Theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng tôm xuất khẩu (XK) tháng 9/2018 đạt 34,8 nghìn tấn, trị giá 328,8 triệu USD, giảm 5,6% về lượng và giảm 14,8% về kim ngạch cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng năm 2018, lượng tôm XK đạt 275,5 nghìn tấn, trị giá 2,6 tỷ USD, giảm 0,3% về lượng và giảm 3,8% về kim ngạch so với cùng kỳ.
Tháng 9/2018, XK tôm giảm do xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc giảm so với cùng kỳ.
Cạnh tranh gay gắt
Với thị trường châu Âu (EU), Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết nhu cầu tiêu dùng tôm của EU vẫn ở mức cao. Hiện nay, ngày càng nhiều người dân châu Âu mua tôm ở siêu thị để chế biến ở nhà thay vì ăn tôm tại các nhà hàng. Đây là lợi thế của tôm thẻ chân trắng, vì thế tỷ trọng tôm chân trắng trên thị trường bán lẻ đang tăng.
Trong khi các nhà hàng châu Âu thường dùng tôm sú do hương vị thơm ngon và kích cỡ lớn, nhưng tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn đang khiến tôm chân trắng được lựa chọn nhiều hơn.
Đối với phân khúc tôm chế biến, EU ngày càng tăng nhu cầu với tôm hấp nguyên liệu. Với xu hướng tiêu dùng này, tôm Việt Nam vẫn còn nhiều triển vọng XK sang thị trường EU.
Bên cạnh đó, việc nguồn cung tôm Thái Lan không đủ cho XK và tôm Ấn Độ gặp khó khăn tại thị trường EU cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho ngành tôm Việt Nam khi khai thác thị trường này.
Tuy nhiên, để khai thác tốt hơn nữa thị trường EU, ngành nuôi tôm Việt Nam cần chú ý tăng số lượng trại nuôi, nhà máy được chứng nhận các biện pháp thực hành nuôi tốt, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, xã hội, đồng thời tăng số lượng nhà máy được nâng cấp dây chuyền chế biến đáp ứng tiêu chuẩn bán lẻ của EU.
Đây là vấn đề cần quan tâm, bởi đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam tại thị trường EU hiện nay là Ecuador đã có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững.
Theo đó, người nuôi Ecuador sẽ tuân thủ 3 tiêu chí: Không sử dụng kháng sinh, truy xuất nguồn gốc đầy đủ và giảm thiểu ảnh hưởng tới các hệ thống nước của địa phương. Hiện nay, tôm Ecuador đã có lợi thế cạnh tranh hơn so với tôm Việt Nam do được hưởng thuế quan 0% theo Hiệp định thương mại tự do Ecuador và EU.
Trong khi đó, XK sang thị trường Nhật Bản – thị trường XK tôm lớn thứ ba của Việt Nam trong tháng 9/2018, liên tục giảm từ đầu năm đến nay. Tốc độ giảm nhập khẩu tôm của Nhật Bản từ thị trường Việt Nam đang cao hơn so với mức giảm nhập khẩu chung. Điều này cho thấy tôm Việt Nam đang dần mất lợi thế cạnh tranh tại Nhật Bản, mặc dù vẫn là thị trường cung cấp tôm lớn nhất.
"Đội" giá thành
Ở thị trường Mỹ, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá tôm Việt sẽ phải đối mặt với Chương trình giám sát nhập khẩu thủy sản của Mỹ (SIMP) có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Trong đó, nhà xuất khẩu phải chứng minh nguồn gốc tôm nguyên liệu mua từ nông dân hay ngư dân nếu khối lượng mua lớn hơn 1.000kg mỗi ngày, với bằng chứng bao gồm địa điểm canh tác và giấy phép nuôi tôm.
Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, các công ty khi mua tôm từ bên ngoài chỉ quan tâm đến dư lượng chất kháng sinh, kích thước, chủng loại… và không yêu cầu nông dân phải có giấy phép nuôi trồng. Ngoài ra, phần lớn người nuôi tôm là các hộ gia đình và luật pháp không yêu cầu họ phải có giấy phép nuôi trồng thủy sản.
Do đó, VDSC nhận định thời gian từ nay đến khi SIMP có hiệu lực là quá ngắn để có thể thay đổi tình hình, XK tôm Việt Nam vào Mỹ có thể sụt giảm trong các tháng đầu năm 2019.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho rằng các thị trường XK lớn và nhiều tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… kiểm soát rất gắt gao về dư lượng kháng sinh trong sản phẩm tôm. Đây sẽ thách thức cho ngành nuôi tôm Việt Nam trong thời gian tới.
Để kiểm soát dư lượng kháng sinh, Tập đoàn Minh Phú phải đầu tư các phòng lab kiểm tra ở các vùng nuôi với chi phí 10 tỷ đồng/phòng. Chi phí kiểm định kháng sinh tại DN này là 9.000 đồng/kg.
"Người nông dân cứ nuôi tôm với kháng sinh sẽ phải mất phí kiểm định, đẩy giá thành tôm lên cao. Tôm phải kiểm định kháng sinh nhiều lần, trước thu hoạch, khi thu hoạch, khi về nhà máy và cả khi XK. Điều này làm tăng giá thành sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam với các quốc gia khác", ông Quang cho biết và cảnh báo: "Đừng để đến khi Mỹ và EU cấm nhập khẩu tôm Việt Nam vì kháng sinh thì chúng ta mới thức tỉnh".
Trước tình hình trên, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết sắp tới sẽ siết chặt chất lượng từ con giống. Cụ thể, Bộ NN&PTNT sẽ thử nghiệm về báo cáo điện tử cho các trại giống – chỉ những trại nào đủ điều kiện mới cho cung cấp tôm giống.
Thy Lê