Trong đề xuất phương án giá bán lẻ điện mới đây, Bộ Công Thương rút số bậc thang giá điện sinh hoạt từ 6 như hiện nay xuống còn 5 và theo phân tích, việc rút số bậc thang giá điện sẽ có lợi hơn đối với một số nhóm người dùng điện.
Dùng càng nhiều thì giá điện càng đắt
Gia đình chị Phạm La Lam (Quỳnh Lưu - Nghệ An) cho biết, trung bình mỗi tháng, gia đình chị dùng điện khoảng 350kWh. Nếu tính theo biểu giá hiện hành, số tiền phải trả mỗi tháng là 790.250 đồng (chưa bao gồm thuế VAT); tuy nhiên nếu biểu giá 5 bậc thang được áp dụng, số tiền phải trả giảm xuống 772.000 đồng, tiết kiệm được 18.250 đồng.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến nhân dân về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trong đó đề xuất biểu giá điện sinh hoạt với 5 bậc thang. |
Gia đình chị Lam nằm trong số hơn 97,8% số hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh/tháng. Bộ Công Thương cho biết, sẽ có hộ có tiền điện hàng tháng không tăng hoặc giảm nếu áp dụng cách tính 5 bậc.
Ngược lại, tiền điện của 0,6 triệu hộ dùng từ 701 kWh trở lên (chiếm 2,2% hộ dùng điện cả nước) sẽ tăng để bù cho mức giảm của các hộ dùng điện ít.
Cụ thể, gia đình chị Mai Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) mỗi tháng dùng khoảng 820 kWh, nếu tính theo biểu giá 6 bậc hiện nay, chị phải thanh toán hóa đơn điện 2.202.000 đồng/tháng (chưa bao gồm thuế VAT), nhưng nếu tính theo biểu giá 5 bậc, chị phải trả lên 2.250.000 đồng/tháng, tăng hơn 48.000 đồng/tháng.
Do vậy, nhìn dưới góc độ bù chéo giá điện, một chuyên gia trong ngành năng lượng bình luận, việc người dùng nhiều điện phải bù cho người dùng ít đang không đúng theo quy luật thị trường.
“Thực tế, không có chuyện khách hàng đã dùng nhiều (phải trả tiền nhiều), lại còn phải chịu giá điện ở bậc cao (lên tới 3.457 đồng/kWh cho giá điện bậc 5), tức là phải trả tiền nhiều hơn nữa. Không ai có quyền lấy của người này bù cho người khác, nên việc bù chéo là không hợp lệ và ít hiệu quả. Chưa kể có khi việc việc bù chéo lại sinh lợi cho bên bán điện”, chuyên gia này nói.
Vì vậy, vị chuyên gia cho rằng, việc áp dụng giá điện nhiều bậc ở Việt Nam hiện tại là chưa hợp lý. Đồng thời, vấn đề tiết kiệm điện là do phong trào vận động, không phải là kết quả của việc dùng giá điện cao khiến người dân tiết kiệm điện.
Bù chéo giá điện sinh hoạt với sản xuất
Chưa kể, theo một số chuyên gia, với chính sách áp giá lũy tiến vào người dùng điện nhiều có thể sẽ khiến một bộ phận người dân chịu ảnh hưởng gián tiếp. Cụ thể là người đi thuê nhà hiện nay vẫn chịu mức giá điện cố định, từ 3.000 - 4.000 đồng/kWh từ chủ cho thuê trọ, hoặc người có căn hộ, nhà cho thuê. Mức giá này tương ứng với bậc 4 và bậc 5 của biểu giá điện 5 bậc thang đang được đề xuất và trên bậc 6 của biểu giá điện 6 bậc thang hiện hành.
Mặc dù Nhà nước có chính sách cho người thuê nhà lâu dài được quyền đàm phán, mua trực tiếp điện với EVN, song thực tế khó triển khai do vướng mắc. Chính vì vậy, hiện hầu hết người thuê trọ vẫn phải mua điện qua trung gian chủ trọ, người có nhà ở cho thuê.
Do đó, GS. TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích, nếu chủ hộ có hàng chục phòng trọ cho thuê, tiêu thụ điện từ 1.000 - 2.500 kWh/tháng sẽ chịu chi phí lớn do mức giá điện bậc thang tăng luỹ tiến, điều này vô hình trung lại tác động trực tiếp tiêu cực đến người đi thuê nhà, người nghèo ở các đô thị như Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố lớn. Hiện nay, bộ phận người dân thuê nhà rất lớn, trong đó phần lớn người thuê nhà không được mua điện trực tiếp từ EVN mà phải mua qua chủ nhà, chủ hộ với giá rất đắt.
Chưa kể, tại dự thảo lấy ý kiến về biểu giá bán lẻ điện mới, khối sản xuất, kinh doanh vẫn được tính theo cấp điện áp, khung giờ (thấp điểm, bình thường, cao điểm) và giá điện một thành phần cho điện năng tiêu thụ. Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cách tính này chưa làm giảm tình trạng bù chéo giữa giá điện sinh hoạt và sản xuất hiện nay.
Vấn đề bù chéo giá điện sinh hoạt cho sản xuất đã từng được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra với nhận định như vậy là không hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả còn cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp.
Theo PGS. Trần Văn Bình, Đại học Bách khoa Hà Nội, với nhóm khách hàng ngoài sinh hoạt, việc phân bổ chi phí của ngành điện sẽ theo cấp điện áp, thời gian sử dụng và theo nhóm khách hàng nhằm đảm bảo chi phí giá thành cho ngành điện. Tuy nhiên, cách định giá này sẽ làm tình trạng bù chéo giá điện sinh hoạt với sản xuất vẫn xảy ra. Giá điện cho sản xuất thấp có thể nhằm thu hút FDI nhưng đi kèm là công nghệ thấp, tiêu tốn năng lượng, doanh nghiệp không có động lực đổi mới công nghệ.
Điều này cho thấy, việc xây dựng biểu giá bán lẻ điện là câu chuyện không dễ dàng, trong đó phải phản ánh chi phí, biến động chi phí sản xuất, truyền tải, phân phối điện nhưng cũng cần tạo lập thị trường cạnh tranh về giá bán lẻ điện. Quan trọng là biểu giá bán lẻ điện phải đảm bảo người dân có thu nhập thấp, trung bình thấp không bị ảnh hưởng; đồng thời, mục tiêu là thị trường bán lẻ điện phải xóa độc quyền, để khi đó người tiêu dùng được lựa chọn đơn vị bán điện tốt nhất với giá thị trường hợp lý nhất.
Nhật Linh