"Tăng giá trị, giảm đầu vào" là khuyến nghị lâu nay của Ngân hàng Thế giới (WB) với ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành hàng nông sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) như hiện nay.
Điều này đã được nhắc lại Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại Tp.HCM ngày 18/6.
Quyết liệt tái cơ cấu
Các chuyên gia WB đã đưa ra đề nghị là vùng ĐBSCL nên giảm diện tích trồng lúa, bù lại cần thúc đẩy sản xuất gạo chất lượng cao và gạo đặc chủng. Đối với phần đất còn lại sẽ dành để trồng các loại nông sản có giá trị cao, thích ứng với BĐKH.
Đồng tình với kiến nghị này, Gs.Ts Võ Tòng Xuân cho rằng cần quyết liệt tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở ĐBSCL theo hướng giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả, chuyển sang các loại cây trồng và sản phẩm nông nghiệp giá trị cao.
Theo ông Xuân, diện tích lúa gạo còn lại tập trung vào các loại có giá trị cao, đặc sản. Đồng thời, chính sách của Nhà nước cần thu hút hơn nữa các doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư vào vùng này, bởi DN, người thu mua đầu ra cho nông dân là thành phần quan trọng nhất của chuỗi giá trị nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, ba ngành hàng chủ lực của ĐBSCL là thủy sản, trái cây và lúa gạo đã và đang đặt ra các mục tiêu cụ thể cho việc tái cơ cấu trong thời gian tới.
Đơn cử như lúa gạo, đến năm 2030, tại ĐBSCL, diện tích canh tác lúa dự kiến giảm 220.000-300.000ha đi cùng với giảm diện tích lúa 3 vụ, chuyển đổi mạnh sang lúa 1 –2 vụ hoặc luân canh với cây rau màu/thủy sản.
Với trái cây, đến năm 2030, mở rộng diện tích tập trung thêm khoảng 200.000ha, đưa tổng diện tích trái cây lên khoảng 680.000ha. Với thủy sản, tổng diện tích nuôi trồng tăng thêm khoảng 300.000ha, đưa tổng diện tích nuôi trồng lên khoảng 1 triệu ha; đầu tư mạnh cho chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản.
Tại hội nghị này, khi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 12 giải pháp trọng tâm trong thời gian tới cho ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà có đề xuất thành lập Ủy ban điều phối vùng ĐBSCL nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích phát triển vùng.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định, cơ cấu sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL đã chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa. Hơn nữa, ĐBSCL đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản.
Việc tái cơ cấu bước đầu này đã có những tín hiệu tích cực. Điển hình là kim ngạch xuất khẩu (XK) các nông sản chủ lực như gạo, cá tra, tôm, trái cây của vùng hồi năm ngoái đạt 8,43 tỷ USD, chiếm 73,34% kim ngạch XK các nông sản chủ lực này của cả nước.
Nông sản miền Tây cần được "cất cánh trên đường băng mới" |
Cất cánh trên đường băng mới
Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong giai đoạn 2016 – 2020, tổng số vốn đầu tư từ các nguồn vốn trong và ngoài nước cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL là 65.056 tỷ đồng, chiếm 15,15% tổng vốn đầu tư thực hiện của cả nước.
Để việc tái cơ cấu ngành hàng nông sản vùng ĐBSCL – "vựa nông sản miền Tây" của cả nước, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một số chuyên gia kinh tế cho rằng Nhà nước cần có chiến lược dài hạn về sản xuất và tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL, trước mắt có thể triển khai một số ngành hàng chủ lực như lúa gạo, trái cây, cá tôm.
Đặc biệt là cần tổ chức lại sản xuất, giải quyết vấn đề nông hộ nhỏ để sản xuất theo hướng hàng hóa; sản xuất theo chuỗi ngành hàng, đẩy mạnh mối liên kết DN và nông dân.
Theo đó, cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL theo hướng sản xuất hàng hóa, làm tăng giá trị nông sản, thu nhập của nông dân được nâng cao, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm cho thanh niên nông thôn, giảm dần chênh lệch thu nhập và đời sống tinh thần giữa nông thôn và thành thị, xây dựng nông thôn mới.
Có như vậy mới làm cho người nông dân vùng ĐBSCL thấy rằng nông nghiệp vẫn còn là "nghề hấp dẫn" và nông thôn vẫn là nơi yên bình đáng sống, từ đó tránh được tình trạng nông dân rời bỏ nông thôn.
Để thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL đòi hỏi cần xây dựng được các cơ chế, chính sách trong liên kết vùng thiết thực, hiệu quả, yêu cầu đặt ra là các địa phương vùng ĐBSCL phải xuất phát trên tinh thần tự nguyện, nhận thấy lợi ích của việc liên kết, lấy lợi ích chung, lợi ích của toàn vùng để xác định mục tiêu liên kết, thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản theo hướng tiếp cận vùng, tiếp cận đa ngành.
Đặc biệt là cần đổi mới tư duy "kinh doanh nông nghiệp". "Chiếc bánh nông sản miền Tây" với những lợi thế về điều kiện tự nhiên thuận lợi cho ngành trồng trọt, chăn nuôi các sản phẩm chủ lực lúa gạo, trái cây, thủy sản của Việt Nam cần được "chế biến" thành những "chiếc bánh" ngon hơn, bán giá cao hơn, lãi hợp lý hơn cho những người làm ra nó.
Theo các chuyên gia, nông sản ở ĐBSCL có được phát huy lợi thế cạnh tranh, có "cất cánh trên đường băng mới" hay không thì phải bằng chính tư duy đổi mới, tầm nhìn và cách làm.
Thế Vinh