Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, nhập khẩu (NK) thức ăn chăn nuôi (TĂCN) và nguyên liệu trong tháng 8/2017 đạt 233 triệu USD, tăng 7,13% so với tháng trước đó.
Tính chung, trong 8 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã chi hơn 2,2 tỷ USD NK TĂCN và nguyên liệu. Các thị trường chính cung cấp TĂCN và nguyên liệu cho Việt Nam trong tháng 8/2017 là Argentina, Trung Quốc, Canada, Đài Loan…
Bán gạo không đủ tiền mua ngô
Đáng chú ý, 8 tháng đầu năm 2017, trong số nguyên liệu sản xuất TĂCN so với cùng kỳ năm 2016, Việt Nam nhập khẩu: lúa mì 3,3 triệu tấn với trị giá 704 triệu USD, tăng 25,02% về khối lượng và 21,9% về giá trị; đậu tương hơn 1,1 triệu tấn với 509 triệu USD, tăng 17,91% về khối lượng và 22,54% về giá trị; ngô 4,8 triệu tấn với 958 triệu USD, tăng 10,02% về khối lượng và 11,46% về giá trị.
Như vậy, tính riêng kim ngạch NK nguyên liệu ngô, đậu tương, lúa mì trong 8 tháng đầu năm là 9,2 triệu tấn, cao hơn gấp đôi xuất khẩu gạo (8 tháng đầu năm 2017, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 4,1 triệu tấn và kim ngạch đạt 1,81 tỷ USD).
Trước đó, thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, khối lượng gạo xuất khẩu năm 2016 đạt 4,88 triệu tấn với trị giá 2,2 tỷ USD, trong khi lượng ngô NK lên tới 8,3 triệu tấn với trị giá 1,65 tỷ USD, tăng 9,5% về khối lượng so với năm 2015.
Trong giai đoạn 2010 – 2015, tốc độ phát triển của ngành sản xuất TĂCN đạt 8,4%/năm. Năm 2015, Việt Nam đã sản xuất 15,5 triệu tấn TĂCN và dự báo con số này khoảng 17 triệu tấn trong năm 2016.
Tuy nhiên, trong số 17 triệu tấn TĂCN công nghiệp, Việt Nam chỉ chủ động được khoảng 60 – 65% nguyên liệu như ngô, cám gạo, sắn khô, bột cá. Trong khi đó, các loại nguyên liệu khác như bột thịt xương, DDGS (bã rượu khô) và các loại thức ăn bổ sung khác phải NK tới 98 – 99%.
Trước thực tế trên, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), lo ngại tỷ trọng các nguyên liệu TĂCN phải NK ngày càng cao cho thấy nguy cơ một lượng ngoại tệ lớn mất đi, hay nói cách khác là chảy ra nước ngoài.
Ts. Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho rằng ngành chăn nuôi hiện nay đang phụ thuộc khá nhiều vào những vật tư đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc thú y nên chi phí đầu tư cho sản xuất thường cao.
Ước tính mỗi năm, chúng ta phải nhập trên 8 triệu tấn nguyên liệu TĂCN, trị giá khoáng 3 tỷ USD. So với các nước trong khu vực, giá thành TĂCN ở Việt Nam luôn cao hơn khoảng 10 – 15%.
![]() |
Ước tính mỗi năm Việt Nam phải nhập trên 8 triệu tấn nguyên liệu TĂCN, trị giá khoáng 3 tỷ USD
Được biết, TĂCN chiếm 70 – 75% giá thành sản phẩm nuôi, dẫn tới giá thành sản chăn nuôi trong nước không đủ sức cạnh tranh với sản phẩm đồng loại NK. Trên thực tế, giá thành chăn nuôi của Việt Nam cao hơn giá thành một số nước, nhất là so với những nước có nền nông nghiệp sản xuất nguyên liệu TĂCN phát triển như Mỹ và Nam Mỹ.
Chưa kể, theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 240 nhà máy chế biến TĂCN, trong đó 59 nhà máy thuộc các doanh nghiệp (DN) liên doanh và DN FDI.
Dù chỉ chiếm hơn 1/5 số lượng nhà máy nhưng khối ngoại chiếm khoảng 65% thị phần. Điều này khó tránh khỏi việc các DN “bắt tay” nhau để thổi giá thị trường TĂCN.
Nghịch lý từ đâu ra?
Câu hỏi đặt ra là với một nước vốn sản xuất nông nghiệp nhưng vì sao Việt Nam không chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất TĂCN? Mặc dù trong những năm qua, để giảm áp lực NK TĂCN, nhất là NK ngô, Bộ NN&PTNT đã có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất ngô nhưng dường như vẫn chưa đem lại hiệu quả.
