Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ là 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Song kể từ ngày 20/7 vừa qua, Ấn Độ chính thức ngừng xuất khẩu gạo. Theo đó, giá gạo trên thị trường thế giới đã trải qua những cơn sốt.
Giá gạo Việt Nam bất ngờ vượt Thái Lan, giữ ngôi vị cao nhất thế giới. |
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, sau khi Ấn Độ áp lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ thường, giá gạo Việt Nam và Thái Lan tăng mạnh và thiết lập kỷ lục mới.
Cụ thể, phiên giao dịch ngày 19/7 (trước ngày Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo), giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 533 USD/tấn, gạo Thái Lan cùng lại có giá 541 USD/tấn. Với đà tăng không ngừng nghỉ, đến ngày 10/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam và Thái Lan vọt lên mức 638 USD/tấn và 651 USD/tấn, tăng lần lượt 105 USD/tấn và 110 USD/tấn.
Dù tăng mạnh, song giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn của Thái Lan từ 10 - 20 USD/tấn. Song cục diện thay đổi bắt đầu từ khi có thông tin Ấn Độ có thể sớm xuất khẩu gạo trở lại.
Gạo 5% tấm của Thái Lan bắt đầu giảm mạnh trong phiên ngày 16 và 17/8, xuống còn 613 USD/tấn, song phiên 18/8 lại bật tăng 5 USD/tấn lên mức 618 USD/tấn.
Trong khi, gạo cùng loại của Việt Nam giữ ổn định ở các ngày 15 và 16/8, đến phiên giao dịch 17/8 giá đã tăng nhẹ 5 USD/tấn, lên mức 628 USD/tấn và giữ ổn định ở mức này trong phiên 18/8.
Trong phiên 18/8, cả gạo 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đều vượt gạo cùng loại của Thái Lan, lần lượt là 10 USD/tấn và 57 USD/tấn. Theo đó, giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang ở mức cao nhất thế giới.
Giá chào xuất khẩu gạo của Việt Nam đối với gạo 5% tấm hôm 18/8 ở mức 628 USD/tấn, giá gạo 25% tấm lên mức 618 USD/tấn, tăng 10 USD so với ngày trước đó.
Báo cáo về an ninh lương thực năm 2023, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, tổng diện tích lúa cả nước khoảng 7,1 triệu ha; năng suất trung bình đạt 60,7 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 43,1 triệu tấn thóc, tăng khoảng trên 452 nghìn tấn so với năm 2022.
"Từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng lúa sẽ bảo đảm kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu", báo cáo trên nêu rõ.
Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ lúa gạo trong nước: Khoảng 29,5 triệu tấn thóc, trong đó tiêu thụ của người dân là 13,8 triệu tấn thóc; Phục vụ chế biến: 7,5 triệu tấn thóc; Phục vụ chăn nuôi: 3,4 triệu tấn thóc; Dùng làm giống, giống dự phòng: 1,0 triệu tấn thóc; Dự trữ trong nước: 3,8 triệu tấn thóc.
Theo Bộ NN&PTNT, căn cứ vào nhu cầu sản lượng thóc dành cho bảo đảm an ninh lương thực, và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác năm 2021 cả nước là: 23,78 triệu tấn thóc bao gồm lượng gạo lương thực, làm giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến, dự trữ, tồn kho, hao hụt, việc dự tính cân đối nhu cầu tiêu dùng trong nước năm 2023 là khoảng 29,5 triệu tấn thóc có hệ số an toàn rất cao.
Về xuất khẩu, lượng gạo xuất khẩu năm 2023 ước trên 7,0 triệu tấn (tương đương khoảng 14 triệu tấn thóc).
Thy Lê