Bài 2: Tại sao doanh nghiệp Việt không phát triển những thứ khó hơn? |
Diễn biến tiếp câu chuyện phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam mà Thời báo Kinh Doanh phản ánh trong bài trước: "Đi sau phải giỏi hơn mới chen vào được chuỗi cung ứng toàn cầu". Trong suy nghĩ của các tập đoàn đa quốc gia họ luôn đặt câu hỏi: Tại sao doanh nghiệp (DN) Việt không phát triển những thứ khó hơn thay vì chỉ làm những thứ đơn giản như nhựa, bao bì, đóng gói, in ấn...?
Vì sao FDI vào được mà DN Việt thì không?
Bà Đào Thị Thu Huyền, Quản lý cấp cao Canon Việt Nam cho biết, hiện nay đang có 340 DN toàn cầu cung cấp số lượng linh phụ kiện cho sản xuất máy in của Canon, trong đó có 147 nhà cung cấp của Việt Nam. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 20 nhà cung cấp là DN thuần Việt Nam.
Để trở thành nhà cung ứng của Samsung, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phải đáp ứng nhiều yêu cầu |
Bà nói: "Rất đáng tiếc con số này chưa tăng trong mấy năm nay, tỷ lệ nội địa hoá của Canon đạt 65%, tuy nhiên lại rơi nhiều vào DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cũng như sản xuất nội chế trong công ty chúng tôi".
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng hỗ trợ chiến lược, Tổ hợp Samsung Việt Nam, cho biết, họ có 679 DN đang cung ứng linh phụ kiện. Nhiều DN Việt Nam hiện nay mong muốn được tham gia chuỗi cung ứng của Samsung nhưng có nhiều rào cản vốn, công nghệ...
Ông Tuấn cho biết, rất nhiều công ty Việt Nam nói với Samsung: "Chỉ cần các anh cam kết mua hàng của chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng vay vốn đầu tư công nghệ để đảm bảo đạt được tiêu chuẩn mà Samsung đề ra. Nhưng đây là môi trường mở, chúng ta đang sống trong thế giới phẳng và cạnh tranh bình đẳng. Không có sự phân biệt giữa DN Hàn Quốc, DN Nhật Bản hay DN Việt Nam", ông nói.
Bà Hoàng Thu Thuỷ, đại diện Panasonic thì cho rằng, DN này luôn mở ra tất cả cơ hội cho DN FDI lẫn DN trong nước. Cơ hội là chung, điều kiện rõ ràng, vấn đề còn lại là đáp ứng yêu cầu.
Bà Thủy cho biết: Bà nhận thấy rằng sau khi đưa ra yêu cầu, DN FDI tiếp nhận cơ hội một cách tích cực. Họ chứng minh cho chúng tôi thấy được năng lực của họ, đặc biệt trong trường hợp họ chưa đáp ứng được nhưng vẫn sẵn sàng khẳng định giờ chưa làm được nhưng tương lai sẽ làm được.
Ngược lại, đại diện Panasonic cho biết, DN Việt Nam tiếp nhận cơ hội khá thụ động, rụt rè, luôn nghi ngờ vào chính năng lực của mình. "Với chúng tôi, quan trọng ban đầu là thái độ của DN đối với yêu cầu mà chúng tôi đưa ra. Đây được xem là điểm cộng để chọn là đối tác lâu dài", bà Thủy nói.
Thay đổi tư duy để làm ăn lớn
Đại diện Canon Việt Nam, bà Đào Thị Thu Huyền cho biết, hiện tại DN này đang có 59 nhóm linh kiện cần nội địa hoá ở Việt Nam. Vấn đề ở Việt Nam hiện nay là nhà cung cấp chủ yếu tập trung vào linh kiện nhựa, bao bì đóng gói, in ấn,... Trong khi sản xuất ra một chiếc máy in, Cannon cần tới hơn 300 - 400 linh kiện với nhiều chủng loại khác nhau.
"Làm linh kiện nhựa có thể dễ nên nhiều người làm. Nhưng tại sao DN Việt Nam không phát triển những cái khó hơn, những cái mà chưa có nhiều người làm được. Trong 59 nhóm linh phụ kiện mà chúng tôi cần có những loại linh kiện còn rất nhiều sân, rất nhiều cơ hội... ", bà Huyền cho biết.