Trả lời câu hỏi này, Ts. Bùi Mạnh Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô, đánh giá ở Việt Nam, ngô là cây nông nghiệp có diện tích thu hoạch lớn thứ hai sau lúa gạo nhưng chủ yếu diện tích trồng ngô nhờ nước trời. Năng suất ngô trong những năm gần đây đã tăng lên nhanh chóng song sản lượng ngô hàng năm chưa đáp ứng được nhu cầu cho ngành công nghiệp TĂCN hiện nay.
Theo ông Cường, một trong những nguyên nhân thiếu hụt về sản lượng ngô là do nhu cầu chế biến TĂCN tăng nhanh, sự suy giảm diện tích trồng ngô, nhất là diện tích trồng ngô vụ Đông ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Cùng với đó, chính sách NK ngô hạt đã tác động gián tiếp tới sản xuất ngô trong nước.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn không thể không thừa nhận là giá ngô trong nước cao hơn ngô NK khiến DN chế biến TĂCN không mặn mà với ngô nội.
Theo Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, giá thành trồng ngô ở Việt Nam khoảng 4.200 – 4.300 đồng/kg, dẫn tới người nông dân phải bán được giá 5.000 đồng trở lên mới có lãi. Trong khi đó, lượng ngô NK đang tăng nhanh, giá thành rất rẻ. Cụ thể, giá ngô hạt nhập từ Mỹ, Argentina về đến cảng của Việt Nam hiện đang được chào bán với giá 4.700 đồng/kg.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, năm 2015, diện tích trồng ngô của cả nước là 1,178 triệu ha, năng suất 48,8 tạ/ha và sản lượng đạt 5,281 triệu tấn. So với năm 1990, sản lượng tăng thêm 7,4 lần và năng suất tăng gần 3 lần.
Tuy nhiên, hiện nay sản xuất ngô trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40 – 45% nhu cầu ngô hạt phục vụ chế biến TĂCN trong nước. Nguyên nhân là vì diện tích trồng ngô của cả nước đang dần thu hẹp, trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, diện tích trồng ngô vụ đông chỉ dao động ở con số 126.000 – 138.000 ha, giảm mạnh ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Ở nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Bắc Ninh… diện tích trồng ngô chỉ chiếm khoảng 1 – 3% so với diện tích đất trồng lúa.
“Với điều kiện thực tế trong nghiên cứu, sản xuất ngô hiện nay nên tập trung vào một số công nghệ cao cho chọn tạo và phát triển các giống ngô như quy hoạch vùng sản xuất ngô theo hướng hàng hóa đi kèm với gói kỹ thuật, ứng dụng công nghệ gen trong chọn tạo, công nghệ xử lý nano nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất ngô”, ông Cường kiến nghị.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, hiện nay chúng ta dường như mới chỉ chú trọng tới quỹ đất dành cho trồng lúa gạo, cao su, cà phê, cây ăn quả… mà quên mất phải dành đất để trồng nguyên liệu sản xuất TĂCN. Dẫn tới sản lượng ngô trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu.
Vì vậy, Hiệp hội TĂCN đã từng đề xuất Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển nguyên liệu bột cá, có chính sách dành quỹ đất để trồng TĂCN.
Lê Thúy
Ts. Bùi Mạnh Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô Ở Việt Nam đến nay, nhiều giống ngô biến đổi gen đã được trồng và sản xuất đại trà tại một số vùng trồng ngô lớn trong cả nước như Sơn La, Tây Nguyên, Vĩnh Phúc… Tuy nhiên, tất cả sự kiện này đều do các tập đoàn đa quốc gia độc quyền và kinh doanh, Việt Nam cho đến nay chưa tạo ra được sự kiện biến đổi gen có tính thương mại hóa nào. Ông Phạm Đức Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam Ngô NK có giá rẻ hơn nhiều so với ngô sản xuất trong nước nên các DN NK ngô ngày càng nhiều. Đồng thời trong quá trình phát triển, nhu cầu NK TĂCN sẽ ngày càng tăng do nguồn cung trong nước có hạn và rất khó phát triển thêm. Ông Đặng Kim Sơn - Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trong 5 năm gần đây, giá TĂCN tăng mạnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới chiến lược phát triển của ngành cũng như người chăn nuôi trong nước vì giá trị gia tăng thấp. Một số vùng sản xuất TĂCN của Việt Nam không phát triển được vì năng suất cây trồng kém, người dân không tham gia được vào chuỗi cung ứng TĂCN cho DN. |