Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai, cho biết tỉnh hiện có khoảng 21.500 ha diện tích cây ăn quả. Thời gian vừa qua, địa phương này không gặp ách tắc nào trong vấn đề tiêu thụ nông sản. Kết quả trên đạt được là do Gia Lai chủ trương chuyển các diện tích trồng sắn, mía, điều, cao su kém hiệu quả sang tập trung cây ăn quả. 4 loại cây được tỉnh quy hoạch vào nhóm xuất khẩu chủ lực gồm chanh leo, chuối, bơ và sầu riêng.
Còn nhiều bất cập
Gia Lai định hướng phát triển cây chanh leo từ 4.000 ha lên 20.000 ha, lớn nhất cả nước. Đây là loại cây trồng cho lợi nhuận đến 350 - 400 triệu/ha. Bên cạnh chanh leo, chuối cũng được Gia Lai xác định là cây thế mạnh trong định hướng đến năm 2025. Trong đề án phát triển cây ăn quả, tỉnh dự kiến đưa diện tích trồng chuối từ 4.000 lên 10.000ha. Hai loại cây còn lại, bơ sẽ tăng diện tích từ 2.600 lên 4.000 ha, sầu riêng tăng diện tích từ 2.800 lên 6.000 ha.
Việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, bất cập. |
Với định hướng xuất khẩu, Gia Lai chủ trương áp dụng các tiêu chuẩn GlobalGAP trong công tác tổ chức sản xuất, với diện tích hiện tại khoảng 9.000 ha, tập trung vào hai loại cây chính là chanh leo và chuối. Hiện Gia Lai có 51 mã số vùng trồng, 21 cơ sở đóng gói.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện nay đã có 4.000 mã số vùng trồng (300.000 ha) tại 50/60 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho 12 loại quả tươi như chuối, thanh long, mít, nhãn, vải, xoài, chôm chôm…. Trong đó, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long được cấp 1.561 mã (chiếm tỷ lệ 39,02%), Đông Nam Bộ có 224 mã (chiếm 5,6%), Tây Nguyên 168 mã (tỷ lệ 4,2%).
Về mã số cơ sở đóng gói, cấp 1.864 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản… trên 37 tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, ông Tùng thừa nhận việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói hiện nay vẫn đang gặp những khó khăn như mới triển khai chủ yếu đối với cây ăn quả, chưa triển khai được nhiều với các sản phẩm có khối lượng xuất khẩu lớn như lúa, chè, hồ tiêu, cà phê… Vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số vùng trồng để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín hàng Việt Nam.
Trong khi đó, thị trường Trung Quốc ngày càng siết chặt việc kiểm soát đối với sản phẩm nhập khẩu, trong đó có tăng cường giám sát vùng trồng và cơ sở đóng gói. Thời gian đàm phán đối với các sản phẩm kéo dài và chịu tác động của dịch COVID-19 (chuyên gia không thể sang Việt Nam để kiểm tra vùng trồng).
Thực tế, những bất cập về cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng đang khiến doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc công ty xuất nhập khẩu Vina T&T, phản ánh nhiều doanh nghiệp đi tìm vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng để thu mua gặp rất nhiều khó khăn, dễ trùng lặp, vướng mắc với các đơn vị, doanh nghiệp khác.
Bên cạnh đó, việc cấp chứng nhận mã số vùng trồng theo từng năm sẽ khó khăn cho doanh nghiệp phải liên tục xin cấp lại chứng nhận, điều này vô hình trung sẽ làm cho công tác xuất khẩu, bàn giao đơn hàng cho đối tác quốc tế bị chậm trễ.
Tăng cường giám sát để tránh mạo danh
"Trong khi đó, một doanh nghiệp không thể tự mình đi tới tất cả các địa phương để làm mã số vùng trồng. Do đó, các địa phương nên chủ động xây dựng những vùng trồng được cấp mã số, khi những doanh nghiệp có nhu cầu, đăng ký, địa phương cung cấp sẽ thuận lợi hơn rất nhiều", ông Tùng kiến nghị.
Phản ánh những bất cập về câu chuyện quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT công ty CP Ameii Việt Nam, dẫn trường hợp của trái thanh long, đơn hàng không thiếu, nhưng khó khăn nhất của doanh nghiệp là quản lý cơ sở đóng gói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Tiến cho biết cách đây hơn 2 năm có thời điểm doanh nghiệp xuất khẩu 60 container thanh long một tháng nhưng do việc cơ sở đóng gói không tuân thủ yêu cầu mà doanh nghiệp đặt ra nên một số đơn hàng bị đối tác phàn nàn, trả về.
"Chúng tôi thậm chí còn phải nhờ cơ quan chức năng đến giám sát thì cơ sở mới thực hiện đúng cam kết. Vì vậy, ông Tiến mong muốn các địa phương quan tâm hơn tới câu chuyện này", Chủ tịch Ameii chia sẻ đây cũng là lý do doanh nghiệp không dám nhận thêm các đơn hàng xuất khẩu thanh long.
Về phía địa phương, mới đây, ông Nguyễn Văn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng ký văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương tập trung triển khai thực hiện tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.
Trong đó, tỉnh Bình Thuận giao Sở NN&PTNT tập trung triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ NN&PTNT (Cục Bảo vệ thực vật) xây dựng.
Đối với các doanh nghiệp, UBND tỉnh Bình thuận yêu cầu chủ động có biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý khi có thay đổi thông tin liên quan đến vùng trồng, cơ sở đóng gói hay khi phát hiện vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phát triển sản xuất gắn với xuất khẩu. Phối hợp đẩy mạnh việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương và các sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng.
Trong đó, tập trung rà soát quy mô, sản lượng, triển khai có hiệu quả các giải pháp cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, thực hiện chuẩn hóa chất lượng theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, đăng ký mã số cơ sở đóng gói, doanh nghiệp được cấp phép chính ngạch.
Nhật Linh