Những thông tin mới đây cho biết nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến tinh bột sắn ở tỉnh Tây Ninh đang hoạt động cầm chừng, đứng trước nguy cơ phá sản vì không có đủ nguồn nguyên liệu sắn phục vụ cho chế biến.
Chế biến sắn gặp khó
Thậm chí như trường hợp Công ty TNHH tinh bột sắn Dương Minh Châu (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) đã phải đóng cửa. Hồi tháng 6 năm ngoái do DN này làm ăn thua lỗ dẫn đến nợ tiền mua nguyên liệu sắn khiến cho các “chủ nợ” căng băng rôn để gây áp lực yêu cầu DN trả nợ.
Năm 2021 ngành chế biến điều dự kiến nhập khẩu nguyên liệu có thể tăng lên 1,8 triệu tấn. |
Hiện nay tổng công suất chế biến sắn của 68 nhà máy ở tỉnh Tây Ninh (chiếm hơn 50% số nhà máy sắn trong cả nước) vào khoảng 6,4 triệu tấn củ/năm. Trong khi đó, với 57.149 ha mì (sắn) được gieo trồng trong niên vụ 2020 – 2021 thì tổng sản lượng khoai mì của tỉnh này chỉ ước khoảng 1,86 triệu tấn.
Chính vì nguồn cung nguyên liệu sắn trong tỉnh chiếm đáp ứng gần 1/3 công suất các nhà máy nên phần lớn các nhà máy chế biến sắn ở Tây Ninh phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ Campuchia.
Thế nhưng sản lượng từ Campuchia đang giảm sút trong niên vụ 2020 - 2021 và có mức giá cao, lại chịu áp lực tăng thu mua từ Thái Lan, Trung Quốc khiến cho các nhà máy chế biến sắn ở Tây Ninh gặp khó về nguồn cung từ nước này.
Trong khi đó, xuất khẩu (XK) sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 3 vừa qua từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng 2 đến 3 lần so cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng tiếc là vì tình trạng thiếu nguyên liệu khiến cho nhiều nhà máy chế biến sắn không đáp ứng được nhu cầu XK và việc chào giá XK tinh bột sắn ở mức đến 500 - 525 USD/tấn FOB do giá tinh bột thành phẩm tại nhà máy vẫn ở mức cao.
Để thích ứng với tình hình XK, cuối tuần trước giá sắn nguyên liệu tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đang được điều chỉnh giảm. Tuy vậy, các DN chế biến sắn cho biết nguồn cung ở các tỉnh này đã giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái nên giá tăng là khó tránh khỏi. Và nhiều DN vẫn không có nguyên liệu để mua về chế biến.
Còn ở ngành điều, trong quý I/2021 hoạt động XK được ghi nhận tăng trưởng tốt về mặt sản lượng (tăng khoảng 25%) nhưng giá trị XK chỉ tăng khoảng 3% so với quý I/2020. Giới chuyên gia nhận định giá XK nhân điều chưa tăng nhưng giá nhập khẩu điều thô vẫn tăng là do có nhiều nhà máy chế biến trong nước thiếu nguyên liệu.
Nhất là khi số lượng nhà máy chế biến điều ở Việt Nam ngày càng tăng, công suất cũng tăng theo (trong đó có các DN có vốn đầu tư nước ngoài) dẫn đến tranh mua điều thô làm cho giá nguyên liệu tăng lên.
Hơn thế nữa, do công suất chế biến điều của các nhà máy lớn quá nên các nhà máy luôn trong tình trạng “đói” nguyên liệu, vì vậy dẫn đến chuyện các nhà máy tranh nhau mua nguyên liệu.
Không thể bị động
Theo dự kiến của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm nay nhập khẩu nguyên liệu có thể tăng lên 1,8 triệu tấn so với 1,6 triệu tấn hồi năm ngoái.
Việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu trong nước vẫn là vấn đề muôn thuở so với công suất chế biến hiện nay. Cần lưu ý là hồi giữa năm ngoái đã có không ít nhà máy chế biến hạt điều quy mô vừa và nhỏ đã phải tạm dừng sản xuất hoặc giảm công suất, không mua thêm nguyên liệu thô do giá điều thô quá cao so với giá nhân có thể bán được.
Trong khi đó, theo dự báo hồi đầu năm nay của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) thì giá điều nhân dự kiến có xu hướng tăng trong thời gian tới vì lượng cung điều nhân trong nước không nhiều, trong khi giá mua điều thô vẫn đang cao không cân đối được với giá điều nhân, nên các nhà chế biến rất thận trọng trong việc nhập điều thô.
Với ngành hàng thuỷ sản, riêng trong lĩnh vực chế biến tôm, theo ghi nhận hồi tháng 3/2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long, tôm sú và tôm thẻ (chân trắng) nguyên liệu tăng giá mạnh. Nhiều nhà máy chế biến thủy sản XK đóng tại khu vực các tỉnh vùng bán đảo Cà Mau đang trong tình trạng thiếu nguyên liệu.
Theo phản ánh của một số DN chế biến tôm thì hồi năm ngoái nhiều DN XK tôm nhiều vào những tháng cuối năm đã đẩy tốc độ tăng trưởng cả năm lên cao. Đến khi bước qua những tháng đầu năm nay thì nguồn tôm dự trữ của các DN giảm mạnh. Do đó, để cung ứng theo hợp đồng là cả thách thức lớn đối với những DN không có tôm chế biến dự trữ.
Mới đây, khi góp ý Dự thảo Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản của Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) có nhấn mạnh việc phát triển nguồn nguyên liệu cho chế biến phải là một trong ba vấn đề quan trọng của ngành thuỷ sản Việt trong 10 năm tới.
Nhìn vào vấn đề “khát” nguyên liệu ở các ngành tinh bột sắn, hạt điều, thuỷ sản sẽ thấy vẫn còn đó những bất cập, nghịch lý về cung cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Điều đáng nói là việc có những DN mở rộng công suất nhà máy quá lớn, dẫn tới không đủ nguyên liệu cho chế biến XK, và nguy cơ khó tránh khỏi là nhà máy phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, phát sinh nhiều hệ lụy xấu.
Do đó, việc chủ động tạo nguồn nguyên liệu trong nước đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất, XK ở một số lĩnh vực nông sản chủ lực là điều cần thiết, khâu chính sách, quản lý nông nghiệp nên lưu tâm chuyện này.
Thế Vinh