Quy trình sản xuất tiên tiến, khoa học cộng với sự năng động trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ đã giúp các sản phẩm của HTX Nghĩa Hồ được đánh giá cao. HTX cũng là địa chỉ được nhiều thương nhân trong và ngoài nước tìm đến để ký hợp đồng thu mua.
Kiểm soát chặt chẽ
Không quá khó để 21 thành viên HTX Nghĩa Hồ có được những mùa mật ong bội thu nhờ nền tảng từ vườn vải bạt ngàn của mình. Mật ong của HTX có màu sắc và hương vị đặc trưng vì chủ yếu được lấy từ loại hoa vải thiều trên đồi.
Anh Nguyễn Văn Cường - thành viên HTX, cho biết nuôi ong lấy mật cần có nguồn thức ăn dồi dào, như vậy mới cho năng suất và chất lượng cao. Các vườn vải của thành viên được trồng theo quy trình VietGAP chính là nền tảng để HTX nuôi ong an toàn.
Đến nay, HTX có hơn 4.000 đàn ong, mỗi năm cho khoảng 400 tấn mật, cung cấp khắp các tỉnh thành trong cả nước và xuất khẩu sang châu Âu. Để sản phẩm mật ong có chất lượng tốt nhất khi đến tay người tiêu dùng, HTX đã kiểm soát chặt chẽ từ khâu nuôi trồng đến khâu đóng chai, vận chuyển.
Trước khi khai thác, các kỹ thuật viên của HTX đều phải kiểm tra độ chín của mật và thủy phần trong mật ong, nếu bảo đảm các chỉ tiêu quy định mới được khai thác. Trong quá trình khai thác, HTX cũng chủ động điều chỉnh thế đàn, bảo đảm đàn có đủ các thế hệ ong non, ong khai thác để đàn ong tiếp tục cho chất lượng mật tốt mà vẫn bảo đảm được số lượng cầu ong.
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đã đầu tư gần 1 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền tinh lọc, chế biến mật ong theo công nghệ hiện đại của Đức với công suất đạt 800 tấn/năm.
Dây chuyền này áp dụng công nghệ hạ thủy phần để tách mật ong, giảm được hàm lượng nước trong mật từ 25 - 26% xuống còn 16 - 19%. Mật ong có HTX luôn bảo đảm không lẫn đường mía, bảo quản ở điều kiện nhiệt độ 20oC trong vài năm vẫn không bị biến chất.
Nhờ đó, hàng năm các thành viên HTX đã sản xuất được mật đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Sản phẩm của HTX cũng bảo đảm các tiêu chí để Cục Sở hữu trí tuệ cấp thương hiệu “Mật ong Lục Ngạn”.
Cùng với đó, việc chủ động nguồn hoa, nguồn mật, nguồn giống đã tạo ra lợi thế cạnh tranh cho HTX về giá cả, đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng khách hàng.
Hiện nay, HTX còn đứng ra thu mua, bao tiêu mật ong cho hàng chục hộ dân trong và ngoài xã. Mật được kiểm tra trực tiếp và thông qua nhật ký, nếu đủ diều kiện mới được thu mua về, sau đó trải qua các công đoạn tinh lọc, đóng chai để xuất ra thị trường.
HTX còn đứng ra thu mua, bao tiêu mật ong cho hàng chục hộ dân trong và ngoài xã |
Đáp ứng tiêu chí môi trường
Để đạt được chứng nhận mật ong VietGAP, đáp ứng được các yêu cầu trong xuất khẩu, HTX phải bảo đảm các yếu tố về con giống, thức ăn, nước uống, quản lý đàn, quản lý dịch bệnh…
Bên cạnh đó, vấn đề quản lý chất thải và bảo vệ môi trường cũng được chú trọng. HTX cũng đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo tiêu chuẩn môi trường. Chất thải từ nước rửa thùng, dụng cụ nuôi ong, nước dùng trong quá trình khai thác mật ong đều được xử lý trước khi thải ra môi trường.
Để bảo đảm ong không tiếp xúc với những chất thải nguy hại, HTX đã làm sạch những thùng chứa và bảo quản chất thải sinh hoạt và chất thải chăn nuôi ở khu vực kín.
Đặc biệt, HTX không nuôi ong gần ao hồ, nhà máy nước, ruộng lúa hay khu chăn nuôi. Vệ sinh tổ 1 lần/năm và 3 năm thay thùng 1 lần cũng được các thành viên thực hiện đúng quy trình.
Các thùng nuôi ong cũng được HTX sử dụng bằng những loại gỗ như mít, keo, không sử dụng thùng xốp hay thùng nhựa làm ảnh hưởng đến chất lượng mật lại gây ô nhiễm môi trường vì những thùng này khi bị hỏng đều khó xử lý.
“Nhờ được HTX hướng dẫn sử dụng chất hữu cơ trong trị bệnh cho ong nên không ảnh hưởng đến môi trường. Việc các thành viên tận dụng diện tích trồng vải của gia đình để làm nguồn thức ăn cho ong, nên giảm được chi phí”, anh Cường, cho biết.
Phát triển nghề nuôi ong ở HTX Nghĩa Hồ còn khuyến khích các hộ tham gia công tác trồng rừng, bảo vệ rừng và môi trường. Việc hỗ trợ kỹ thuật nuôi ong của HTX không những góp phần đem lại thu nhập cho các hộ gia đình, mà còn là mô hình điểm cho người dân đến tham quan học tập, nâng cao trách nhiệm và ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.
Huyền Trang