Theo Dự thảo của Bộ Công Thương về cơ chế giá cho điện mặt trời áp mái, giá mua điện sẽ từ 8,38 cent/kWh giảm xuống còn 5,2-5,8 cent/kWh, tuỳ theo công suất lắp đặt từng dự án thay vì cùng một mức giá như trước. Quy mô càng lớn, giá càng thấp nhằm khuyến khích các hộ gia đình lắp đặt hơn các trang trại, khu công nghiệp.
Bộ Công Thương đề xuất giảm giá mua điện mặt trời áp mái. |
Dự thảo cũng quy định tỷ lệ tự dùng tại chỗ của các dự án nhằm giảm áp lực đầu tư lên lưới điện, truyền tải và phân phối. Dự thảo sẽ trình Chính phủ trong tháng 3.
Giải thích thêm về đề xuất này, tại họp báo thường kỳ chiều ngày 12/3, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Điện mặt trời áp mái áp dụng cơ chế giá điện cố định, vì với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ điện mặt trời nên chi phí thiết bị, sản xuất điện giảm rất nhanh.
Ví dụ, năm 2019 trở về trước, giá mua điện trên mặt đất 9,35 cent/kWh nên khá nhiều nhà đầu tư quan tâm, sau đó dù giảm xuống 7,09 cent thì nhà đầu tư cũng rất quan tâm. Cùng một tấm pin sản xuất được nhiều điện hơn là cơ sở giảm giá mua từ điện mặt trời nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng.
"Giảm 20-30% giá mua điện mặt trời áp mái là đã tính toán lợi ích đảm bảo giữa các bên như EVN, nhà đầu tư, Nhà nước", ông Dũng nhấn mạnh.
Thêm vào đó, đại diện Bộ Công Thương khẳng định tình trạng quá tải đường dây truyền tải điện sẽ chỉ diễn ra trong năm 2019, đầu năm 2020. Thời gian qua, EVN cũng như các doanh nghiệp tư nhân đã tham gia xây dựng đường dây truyền tải. Về cơ bản, sau khi công trình lưới điện được xây dựng thì đến nay việc quá tải được giải quyết.
Tuy nhiên, vừa qua xuất hiện dư thừa công suất là do cuối năm 2020, lượng điện mặt trời đưa vào khá nhanh nên gây khó khăn trong việc vận hành hệ thống điện, nhất là trong bối cảnh nhu cầu thấp hơn kế hoạch sản xuất. Vì thế, không chỉ năng lượng tái tạo mà hầu hết nguồn điện truyền thống cũng phải giảm công suất.
Nhật Linh