Theo bà Huyền, sản phẩm của Canon làm ra phải đáp ứng yêu cầu của khách hàng khó tính nhất trên thế giới, sản phẩm phải cạnh tranh được với các hãng khác, vì vậy điều họ cần là linh phụ kiện phải đảm bảo chất lượng. Nhận thức của DN là phải quyết tâm, đồng lòng, liên tục duy trì cải tiến để trở thành bạn hàng của Canon trong chuỗi cung ứng.
Đại diện Samsung, ông Nguyễn Anh Tuấn nói rõ hơn về những yêu cầu với các DN CNHT Việt Nam. Ông cho biết, hàng năm, DN này sản xuất tới 180 triệu chiếc điện thoại. Samsung yêu cầu linh kiện điện thoại phải tinh vi, thay đổi 6 tháng 1 lần. Điều này đòi hỏi DN Việt Nam phải luôn đổi mới mình, cải tiến dây chuyền mẫu mã. Tuy nhiên, dường như Samsung nhận thấy thực trạng ở Việt Nam là DN có tiền lại thích đầu tư bất động sản, dịch vụ hơn là làm sản xuất.
Bên cạnh chất lượng để trở thành nhà cung cấp cho Samsung còn rất nhiều vấn đề khác. Đó là yêu cầu DN đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển - được xem là tiêu chí để lựa chọn nhà cung ứng của tập đoàn này. Cùng một con ốc, ngày hôm nay, DN bán 1 đồng, sang năm sau con ốc đó chỉ nên bán 0,8 đồng hoặc thấp hơn. Hoặc bán con ốc với chất lượng tốt hơn nhưng bằng giá. Đó là yêu cầu và nếu như không có nghiên cứu phát triển thì không bao giờ làm được việc đó.
Bên cạnh đó, những tiêu chí như tuân thủ pháp luật, bảo vệ môi trường, quản lý rủi ro tín dụng cũng được đại diện Samsung nhắc tới. Cụ thể về tuân thủ pháp luật, Samsung quan tâm tới việc DN Việt có chậm trả lương cho người lao động 3-6 tháng không bởi nếu điều này xảy ra, nguy cơ người lao động có thể đình công sẽ làm gián đoạn nguồn cung ứng của Samsung và Samsung buộc phải tìm giải pháp khác.
Bảo vệ môi trường cũng là một trong những vấn đề Samsung đặt lên hàng đầu với nhà cung ứng. Nếu như có sai phạm về môi trường, ví dụ như vấn đề xử lý rác thải, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến danh tiếng của Samsung.
Hay quản lý rủi ro tín dụng, đại diện Samsung cho hay, có nhiều DN Việt đôi khi quá tự tin, khẳng định chắc chắn là sẽ hợp tác với Samsung và đầu tư dây chuyền, đáng lẽ 2 tỷ thì đầu tư 5 tỷ, rồi gặp bất chắc khách quan dẫn đến đơn hàng sụt giảm, DN lao đao.
Ngoài những tiêu chí trên, ông Tuấn cho hay, Samsung có hàng nghìn tiêu chí khác nhau. Các tiêu chí này không chỉ được đánh giá bởi Samsung Việt Nam mà bộ phận quản lý nhà cung cấp sẽ chịu trách nhiệm thu thập thông tin, nhập lên hệ thống và người ra quyết định sẽ là tập đoàn Samsung toàn cầu.
Tuy nhiên, một khi đã tham gia được chuỗi cung ứng của Samsung Việt Nam, các nhà cung ứng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội cung ứng linh kiện cho tất cả các nhà máy của Samsung khác trên toàn cầu. Do vậy, đại diện Samsung khuyến khích DN Việt Nam thay đổi tư duy hơn nữa nếu muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Hơn nữa, tham gia cung cấp linh kiện điện tử đừng nghĩ tới mỗi Samsung mà còn rất nhiều tập đoàn khác", ông Tuấn nhấn mạnh.
Lê Thúy