Thống kê từ Cục Công nghiệp cho thấy, Việt Nam có gần 2.000 doanh nghiệp (DN) sản xuất phụ tùng, linh kiện nhưng chỉ khoảng 300 DN tham gia mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Rõ ràng đây là con số rất khiêm tốn.
Tìm nhà cung ứng như tìm 'kim cương'
Tham gia hội thảo kết nối DN công nghiệp ô tô, điện tử, cơ khí năm 2020 do Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương tổ chức ngày 25/11, ông Mai Anh Hiền, Phó Trưởng Ban mua hàng của Toyota Việt Nam, chia sẻ khi quyết định nội địa hóa một chi tiết, DN đều phải so sánh chi phí sản xuất trong nước với việc nhập khẩu.
Tiềm năng thị trường ô tô Việt Nam tương đối lớn nhưng vẫn chưa thực sự phát triển. Trong khi đó, việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do đang trở thành thách thức với quyết định sản xuất và nội địa hóa của DN khi thuế suất nhập khẩu linh kiện, ô tô nguyên chiếc về 0%.
Tăng cường kết nối giữa DN CNHT trong nước với các tập đoàn đa quốc gia. |
"Nhiều khi chúng tôi ví đi tìm nhà cung cấp như đi tìm kim cương. Nhiều DN công nghiệp hỗ trợ trong nước mất 5-10 năm vẫn chưa thể làm nhà cung cấp cho Toyota vì không thể đạt được các tiêu chuẩn tối thiểu nhất", ông Hiền chia sẻ.
Chia sẻ về quá trình phát triển chuỗi cung ứng, đại diện Samsung Việt Nam cho biết nhiều sản phẩm của Samsung hiện đang được sản xuất tại Việt Nam. Từ năm 2014-2019, dù số lượng Vendor cấp 1 của tập đoàn tăng lên nhiều lần. Nhưng đại diện Samsung cũng bày tỏ sự nối tiếc khi công ty có khả năng cung cấp linh kiện chất lượng cao ở Việt Nam vẫn còn quá ít.
Theo báo cáo từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), không thể phủ nhận trong thời gian qua, ngành CNHT Việt Nam có những tiến bộ nhất định, đóng vai trò quan trong trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để đón đầu và nắm bắt cơ hội đó, ngành CNHT Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, theo đó, thực trạng chung của ngành CNHT Việt Nam là quy mô và năng lực cạnh tranh của các DN Việt còn yếu, chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.
Mặt khác, trong thời gian qua, liên kết đầu - cuối trong chuỗi sản xuất vẫn chưa thực sự chặt chẽ. Việt Nam hiện có gần 2.000 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 DN tham gia mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, tỷ lệ nội địa hoá các ngành công nghiệp ô tô, điện tử còn ở mức thấp.
'Nút thắt' ở đâu?
Về phía DN CNHT trong nước, ông Bùi Minh Hải, Chủ tịch Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội, chia sẻ để tham gia được vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia là cả một quá trình mà lãnh đạo DN phải thực sự quyết tâm. Nếu vượt qua được những thử thách ban đầu, thì DN bước tới nhiều cơ hội hơn.
Tuy vậy, từ trải nghiệm mà DN Nhựa Hà Nội gặp phải, ông Hải cho biết DN CNHT đang gặp phải khó khăn khi đầu tư máy móc, trang thiết bị. Để sản xuất ra một chiếc ô tô cần khoảng 30.000 chi tiết khác nhau nhưng đòi hỏi độ chính xác cao, trang thiết bị để đo kiểm đắt tiền.
Hơn nữa, vấn đề mà chính bản thân các DN CNHT trong nước gặp phải là phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Ở Việt Nam chưa có nhiều DN đủ khả năng cung cấp nguyên liệu để đáp ứng sản xuất linh, phụ kiện cho ngành công nghiệp ô tô. Đồng thời, sản lượng tiêu thụ thấp trong khi đầu tư về máy, khuôn mẫu quá lớn cũng là thách thức với các DN.
