Đây là một số điểm mới được Bộ Công Thương bổ sung tại dự thảo sửa đổi Quyết định 24/2017 về cơ cấu điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Ngoài ra, dự thảo cũng điều chỉnh về biên độ điều chỉnh tăng/giảm được quy định rõ ràng hơn và rút ngắn thời gian điều chỉnh.
Bộ Công Thương đề xuất thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 3 tháng, thay vì 6 tháng như hiện nay. |
Hiện, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,37 đồng/kWh, áp dụng từ 4/5/2023, đây là căn cứ để tính toán giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp.
Tại dự thảo sửa đổi, Bộ Công Thương cho biết nguyên tắc điều chỉnh giá là khi kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá bán lẻ bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào ở tất cả các khâu. Trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, EVN sẽ tính toán giá bán điện bình quân.
Trong trường hợp giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN sẽ có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng. Để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN được điều chỉnh tăng giá ở mức tương ứng. Sau khi tăng giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.
Nếu giá điện tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá hiện hành và trong khung giá, EVN sẽ báo cáo, được Bộ Công thương chấp thuận thì sẽ tăng giá.
Với mức tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 10% trở lên so với mức hiện hành hoặc ngoài khung giá, ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.
Cũng theo dự thảo lấy ý kiến, thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 3 tháng, thay vì 6 tháng như hiện nay.
Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra các quy định kiểm tra, giám sát các chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN chặt chẽ hơn, như chi phí thực tế ở các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ và điều hành; các chi phí khác; kết quả kinh doanh lỗ, lãi của EVN; chi phí chưa được tính vào giá điện, chưa được tính vào giá thành.
Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan sẽ kiểm tra việc điều chỉnh tăng, giảm giá điện. Nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán, EVN sẽ phải dừng hoặc điều chỉnh lại giá bán.
Chia sẻ với VnBusiness, GS.Trần Đình Long, Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, việc giá bán điện được xây dựng theo cơ chế thị trường là cần thiết. Tuy nhiên, EVN phải tính toán đầy đủ yếu tố đầu vào từ đó tạo ra giá phát điện, truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ bao nhiêu. Nếu tính đủ mà cần thiết thấy rằng phải tăng giá thì tự điều chỉnh trong phạm vi cho phép hoặc xin phép cơ quan quản lý nếu vượt con số quy định.
Ngược lại, nếu chi phí đầu vào giảm, điều kiện thời tiết thuận lợi, thủy điện phát được nhiều điện, thì giá điện cũng cần được điều chỉnh giảm. Tuy vậy, những năm qua, giá điện gần như chỉ có tăng mà rất ít khi giảm. Do đó, dẫn tới tình cảnh bên bán cứ muốn tăng, còn người tiêu dùng thì muốn giảm.
Theo ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cần thiết quy định chính sách giá điện theo cơ chế thị trường và hoạt động mua bán điện đảm bảo sự phát triển của thị trường điện.
Theo đó, đại diện Bộ Công Thương đề nghị cần ban hành nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện với thẩm quyền thuộc Chính phủ và đơn vị điện lực; bổ sung chính sách giá điện theo vùng miền, phản ánh chi phí bán lẻ điện cho nhóm khách hàng.
Thy Lê