cam kết của Việt Nam trong WTO và cơ bản là phù hợp với các quy định pháp luật và chính sách hiện hành.
Riêng đối với dịch vụ logistics, các hiệp định này có thể tác động tới triển vọng phát triển ở hai góc độ: cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải; cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô do tăng nguồn cầu dịch vụ, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, đầu tư và thực hiện dịch vụ. Trong cả hai khía cạnh này, cơ hội và thách thức đều khá lớn trong bối cảnh DN logistics nội địa có sức cạnh tranh không cao.
Do vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng cần có biện pháp tháo gỡ “điểm nút” chi phí logistics lâu nay, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics trên cơ sở thúc đẩy chuyển đổi số trong logistics giúp chúng ta có được câu giải đáp thích đáng cho “bước nhảy” về dịch vụ logistics của Việt Nam, để có thể thay đổi về “chất” phát triển lên một tầm cao mới trong giai đoạn tới nhằm tận dụng tối đa các cơ hội và thực hiện có hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam mang lại.
Nhật Linh