Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương với VnBusiness liên quan tới việc tính toán lộ trình điều chỉnh giá điện trong năm 2023.
Hiện, giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh. |
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, áp lực lạm phát năm 2023 sẽ rất lớn. Trong đó, dự báo giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục được điều chỉnh tăng sẽ trở thành áp lực lớn đối với nền kinh tế trong năm nay khi mọi yếu tố giá đã ở giới hạn, buộc phải tăng.
"Đây là những chỉ số đáng ra được điều chỉnh hằng năm theo cơ chế thị trường hoặc hỗ trợ từ Nhà nước chút thôi nhưng vẫn phải để vận hành bình thường. Tuy nhiên, chúng ta giữ giá điện từ năm 2019 cho đến nay không tăng", ông nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Nguyễn Đình Cung, việc kìm giá một mặt hàng nào đó quá lâu thì đến lúc nào đó sẽ không thể giữ được, phải cho tăng và lúc đó sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, tạo sự giật cục, gây cú sốc đối với doanh nghiệp vì chi phí sản xuất bị đội lên quá nhiều.
Theo đó, tăng giá điện là bắt buộc nhưng chuyên gia này nhấn mạnh: "tăng bao nhiêu, thời điểm nào thì phải phù hợp, phải tính để thị trường, doanh nghiệp dự tính nhằm ổn định sản xuất của họ".
Mặt khác, TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất Nhà nước cần có hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm đối tượng bị tổn thương quá lớn bởi sự điều chỉnh tăng giá điện.
Năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ước lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng và mới đây đã đề xuất tăng giá bán lẻ điện. Bộ Công Thương cho biết đang rà soát và sẽ có lộ trình tăng giá hợp lý.
Hiện, giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh, áp dụng từ năm 2019 đến nay.
Từ ngày 3/2 vừa qua, khung giá bán lẻ điện bình quân thay đổi với mức tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh và tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. Khung này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân sẽ áp dụng năm nay.
Lê Thúy