Ở huyện Phù Mỹ, nơi có diện tích trồng ớt lớn nhất tỉnh Bình Định, hiện nay đang vào chính vụ thu hoạch ớt nhưng tâm trạng của người nông dân khá ảm đạm vì giá ớt tụt dốc không phanh, đầu ra khó khăn.
Ngậm ngùi giá ớt, giá tiêu
Hiện tại, giá thu mua ớt chỉ thiên ở đây chỉ còn 16.000 đồng/kg (giảm 14.000 đồng/kg so với đầu vụ), còn giá ớt chỉ địa nay rớt xuống còn 3.500 đồng/kg so với mức 33.000 đồng/kg ở đầu vụ.
Nếu so sánh hồi trước Tết âm lịch 2021, khi đó ớt chỉ địa được thương lái tại Bình Định đến tận vườn để tìm mua với mức giá vào khoảng 150.000 đồng/kg, thì nay giá thu mua ớt ở Phù Mỹ đã giảm đến 50 lần.
Giá ớt giảm không phanh vì phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc làm cho nông dân huyện Phù Mỹ (Bình Định) điêu đứng. |
Theo ông Trần Minh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Phù Mỹ, trong vụ Đông Xuân 2020 - 2021 toàn huyện sản xuất 1.262 ha ớt, tăng 92 ha so với vụ này năm trước.
Phần lớn lượng ớt thu hoạch đều được nông dân bán cho các đại lý trên địa bàn huyện để xuất khẩu (XK) sang thị trường Trung Quốc, nhưng sau ngày 1/4/2021, việc XK ớt sang nước này có trục trặc, sức tiêu thụ yếu, cung vượt cầu nên giá giảm xuống đáy.
Theo Bộ Công Thương thì hoạt động XK ớt đi thị trường Trung Quốc từ tháng 5 năm ngoái cũng gặp vướng mắc về kiểm nghiệm, kiểm dịch. Bộ NN&PTNT đang chủ trì làm việc với phía Trung Quốc để thống nhất phương án tháo gỡ các vướng mắc nêu trên nhằm đưa hoạt động XK sản phẩm ớt Việt Nam đi thị trường Trung Quốc trở lại bình thường.
Hồi đầu tháng 4 này, Bộ Công Thương nhận được hình ảnh “văn bản” của Hải quan Thâm Quyến thông báo về việc cấm nhập khẩu ớt của Việt Nam từ ngày 1/4/2021 theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Qua xác minh thông tin với phía Trung Quốc đã khẳng định hình ảnh “văn bản” trên là giả mạo, không phải do phía Hải quan Trung Quốc ban hành.
Bên cạnh chuyện giá ớt thì việc giá tiêu lúc trồi lúc sụt cũng là điều đáng quan tâm hiện nay. Ghi nhận trong ngày 8/4 cho thấy, giảm từ 500 đến 1.500 đồng/kg tại tất cả các tỉnh thành khảo sát, giá thu mua hiện tại nằm trong khoảng 69.500 – 74.000 đồng/kg.
Một số thông tin dự báo giá hạt tiêu có thể sẽ hạ nhiệt trở lại trong quý II/2021 khi thị trường thế giới kết thúc chuỗi tăng mạnh. Điều đáng nói là giá tiêu trong thời gian gần đây không thật sự bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nếu nhìn lại đà tăng giá tiêu trong vài tháng gần đây sau thời gian dài giảm giá sâu sẽ thấy, tình cảnh ngậm ngùi của nhiều hộ nông dân vì không có tiêu để bán khi mà tình trạng giảm sản lượng, tiêu bệnh, tiêu chết diễn ra rất nhiều. Ngay cả trong hoạt động XK hạt tiêu, dù mức giá có khởi sắc thì trong quý I/2021 sản lượng XK đã giảm 25% về lượng và giảm 1,3% về kim ngạch.
Nông dân luôn gánh phần bất lợi
Hoặc như giá gạo XK của Việt Nam trong tuần này được điều chỉnh giảm để tăng sức cạnh tranh với gạo Ấn Độ và Thái Lan cũng là điều đáng quan tâm. Theo thông tin thì các nước đồng loạt điều chỉnh giảm giá gạo XK. Còn giá gạo trong nước hiện giảm ở một số chủng loại, thương lái thu mua cầm chừng trong khi nguồn cung ổn định.
Mặc dù một số ý kiến cho rằng không nên quá lo lắng do cầu thị trường vẫn cao và căng thẳng giảm chỉ là trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu nhìn sự cạnh tranh trên thị trường XK gạo như hiện nay khi nhiều quốc gia XK gạo đều giảm giá, khiến các nhà nhập khẩu cân nhắc trong việc mua của nước nào giá có lợi hơn, thì giá gạo sụt giảm vẫn là nỗi lo với người nông dân trồng lúa.
Theo Bộ Công Thương, trong XK nhóm hàng nông lâm thuỷ sản ở quý I/2021, gạo là là mặt hàng giảm mạnh nhất khi giảm 30,4% về lượng và giảm 17,4% về kim ngạch so với quý I/2020, đạt 1,1 triệu tấn, kim ngạch 606 triệu USD.
Ngoài ra, có thể kể thêm về tình hình giá cà phê. Trong khi giá cà phê XK bình quân trong quý I/2021 ước đạt 1.801 USD/tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020 thì giá cà phê trong nước vẫn khá ảm đạm.
Trong khi đó, XK cà phê vào quý I/2021 ước đạt 428.000 tấn, trị giá 771 triệu USD, giảm 17% về lượng và giảm 11,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giới phân tích nhận định giá cà phê có thể sẽ giảm trong thời gian tới do thị trường lo ngại nhu cầu yếu, tiêu thụ cà phê giảm khi những nước tiêu thụ cà phê lớn ở thị trường EU còn chịu tác động của dịch Covid-19.
Nhìn vào tình hình “nhảy múa” về giá của một số mặt hàng nông sản nêu trên có thể thấy những rủi ro thường trực với người nông dân sẽ vẫn còn đó khi một số bất cập vẫn chưa được cải thiện.
Chẳng hạn như với giá ớt giảm sâu thì nguyên nhân chính nằm ở việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong khi nông dân lại trồng quá nhiều. Nhiều mặt hàng nông sản đã từng phải “giải cứu” vì rơi vào nguyên nhân tương tự như vậy.
Còn với giá các mặt hàng hạt tiêu, cà phê, gạo... thì việc lúc tăng lúc giảm luôn mang lại nỗi bất an cho nông dân với điệp khúc “được mùa thì mất giá, được giá thì lại mất mùa”.
Nhất là phần bất lợi nhất luôn bị đẩy về phía khu vực sản xuất là người nông dân. Trong khi đó, những bài học về “giải cứu” nông sản vẫn cần được cải thiện nhiều hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường. Ngoài ra, cần nâng giá trị từ khâu chế biến và có cơ chế phân chia công bằng về lợi nhuận để tránh các rủi ro cao cho nông dân.
Thế Vinh