Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử đang trở thành xu hướng kinh doanh trên toàn cầu. Năm 2023, lĩnh vực này tại Việt Nam tăng 25% so với 2022. Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, việc nở rộ kinh doanh online, livestream bán hàng cũng khiến việc quản lý hàng giả, nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội... khó khăn. Đặc biệt, vấn đề thu thuế là bài toán thách thức với cơ quan quản lý.
Lo hàng giả, thất thu thuế
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP HCM), cho rằng, thương mại điện tử thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam, nhưng hoạt động này bị các đối tượng lợi dụng để lừa đảo, kinh doanh hàng cấm, hàng giả.
Ngành Tài chính và Công Thương khẳng định sẽ triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh thu thuế bán hàng online. |
Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, khó lường về quy mô, địa bàn hoạt động. Chưa kể, thương mại điện tử trên mạng xã hội phức tạp. "Vậy, Bộ Công Thương có giải pháp nào để phát triển thương mại điện tử lành mạnh, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và việc thu thuế trên thương mại điện tử, mạng xã hội thực hiện ra sao", vị Đại biểu nêu câu hỏi.
Theo đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang), các hoạt động xuất, nhập khẩu qua thương mại điện tử đang phát triển và Bộ Công Thương được giao xây dựng chính sách quản lý các giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử đối với hàng xuất, nhập khẩu.
Đại biểu Lam đề nghị Bộ trưởng cho biết các chính sách ban hành thời gian qua và trước khi ban hành chính sách đó, việc quản lý các doanh nghiệp trong thương mại điện tử đối với hàng xuất nhập khẩu được thực hiện như thế nào?
Đáng chú ý, chất vấn Bộ trưởng Công Thương, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đặt câu hỏi thời gian qua có hiện tượng livestream bán hàng trên mạng xã hội, doanh thu cả trăm tỷ đồng mỗi ngày. Đề nghị Bộ trưởng Diên cho biết thông tin này đúng hay không? Nếu đúng, đề nghị Bộ trưởng cho biết quản lý hình thức thương mại điện tử như thế nào?
Hơn nữa, Đại biểu Nghĩa nêu thực tế giá bán ở các phiên livestream thường thấp hơn giá đại lý rất nhiều, gây bất ổn thị trường. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nhận định vấn đề này và cách xử lý; cũng như có thể học hỏi kinh nghiệm nào trên thế giới để giải quyết triệt để.
Đẩy mạnh đồng bộ thu thuế sàn thương mại điện tử
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Diên cho hay để kiểm soát hàng nước ngoài ồ ạt thống lĩnh thị trường, Bộ Công Thương đã khuyến nghị các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Đẩy mạnh triển khai cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt; thanh kiểm tra hàng giả, hàng kém chất lượng…
Tuy vậy, Bộ trưởng Diên không đề cập rõ doanh thu trăm tỷ ở trên là "ảo hay thật". Vì vậy, đại biểu Nghĩa tiếp tục xin tranh luận.
Đại biểu Nghĩa chất vấn: "Tôi đề nghị Bộ trưởng trả lời thẳng vào câu hỏi là các livestream vừa rồi Bộ biết không, thật hay ảo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như thế nào?".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sau đó vẫn không trả lời thẳng vào câu hỏi mà cho rằng "cần phối kết hợp với lực lượng chức năng, tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân".
Đại biểu Nghĩa cũng cho rằng, giải pháp của Bộ Công Thương là quản lý các sàn thương mại điện tử thì rất dễ vì đã có định danh. "Nhưng các cá nhân bán hàng mới là vấn đề đáng lo, họ livestream bán hàng doanh thu cả trăm tỷ đồng mỗi ngày là vấn đề rất lớn. Nếu như đi theo giải pháp là xóa các trang như Bộ trưởng trình bày thì cũng không giải quyết được vì lập lại trang mới rất dễ", ông nói.
Đại biểu này cũng nói rằng cứ đuổi theo như vậy khó giải quyết dứt điểm vấn đề này. "Cảm giác nếu không đi đúng hướng thì cơ quan quản lý rất vất vả, cứ đuổi theo như một ma trận, trong khi người tiêu dùng thì lãnh đủ, thuế thì thất thu", Đại biểu Nghĩa nêu quan điểm.
Đối với quản lý thuế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin, giao dịch qua thương mại điện tử có số tiền rất lớn, doanh số lên tới gần 21 tỷ USD. Vì vậy, việc nộp thuế trong lĩnh vực này năm 2023 là gần 100.000 tỷ đồng, tăng gần 16,1% so với 2022. Tuy nhiên, còn thất thu thuế trong lĩnh vực này.
Theo quy định, hàng hóa nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng sẽ không phải chịu thuế VAT. Trong khi theo khảo sát của Bộ Công Thương, 4 sàn thương mại điện tử lớn đang hoạt động tại Việt Nam, mỗi năm khoảng 1 tỷ USD hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ qua đây. Có lượng thuế thất thoát nếu không điều chỉnh chính sách.
Ông Diên dẫn quy định, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì quản lý trong lĩnh vực thuế, nên Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với ngành thuế, Bộ Tài chính chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website, gần 300 ứng dụng sàn thương mại điện tử để rà soát, tăng cường quản lý thuế.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong áp dụng định danh điện tử cho người bán trên sàn giao dịch để tăng hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế. Tích cực thanh kiểm tra, xử lý vi phạm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân hoạt động trên thương mại điện tử không kê khai thuế.
“Chia lửa” với tư lệnh ngành Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thông tin thêm về việc thu thuế và quản lý sàn thương mại điện tử, bán hàng qua mạng. Năm 2022 đã thu được 83.000 tỷ đồng, năm 2023 là 97.000 tỷ đồng và 5 tháng đầu năm nay đã thu được là 50.000 tỷ đồng.
Đặc biệt đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài, tập đoàn công nghệ nước ngoài như Facebook, Google, Microsoft, Tik Tok… thực hiện đăng ký và nộp thuế trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Các đơn vị này đã nộp được 15.600 tỷ đồng về thuế thương mại điện tử.
Sắp tới, lãnh đạo Bộ Tài chính cam kết sẽ đẩy mạnh đồng bộ thu thuế sàn thương mại điện tử, giao dịch ở môi trường điện tử, trọng tâm tại Hà Nội và TP.HCM. Ngành thuế cũng có công văn tới các tỉnh chỉ đạo cơ quan thuế thực hiện thu thuế trên sàn thương mại điện tử, đảm bảo thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.
Nhật Linh