Hôm nay (15/2), Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về vấn đề đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện, lưới điện; tình hình cân đối tài chính của EVN năm 2022-2023 và xây dựng phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023.
Ngành điện đang đối mặt với khó khăn lớn về tài chính. |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có nhiều buổi làm việc, trao đổi để tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của EVN. Tuy nhiên, ngành điện vẫn còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn, đặc biệt về vấn đề tài chính.
Giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng cao do biến động bất thường của thị trường sau đại dịch, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới nói chung và khu vực nói riêng, có những loại nguyên liệu năng lượng tăng đến 200%; trong khi đầu ra là giá điện ở trong nước vẫn giữ ở mức ổn định, chưa được điều chỉnh.
Các chủ đầu tư dự án điện trên thị trường ngày càng đa dạng, gia tăng sự tham gia của khu vực tư nhân. Các dự án lớn về nguồn điện và lưới điện chưa được triển khai do Quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết buổi làm việc tập trung vào 3 vấn đề chính: Tình hình cân đối tài chính năm 2022-2023; Phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023; Khó khăn, vướng mắc lớn trong triển khai các dự án lớn về nguồn điện.
Về các kiến nghị của EVN đối với Bộ Công Thương, Bộ trưởng đã có ý kiến chỉ đạo các cục, vụ thuộc Bộ Công Thương phối hợp với EVN triển khai các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đầu tư xây dựng các dự án điện và thị trường điện, cơ chế bán điện.
Đối với việc xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2023, Bộ trưởng chỉ đạo EVN cần bám sát, tuân thủ quy trình thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Việc điều chỉnh giá điện cần phải được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và đúng quy định.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng chỉ đạo EVN chủ động tham gia đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cơ chế giá điện, thị trường điện tại Luật Điện lực, cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) để đảm bảo giá điện phản ánh đầy đủ yếu tố thị trường, tạo môi trường bình đẳng giữa các bên trong hoạt động điện lực.
Trước đó, trong mộtt báo cáo gửi tới Bộ Công Thương hồi tháng 1, EVN cho biết lỗ sản xuất kinh doanh năm 2022 lên tới 28.876 tỷ đồng. EVN cho rằng năm 2023 nếu giá điện vẫn giữ như hiện hành thì sẽ tiếp tục lỗ 64.941 tỷ đồng. Như vậy, mức lỗ cho cả hai năm lên tới 93.817 tỷ đồng. Tập đoàn này bày tỏ lo ngại đến hết tháng 5/2023, công ty mẹ - EVN sẽ không còn tiền trong tài khoản và đến tháng 6 sẽ thiếu hụt tiền thanh toán.
Trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân - cơ sở tính toán giá bán lẻ điện tới người tiêu dùng đang ở mức 1.864,44 đồng/kWh và giữ từ tháng 3/2019 đến nay, tức gần 4 năm chưa được điều chỉnh.
Thy Lê