Đây là một số điểm mới được Bộ Công Thương bổ sung tại dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017 về cơ cấu điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Theo kế hoạch, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ quyết định trong quý III năm nay. Nếu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý IV năm nay thì muộn nhất là quý IV/2024, quyết định này sẽ có hiệu lực.
Hết cảnh chỉ tăng mà không giảm
Giải thích thêm về các đề xuất mới, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Trưởng phòng Giá điện và Phí (Cục Điều tiết điện lực – Bộ Công Thương) cho biết, việc quy định chu kỳ điều chỉnh dài có thể dẫn tới trường hợp giá điện tăng đột biến trong 1 lần điều chỉnh, gây ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô cũng như sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và việc nghiên cứu điều chỉnh giá điện có lộ trình, tránh giật cục, Bộ Công Thương đề xuất chu kỳ điều chỉnh giá là 3 tháng thay vì 6 tháng như quy định hiện hành.
Hơn 10 năm qua, giá điện chỉ được điều chỉnh tăng mà không giảm. |
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề xuất đảm bảo mức độ tự quyết của EVN trong khung giá do Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đối với mức tăng từ 3 - 5% và đảm bảo có sự rà soát, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tăng từ 5% trở lên. Đặc biệt, khi giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với hiện hành, EVN phải điều chỉnh giảm giá điện.
Khảo sát từ năm 2009 đến nay, giá điện đã trải qua 11 lần đều tăng mà không có giảm. Vì vậy, việc có quy định rõ về giảm giá điện được kỳ vọng sẽ chấm dứt thời kỳ giá điện chỉ có tăng mà không giảm.
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận, đúng là trong thời gian qua, giá điện không bao giờ giảm cả. Với quy định trên, nếu vào mùa nước lũ, thủy điện phát được nhiều với giá thành rẻ, cộng với nhiệt điện than giảm giá thành sản xuất, thì hoàn toàn có thể giảm giá điện, đưa mức giá tiệm cận thị trường.
“Đây là tín hiệu ban đầu khác với hàng chục năm qua khi chưa bao giờ giá điện giảm cả. Đây là dấu hiệu cho thấy giá điện có tăng có giảm, điều chỉnh giống xăng dầu vậy, để doanh nghiệp, hộ gia đình quen tâm lý giá có tăng – có giảm và có tinh thần tiết kiệm chi tiêu”, ông Lâm kỳ vọng.
Trong khi đó, PGS. TS. Trần Văn Bình, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho rằng điều chỉnh 3 tháng thay vì 6 tháng hoặc điều chỉnh giá điện giảm ngay khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với hiện hành... về lý thuyết sẽ đưa thị trường điện bước "một chân" vào cơ chế cạnh tranh.
Như vậy, vào mùa nước lũ, thủy điện nhiều nước, giá bán lẻ điện bình quân sẽ giảm, từ đó EVN phải giảm giá bán điện cho cho hộ tiêu dùng, doanh nghiệp. Ngược lại, khi giá tăng, EVN sẽ tăng. “Nếu vận hành đúng, thị trường điện sẽ đi đúng hướng, không có chuyện EVN than lỗ như thời gian qua nữa”, ông Bình chia sẻ.
Lo khâu thực thi
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng băn khoăn trước câu hỏi, liệu quy định này có thực hiện được không, bởi từ năm 2017, đến nay, giá điện bình quân đang áp dụng theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định giá bán điện bình quân xem xét 6 tháng điều chỉnh một lần. Tuy nhiên, trong vòng 7 năm (2017-2023), giá điện bình quân mới trải qua 3 lần điều chỉnh tăng.
Bộ Công Thương về điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần, trong trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với hiện hành, EVN phải có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng. |
Điều này cho thấy dù Quyết định 24/2017 quy định 06 tháng điều chỉnh giá điện một lần kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, song chưa khi nào thực hiện được theo đúng quy định.
Ở góc độ doanh nghiệp phát điện, ông Lê Trường Thủy, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Thủy điện Mai Châu (Hòa Bình) nhìn nhận, việc thay đổi thời gian điều chỉnh giá từ 6 tháng rút xuống 3 tháng có thể không giải quyết được vấn đề giá điện bán lẻ bình quân thấp hoặc cao hơn chi phí đầu vào. Theo đó, quy định thời gian điều chỉnh cần linh hoạt theo thời điểm, mùa và khả năng tiêu thụ điện hoặc theo phụ tải, không nên nhất thiết theo thời gian thực dễ khiến méo mó điều hành.
