Phải dỡ hàng xuống rồi cắt lại cuống, bỏ lá và đóng lại bao bì mới, 3 chiếc xe chở vải thiều Bắc Giang mới tiếp tục được thông quan ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) sau khi bị lực lượng hải quan cửa khẩu "tuýt còi" vì chưa đáp ứng quy định mới của Trung Quốc về nhập khẩu (NK) nông sản.
Ngày càng khắt khe
Rõ ràng là có sự mù mờ thông tin của những nhà xuất khẩu (XK) vải thiều trong chuyện này. Đây cũng là bài học về cập nhật hàng loạt yêu cầu khắt khe mới đặt ra từ phía Trung Quốc mà các nhà XK nông sản cần lưu tâm, chẳng hạn như điều kiện đóng gói, cấp mã số vùng trồng, cấp mã doanh nghiệp (DN), các điều kiện kỹ thuật về kiểm dịch (đơn cử như yêu cầu vải thiều không được lẫn chiếc lá nào)…
Trong những quy định chung đối với việc XK nông, lâm, thủy sản và thực phẩm từ Việt Nam vào Trung Quốc như hiện nay có yêu cầu phía DN XK phải có đủ điều kiện: nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị sản xuất, phòng kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng cơ bản đối với sản phẩm, nhà xưởng, kho tàng và yêu cầu kỹ thuật có liên quan nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (hồ sơ kỹ thuật, nhật ký sản xuất…).
Mặt khác, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam kiểm tra, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Việt Nam và của Trung Quốc thì mới được phép cấp mã số DN XK sang Trung Quốc.
Về quy định XK thủy sản, thủy sản sống, sản phẩm thủy sản, Trung Quốc cũng có yêu cầu DN XK phải đáp ứng tương tự như vậy. Đồng thời, phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (NAFIQAD) kiểm tra, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Việt Nam và của Trung Quốc, cấp mã số đưa vào danh sách được phép XK sang Trung Quốc.
Ngay như trong vấn đề kiểm dịch động, thực vật, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho biết khi phía Trung Quốc yêu cầu DN đăng ký làm thủ tục kiểm dịch là phải có nhãn mác ghi rõ hàng hóa xuất xứ từ đâu. Thông qua đó, cơ quan thẩm quyền Việt Nam thông báo cho phía Trung Quốc về mã số, diện tích vùng trồng… Điều này đòi hỏi DN cần hoàn thiện trong thời gian tới.
Theo lưu ý của ông Hòa, các DN XK nông sản cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định kỹ thuật và yêu cầu về kiểm dịch động thực vật (SPS) của thị trường Trung Quốc, từ việc kiểm tra an toàn sản phẩm cuối cùng sang giám sát toàn bộ các công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất.
Về XK hoa quả vào Trung Quốc, nhà XK Việt phải đăng ký mã số vùng trồng, địa danh với Hải quan Trung Quốc. Đăng ký kiểm dịch thực vật với Cục Thanh tra và Kiểm dịch Trung Quốc (CIQ – tỉnh Quảng Tây), các DN, đơn vị nhập khẩu phải khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc vùng trồng, có nhãn mác.
Ngoài ra, sản phẩm XK phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật bao gói, đảm bảo điều kiện vệ sinh, không nhiễm côn trùng hại. Trong tương lai còn có quy định về tiêu chuẩn hóa nông nghiệp đối với các vùng trồng – xây dựng quy trình quản lý, kỹ thuật trồng trọt, chăn sóc, phòng trừ dịch hại, thu hoạch, đóng gói, bảo quản và vận chuyển.
Các nhà NK Trung Quốc "soi" nông sản Việt |
Nhận thức mối nguy
Thị trường Trung Quốc hiện nay cũng có một số thay đổi trong giám sát xuất nhập khẩu. Như Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch động thực vật (AQSIQ) sáp nhập vào Tổng cục Hải quan Trung Quốc (Vụ An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu và Cục Giám sát chất lượng và kiểm dịch động thực vật).
Hơn nữa, sản phẩm thực phẩm NK vào Trung Quốc phải có chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước XK cấp cho các lô hàng (bắt buộc từ 1/10/2019).
Trên thực tế, những quy định mới như vậy từ nhiều tháng trước đã được các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam như Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tổ chức những buổi hội thảo, hội nghị chuyên đề về XK thị trường Trung Quốc để tuyên truyền đến các nhà XK.
Tuy nhiên, việc tiếp cận và hiểu rõ những quy định mới như vậy thì không phải nhà XK nào cũng có thể nắm bắt được. Đặc biệt là có nhiều nhà XK vẫn tỏ ra chủ quan, thụ động trong việc tìm hiểu và chưa nhận thức được mối nguy khi còn mù mờ thông tin.
Trong vấn đề này, ông Lê Thanh Hòa khuyến nghị các nhà XK nông sản Việt cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định kỹ thuật và yêu cầu về kiểm dịch động thực vật của thị trường Trung Quốc, nhất là thay đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm: Từ việc kiểm tra an toàn sản phẩm cuối cùng sang giám sát toàn bộ các công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất.
Hơn nữa, các nhà XK cũng cần nâng cao nhận thức về sản phẩm XK sang Trung Quốc cần chất lượng và an toàn hơn; thiết lập cơ chế hợp tác giữa nhà quản lý – DN- người sản xuất nhằm đảm bảo an toàn trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Cũng như các thị trường XK khó tính khác, khi chú trọng XK vào thị trường Trung Quốc đòi hỏi nhà XK cần lập kế hoạch tổ chức sản xuất và chế biến XK, đào tạo cán bộ kỹ thuật có kỹ năng quản lý và giám sát về an toàn thực phẩm cho quá trình sản xuất và chế biến.
Thế Vinh