Đó là nội dung được nêu trong Quyết định 603/QĐ-EVN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đối với cán bộ thuộc diện EVN quản lý.
Ông Nguyễn Đức Ninh (bên phải) trong lễ công bố quyết định bổ nhiệm năm 2020 (Ảnh: EVN). |
Quyết định tạm đình chỉ công tác với ông Nguyễn Đức Ninh để phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành trong công tác quản lý và điều hành cung cấp điện có hiệu lực từ ngày 14/6.
Hiện, EVN từ chối bình luận về quyết định tạm đình chỉ trên có hay không liên quan đến sai phạm của cá nhân ông Ninh hoặc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia trong hoạt động cung cấp điện của tập đoàn này trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Đức Ninh được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia vào ngày 24/2/2020.
Ông Ninh sinh năm 1976, quê quán huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông từng làm Kỹ sư, Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng Phương thức; Phó Giám đốc của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương có Quyết định số 1377/QĐ-BCT ngày 8/6/2023 về việc thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về quản lý và cung ứng điện của EVN và các đơn vị liên quan từ ngày 1/1/2021 đến ngày 1/6/2023. Đoàn thanh tra chuyên ngành gồm lãnh đạo các đơn vị Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Dầu khí và than.
Việc lập Đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của EVN là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 517 ngày 6/6/2023 để tìm đúng nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng giao, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Đoàn thanh tra bắt tay ngay vào công việc kể từ ngày 10/6/2023, làm việc công tâm, khách quan dựa trên quy định của pháp luật và quy định, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, cơ quan chức năng; tình hình và kết quả thực hiện của EVN.
Theo đó, cần làm rõ việc cung ứng, chủ động nhiên liệu cho các nhà máy điện; vận hành hệ thống điện; huy động các nguồn điện (về mặt kỹ thuật), tính công bằng; vấn đề truyền tải điện; thực hiện huy động các nguồn năng lượng tái tạo chuyển tiếp.
“Đoàn thanh tra cần tiến hành khẩn trương, quyết liệt trong thời gian 30 ngày kể cả ngày nghỉ”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo, đồng thời giao Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Vụ trưởng Vụ Pháp chế trực tiếp giám sát đoàn thanh tra để có kết luận chính xác, khách quan. Bộ trưởng phân công Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thay mặt Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo cuộc thanh tra này.
Thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh mối quan tâm của cử tri trước câu hỏi tại sao EVN lỗ triền miên, mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng, liệu đây có phải là vấn đề về năng lực quản lý không? Theo đó, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện.
Đáng chú ý, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đề nghị, cần thanh tra đặc biệt, kiểm toán đặc biệt, điều tra đặc biệt đối với toàn bộ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của EVN trong giai đoạn 10 năm gần đây, đặc biệt là việc thường xuyên báo lỗ trong khi các công ty thành viên báo lãi…
“Vì sao tập đoàn mẹ là EVN thì báo lỗ, nhưng các đơn vị thành viên lại có lãi? Cơ chế độc quyền có dẫn đến nguy cơ lộng hành giá cả, thao túng thị trường điện không?… Đề nghị Chính phủ thành lập đoàn thanh tra đặc biệt để xem xét vấn đề này", đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
Lê Thúy