Giải thích thêm, ông Thủy cho hay, giá xăng dầu lúc lên lúc xuống bởi có cơ chế thị trường. Đối với điện, nếu áp dụng cơ chế thị trường vào cũng có thể được, song điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 3 tháng/lần chưa hợp lý bởi vì cần căn cứ đầu vào cho điện. Nếu mưa nhiều, thủy điện nhiều nước thì giá điện phải rẻ; còn nắng nhiều, nhiệt điện phải phát liên tục, giá điện bán lẻ cần tăng cao hơn để bù đắp chi phí.
Về vì sao ngành điện không thể điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân trong 6 tháng như Quyết định 24 đang áp dụng, PGS. TS. Trần Văn Bình phân tích, thực tế điều hành giá điện không phải do lỗi ở chính sách, hay Quyết định 24/2017 mà do cách điều hành giá điện hiện nay không tuân thủ đúng với nguyên tắc thị trường. Tại sao 6 tháng không xem xét điều chỉnh giá điện bán lẻ được là bởi nếu giá điện tăng sẽ tác động tới ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ số lạm phát.
Theo PGS. TS Bình, giải quyết vấn đề của ngành điện không phải điều chỉnh những chính sách như sửa đổi Quyết định 24 mà phải xuất phát từ quan điểm với ngành điện, với tư cách là phải đi trước, phải ưu tiên tôn trọng tính thị trường. Theo đó, khâu phát điện, mua điện đã có thị trường cạnh tranh, đa dạng nguồn điện và đa dạng nhà cung cấp, nhưng thị trường bán lẻ điện đến hộ tiêu dùng vẫn do Nhà nước định giá. Do vậy, cần tháo bỏ vấn đề này để ngành điện không phát triển lệch lạc.
“Chúng ta không giải quyết vấn đề mua bán điện theo nguyên tắc thị trường, tôn trọng các quy luật về giá và cạnh tranh, thị trường điện sẽ lâm vào nguy cơ khủng hoảng và đe dọa an ninh năng lượng của đất nước”, ông Bình cảnh báo.
Ông Trần Tuệ Quang Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Hệ thống pháp luật lĩnh vực về giá điện cơ bản đã hoàn thiện, đồng bộ, thống nhất và khả thi, song đến nay còn một số điểm cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Bộ Công Thương cũng cho rằng cần thiết quy định chính sách giá điện theo cơ chế thị trường và hoạt động mua bán điện đảm bảo theo định hướng, thực hiện các mục tiêu như: Giá điện theo cơ chế thị trường, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng và hiệu quả, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý và điều hành giá điện thông qua hoạt động mua bán điện. GS.Trần Đình Long Hội Điện lực Việt Nam Việc giá bán điện được xây dựng theo cơ chế thị trường là cần thiết. Tuy nhiên, EVN phải tính toán đầy đủ yếu tố đầu vào từ đó tạo ra giá phát điện, truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ bao nhiêu. Nếu tính đủ mà cần thiết thấy rằng phải tăng giá thì tự điều chỉnh trong phạm vi cho phép hoặc xin phép cơ quan quản lý nếu vượt con số quy định. Ngược lại, nếu chi phí đầu vào giảm, điều kiện thời tiết thuận lợi, thủy điện phát được nhiều điện, thì giá điện cũng cần được điều chỉnh giảm. Tuy vậy, những năm qua, giá điện gần như chỉ có tăng mà rất ít khi giảm. Do đó, dẫn tới tình cảnh bên bán cứ muốn tăng, còn người tiêu dùng thì muốn giảm. PGS.TS. Bùi Xuân Hồi Hiệu trưởng trường Cao Đẳng điện lực miền Bắc Giá đầu vào đã từng bước theo thị trường nhưng giá đầu ra lại điều tiết quá chặt chẽ, không theo tín hiệu của thị trường là bất cập lớn nhất hiện nay về mặt pháp lý liên quan đến quản lý nhà nước đối với ngành điện. Chúng ta không thể mãi hô khẩu hiệu là phải làm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, phá bỏ thế độc quyền của EVN nhưng các điều kiện tiên quyết lại không thể thực hiện. Việc cải tiến phương pháp lập và cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân cũng như minh bạch các thông tin đầu vào, kết quả đầu ra là rất cần thiết hướng đến việc điều chỉnh giá điện một cách kịp thời, phù hợp, phản ánh sát thực với chi phí phát sinh, biến động trên thị trường, đồng thời hạn chế các rủi ro, bức xúc của dư luận trong việc ra các quyết định điều chỉnh giá điện. |
Nhật Linh