Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo tình hình hoạt động trong tháng 2/2023. Trong tháng 02/2023, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 20,22 tỷ kWh, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, lũy kế 02 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 38,61 tỷ kWh - giảm 2,2% so với cùng kỳ.
EVN cho biết không đảm bảo cân bằng tài chính vì giá điện giữ nguyên từ 2019 đến nay. |
Tỷ lệ huy động thủy điện đạt 10,57 tỷ kWh, chiếm 27,4%; Nhiệt điện than đạt 16,47 tỷ kWh, chiếm 42,7%; Tua bin khí đạt 4,32 tỷ kWh, chiếm 11,2%; Năng lượng tái tạo đạt 6,45 tỷ kWh, chiếm 16,7% (trong đó điện mặt trời đạt 3,87 tỷ kWh, điện gió đạt 2,4 tỷ kWh); Điện nhập khẩu đạt 735 triệu kWh, chiếm 1,9%....
Về tình hình tài chính, do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao đột biến từ đầu năm 2022, trong khi giá bán lẻ điện vẫn duy trì từ 2019 đến nay làm tình hình tài chính EVN gặp rất nhiều khó khăn, không đảm bảo cân bằng tài chính.
Năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ước lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng và mới đây đã đề xuất tăng giá bán lẻ điện. Bộ Công Thương cho biết đang rà soát và sẽ có lộ trình tăng giá hợp lý. Hiện, giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh, áp dụng từ năm 2019 đến nay.
Từ ngày 3/2 vừa qua, khung giá bán lẻ điện bình quân thay đổi với mức tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh và tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. Khung này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân sẽ áp dụng năm nay.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng giá điện ở con số bao nhiêu cần phải được tính toán rõ ràng, tránh tác động quá lớn tới cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Nhật Linh