Xét về cạnh tranh, đại diện Nhựa Hà Nội đánh giá, Việt Nam đang nằm trong khu vực mà các nước khá thành công sản xuất về ô tô như Thái Lan, Indonesia, lại đặt trong bối cảnh linh kiện ô tô được nhập khẩu với thuế suất ưu đãi. Dẫn đến, DN sản xuất ra linh kiện rất khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Trong khi đó, ông Mai Anh Hiền, đại diện Toyota Việt Nam, cho biết tập đoàn này cần sự cam kết từ lãnh đạo của các DN CNHT vì đây là động lực để làm tất cả mọi thứ. "Lãnh đạo DN phụ trợ phải hiểu nhu cầu thị trường, coi những yêu cầu từ phía các nhà mua hàng là đòi hỏi bắt buộc để thay đổi cách thức sản xuất, thay vì xem chúng tôi chỉ gây khó dễ".
Bên cạnh đó, đại diện Toyota Việt Nam cũng kiến nghị, trong bối cảnh thuế nhập khẩu ô tô bằng 0%, việc cạnh tranh với xe nhập khẩu càng trở nên khó khăn. Vì vậy, về ngắn hạn Chính phủ nên xem xét hỗ trợ thuế để ưu tiên sản xuất trong nước, gia tăng quy mô thị trường.
Mặt khác, DN cũng phải tuân thủ các quy định về pháp luật, bảo vệ môi trường. "Chúng tôi sẽ trực tiếp xuống nhà máy sản xuất của DN cung ứng xem công nhân ở đó có thoải mái, có điều kiện làm việc tốt nhất không. Đây cũng là một tiêu chuẩn đánh giá", ông Hiền chia sẻ.
Tương tự, đại diện Samsung cho biết, ngoài chất lượng sản phẩm, Samsung còn có đánh giá về môi trường làm việc; điều kiện sản xuất ở công xưởng; đánh giá về quyền lao động; tài chính, mức độ tin cậy của công ty...
"DN CNHT không đáp ứng một trong số các hạng mục thì sẽ không thể trở thành nhà cung ứng linh phụ kiện của chúng tôi", đại diện Samsung chia sẻ.
Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Anh Tuấn, hiện nay nhiều DN CNHT FDI vào Việt Nam được tập đoàn mẹ hoặc Chính phủ của nước họ cho vay ưu đãi, trong khi DN Việt Nam vẫn đang phải vay với lãi suất cao hơn.
"Như vậy là chúng ta thua ngay từ bước đầu tiên rồi. Vì vậy, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bô Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để sớm đưa chính sách cấp bù lãi suất đi vào thực tế, hỗ trợ cho DN CNHT Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh", đại diện Cục Công nghiệp cho biết.
Ông Đỗ Nam Bình Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp Năm 2020 chứng kiến những tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế và các chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự đứt gãy các chuỗi cung ứng đặt ra yêu cầu tái cấu trúc đối với các tập đoàn đa quốc giá theo hướng tăng tỷ lệ nôi địa hóa và phân tán rủi ro. Những thay đổi này đặt ra cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi các DN Việt Nam phải tự chủ và năng động hơn trong việc tìm kiếm cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng mới hình thành. Tuy nhiên, cơ hội không dành cho những người chưa sẵn sàng, do vậy để biến nguy thành cơ, các DN cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo đủ năng lực cạnh tranh với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu. Ông Nguyễn Huy Trung Giám đốc đối ngoại công ty Honda Việt Nam Hiện có khoảng 70% nhà cung cấp phụ tùng xe máy cho Honda có thể chuyển đổi sang cung cấp phụ tùng về ô tô. Tuy nhiên, để có thể cung cấp được phụ tùng, trở thành vệ tinh của tập đoàn không đơn giản. Phụ kiện cung cấp cho ô tô đòi hỏi chất lượng cao. Vì vậy, nhà cung cấp phụ tùng phải đảm bảo chất lượng, lợi thế cạnh tranh về giá, thời gian giao hàng. Đây là lộ trình tương đối dài. Ông Chu Trọng Thành Giám đốc kinh doanh công ty TNHH Cao su Giải Phóng DN đặt ra chiến lược đẩy mạnh phát triển thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của ngành hàng thiết bị gia dụng, ô tô, điện tử trong thời gian tới. Vì vậy, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về đào tạo nhân lực, thông tin về nhà mua hàng, từ đó DN cải tiến để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới. |
Lê Thúy