Mới đây, với việc phát triển sàn thương mại điện tử (TMĐT) livestream - video đầu tiên tại Việt Nam, ông Hàng Minh Lợi, Giám đốc CTCP Okiva, cho biết công nghệ này bám sát người bán và người mua rất nhiều. Đặc biệt là tính năng chốt đơn hàng với một chạm, cũng như dành cho người bán vừa livestream vừa tạo sản phẩm thì việc hỗ trợ bán hàng sẽ rất hiệu quả.
Xu hướng video tương tác
Ngoài việc đảm bảo cho việc mua bán trực tuyến giảm thiểu thao tác khi giới thiệu sản phẩm, chốt đơn hàng và thu thập thông tin người mua, sàn TMĐT này còn kết nối với các mạng xã hội để truyền tải livestream đó cùng lúc, để việc chốt đơn hàng không bị mất từ những khách hàng tiềm năng trên Facebook hay Youtube.
Trước khi phát triển công nghệ bán hàng mới, ông Lợi cho biết đã bỏ ra khoảng thời gian 6 - 8 tháng để tìm hiểu rất kỹ thị trường Việt Nam, nhất là thị trường tiêu dùng của giới trẻ vốn rất thích tương tác và xem video trực tuyến. Vì vậy, việc bán hàng trong tương lai qua nền tảng video sẽ rất nhiều.
“Nắm được xu thế đó nên chúng tôi quyết định phát triển nền tảng livestream và video bán hàng để giúp cho người tiêu dùng trẻ mua hàng một cách tiện lợi nhất, đảm bảo cho việc mua bán được hiệu quả thông qua kênh bán hàng trực tuyến liền mạch và ổn định”, vị giám đốc này chia sẻ.
Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay ở nhiều ngành hàng, việc ứng dụng mạnh mẽ nền tảng công nghệ vào hoạt động bán hàng là xu hướng tất yếu và không thể bỏ qua, đặc biệt là trên kênh bán hàng trực tuyến (online) cũng như ngoại tuyến (offline).
Nhấn mạnh đến việc tập trung và giải quyết bài toán cụ thể là truyền thông khách hàng, ông Rayees Wani, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của MFMS (một công ty công nghệ và dịch vụ tương tác khách hàng của Nga) cho biết trong thời đại số ngày nay, việc giao tiếp, truyền thông với khách hàng có thể diễn ra rất đa dạng với nhiều loại nội dung khác nhau như marketing giới thiệu sản phẩm, chăm sóc khách hàng, gửi các thông tin…
“Đặc biệt, với sự phát triển của nền tảng công nghệ, việc giao tiếp này có thể diễn ra trên rất nhiều kênh trong và kênh ngoài khác nhau như qua tổng đài, email, website, tin nhắn, Zalo, Viber, Whatsapp…”, ông Rayees nói.
Vấn đề đặt ra là làm sao để có thể quản lý các kênh bán hàng theo công nghệ mới một cách thống nhất và hiệu quả nhằm đảm bảo trải nghiệm đồng nhất, nhất quán, không gây phiền phức và tạo sự hài lòng của khách hàng.
Phác hoạ bức tranh về thói quen tiêu dùng thời số hóa và dự báo sự thay đổi của hành vi tiêu dùng trong tương lai với những kết quả khảo sát giá trị ở Việt Nam, ông Phạm Minh Tùng, Trưởng nhóm nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, nhận định các xu hướng công nghệ đang thu hút sự chú ý trên thị trường như IoT, Robotics hay 5G đang định hình lại thị trường và tạo ra một thế hệ người tiêu dùng mới. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) cũng phải thích ứng với công nghệ bán hàng mới.
![]() |
Nhiều công nghệ bán hàng mới buộc DN Việt không thể đứng ngoài cuộc đua |
Không thể đứng ngoài cuộc đua
Nhấn mạnh một trải nghiệm vô cùng mới và thú vị trong việc tạo ra trải nghiệm khách hàng trên nền tảng video tương tác, ông Jeetendra Kumar, Giám đốc điều hành của Pitney Bowes khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khẳng định trải nghiệm khách hàng là một trong những nội dung mà các DN luôn phải cải tiến liên tục để đảm bảo sự cạnh tranh và thu hút khách hàng.
Chính vì vậy, theo ông Jeetendra, DN luôn phải tìm kiếm những phương pháp mới, phương tiện mới để có thể đáp ứng được nhu cầu thay đổi và tiến hóa liên tục của thị trường.
Liên hệ đến hoạt động kinh doanh bán hàng của các DN Việt Nam trong thời đại số hiện nay, giới chuyên gia quốc tế lưu ý DN “không thể đứng bên ngoài cuộc đua này” nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Tuy vậy, việc ứng dụng nền tảng công nghệ mới như thế nào để đem lại hiệu quả cao nhất luôn là một câu hỏi hóc búa cho nhiều DN Việt.
Có thể thấy, ở Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ trong bán hàng không chỉ dừng lại trong các hoạt động khách hàng cá nhân mà có dấu hiệu đã lan sang mạnh mẽ đến các khối dịch vụ khác trong nhiều ngành hàng.
Ông Nguyễn Hoàng Ly, Chủ tịch CTCP Fintek, lưu ý việc các DN cần có sự đào tạo đội ngũ nội bộ để thích nghi cũng như tạo ra những sản phẩm mới phù hợp nhu cầu của các khách hàng thế hệ mới.
Nhu cầu chuyển giao các công nghệ bán hàng mới từ nước ngoài để giúp Việt Nam đón đầu công nghệ mới trên thế giới là tất yếu. Tuy vậy, các công nghệ quốc tế này cần được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu và quy trình vận hành trong thị trường Việt Nam thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu.
Trở lại câu chuyện sàn TMĐT livestream - video ở Việt Nam, ông Hàng Minh Lợi bày tỏ mong muốn sẽ hỗ trợ nhiều cửa hàng cũng như các cá nhân bán hàng chuyên nghiệp hơn, bởi bán hàng livestream là cả một nghệ thuật mà không phải bất cứ ai cũng có thể làm được.
Cần nhìn nhận thêm, bên cạnh việc đem lại sự tiện lợi cho khách hàng thì bản thân DN ứng dụng công nghệ bán hàng mới cũng tăng thêm giá trị của mình trong mắt giới đầu tư. Như trường hợp của Okiva mới đây đã được Vietnam Silicon Valley (VSV) quyết định đầu tư góp vốn, với kỳ vọng bước đầu sàn TMĐT non trẻ này được định giá 1 triệu USD.
Thế Vinh