Sáng ngày 30/6, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố Sách Trắng EuroCham - ấn bản lần thứ 12.
Doanh nghiệp châu Âu kiến nghị nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19 (Ảnh: Internet) |
Về đề xuất phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch phụ trách về Chính sách (EuroCham), bày tỏ: EuroCham ghi nhận và hoan nghênh những biện pháp hiệu quả Việt Nam đã áp dụng để ứng phó với tác động của dịch Covid-19 lên hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, EuroCham cũng tin rằng nhiều biện pháp lâu dài khác có thể được áp dụng ngay lập tức để hỗ trợ đồng thời cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Jean-Jacques Bouflet, các doanh nghiệp nước ngoài có đóng góp lớn cho GDP của Việt Nam, sức tăng trưởng bền vững và phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước. Các doanh nghiệp đồng hành cùng Việt Nam trong các cơ hội cũng như thách thức, và đang tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong giai đoạn khó thăn này. Các doanh nghiệp này là một phần của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.
"Việt Nam không chỉ cần bảo vệ các doanh nghiệp nội địa mà còn cần hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài, những nhân tố có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế nước nhà - đặc biệt là xuất khẩu - một khi dịch bệnh được kiểm soát và thương mại toàn cầu trở lại bình thường", ông Jean-Jacques Bouflet nhấn mạnh
Điều này cũng đảm bảo tuân thủ cam kết trong các cam kết quốc tế và hiệp định thương mại mà Việt Nam đã là thành viên hoặc sớm đưa vào triển khai trong thời gian tới, bao gồm Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA).
Theo đó, EuroCham đề nghị: Chính phủ cân nhắc ban hành gói cứu trợ hỗ trợ doanh nghiệp để bổ sung nguồn lực cần thiết cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Sự chia sẻ về tài chính từ Chính phủ, dù ở mức độ nào trong phạm vi ngân sách và cân đối với ổn định kinh tế vĩ mô, là rất cần thiết.
Đại dịch Covid-19 đã tác động gần như mọi lĩnh vực, ngành nghề và chỉ có một số ít ngoại lệ, vì vậy điều quan trọng là gói cứu trợ này cần đảm bảo công bằng, không giới hạn cho một nhóm nhỏ các ngành công nghiệp ưu tiên.
Đồng thời, đại diện EuroCham cho rằng, gói cứu trợ nên truyền tải tinh thần động viên doanh nghiệp. Việc mở rộng đối tượng thụ hưởng sẽ giúp lan tỏa sự sẻ chia và tác động đến toàn bộ nền kinh tế.
Nhằm đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp, EuroCham đề xuất, tính toán cụ thể các ngành và đối tượng bị thiệt hại.
Theo đó, EuroCham kiến nghị Chính phủ giảm 50% thuế Thu nhập doanh nghiệp cho năm tài chính 2020 cho tất cả doanh nghiệp trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng. Chính sách hỗ trợ không nên giới hạn chỉ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong các ngành nghề chịu tác động của dịch Covid-19 cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Giảm 50% thuế Thu nhập cá nhân cho toàn bộ người nộp thuế ở Việt Nam trong năm tài chính 2020. Giảm 50% thuế Giá trị gia tăng cho năm tài chính 2020 để kích cầu và tiêu thụ, hỗ trợ nền kinh tế và toàn xã hội phục hồi. Giảm 50% khoản đóng góp bảo hiểm xã hội bắt buộc trong năm 2020 cho tất cả các đối tượng chịu ảnh hưởng.
Ông Jean-Jacques Bouflet cho biết: "Chúng tôi ghi nhận Chính phủ đã cân nhắc các đề xuất thông qua việc ban hành Nghị Quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020, trong đó giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; Giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch (trong Dự thảo ban đầu là 30% cho 6 tháng), cùng các chính sách hỗ trợ khác".
Tuy nhiên, đại diện EuroCham bày tỏ xin giữ nguyên các đề xuất về việc mở rộng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa, cụ thể là các chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng để kích cầu và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Tiếp nối gói cứu trợ này, EuroCham đề nghị Chính phủ có thêm các gói kích thích kinh tế để thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế, bao gồm khu vực tư nhân, hồi phục sau khủng hoảng. Tương tự, phạm vi cứu trợ rộng rãi sẽ góp phần giữ chân lực lượng lao động trên quy mô lớn, và thực tế cũng cho thấy gia tăng số lượng người lao động sẽ góp phần kích cầu kinh tế trong nước.
Những hành động phản hồi nhanh chóng và chủ động hơn cũng như việc triển khai hiệu quả các chính sách được nêu trên sẽ giúp duy trì và thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hơn, cũng như tạo điều kiện tái định vị nền kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn hậu Covid-19.
Lê Thúy