Gần đây, các HTX sản xuất nông sản đang quan tâm đến yêu cầu rào cản kỹ thuật đối với sản phẩm xuất khẩu. Đặc biệt, một số nước EU, Trung Quốc, Mỹ, Úc, Nhật Bản yêu cầu nông sản tươi nhập khẩu buộc phải có thông tin mã số vùng trồng (yêu cầu trình tự, thủ tục cấp mã số vùng trồng sang thị trường các nước là khác nhau).
Chưa có tiêu chí cho cây gia vị
Điều 64, Luật Trồng trọt (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020), mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Đối với các vùng trồng được cấp mã số, cơ quan chức năng nước nhập khẩu có thể sang Việt Nam kiểm tra đột xuất hoặc thông qua định vị GPS về tình hình sản xuất, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm… tại các vùng trồng.
Hiểu được vai trò của việc cấp mã số vùng trồng, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã An Ấp (Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã chú trọng sản xuất theo quy trình an toàn với diện tích mỗi năm lên đến 80ha. Diện tích trồng ớt được trồng tập trung, áp dụng quy trình đồng nhất về canh tác, phòng trừ dịch bệnh, nhật ký đồng ruộng đầy đủ, đặc biệt là nhật ký về xử lý thuốc bảo vệ thực vật. Chính vì vậy, HTX đã được cấp chứng nhận quy trình sản xuất tiên tiến VietGAP.
Các thành viên HTX An Ấp vẫn chưa thể xuất khẩu ớt chính ngạch sang Trung Quốc vì chưa được cấp mã số vùng trồng. |
Tuy nhiên, theo Giám đốc HTX Nguyễn Văn Sĩu, dù sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn với diện tích hàng chục ha nhưng khi đi xin cấp mã số vùng trồng thì địa phương cho biết Bộ NN&PTNT chưa hướng dẫn tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng cho ớt.
“Thế là niềm tin của thành viên và người dân vào việc xuất khẩu ớt chính ngạch sang Trung Quốc đành phải dừng lại”, ông Sĩu tâm sự.
Tương tự, HTX tỏi Vạn Hưng (Khánh Hòa) đang sản xuất trên diện tích 21 ha. Để giải quyết bài toán đầu ra, HTX thực hiện đăng ký cấp mã số vùng trồng, nhưng đến nay hồ sơ chưa hoàn thiện vì địa phương trả lời mới chỉ có tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng cho các loại cây ăn quả, còn đối với tỏi, dù đã tìm “đỏ mắt” vẫn chưa thấy hướng dẫn cụ thể.
Tình trạng HTX An Ấp và HTX Vạn Hưng đang gặp phải cũng là khó khăn của hầu hết các HTX đang sản xuất các loại cây gia vị trên cả nước trong việc hoàn thiện cấp mã số vùng trồng.
Theo ông Nguyễn Văn Đoan, Chuyên gia đánh giá, Trung tâm mã số, mã vạch quốc gia, đến nay cả nước đã có 2.733 mã số vùng trồng được cấp để xuất khẩu nhưng tập trung vào các loại cây ăn quả như: thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, nhãn… Còn đối với các sản phẩm gia vị như gừng, tỏi, ớt, nghệ, sả… thì chưa có địa phương nào hoàn thiện việc cấp mã số vùng trồng.
Vấn đề này không hoàn toàn do nông dân, HTX chưa hoàn thiện các tiêu chuẩn sản xuất theo quy định, mà còn vì đến nay mới chỉ có bộ tiêu chuẩn rõ ràng cho cây ăn quả, vẫn chưa có bộ tiêu chí (hay tiêu chuẩn) riêng cho các dòng nông sản khác, nên nhiều địa phương không biết áp dụng theo cách nào. Đó cũng là lý do mà hiện nay, các nông sản khác, đặc biệt là gia vị phải xuất tiểu ngạch, đi bao biên và phía chịu thiệt hại chính là nông dân, HTX.
Hoàn thiện bộ tiêu chuẩn
“Nếu như trong việc cấp tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP… có thể áp dụng cho các loại cây trồng thì trong cấp mã số vùng trồng, nông dân, HTX, doanh nghiệp phải đạt đủ các điều kiện của nước nhập khẩu mới không bị trả hàng. Nhưng điều kiện như thế nào thì chưa thấy ở đâu để áp dụng được”, ông Đoan nhấn mạnh.
Chính vì vậy, theo ông Đoan, ngoài bộ tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng cho trái cây, Bộ NN&PTNT cần xây dựng bộ tiêu chuẩn vùng trồng cho từng loại cây, nhóm cây và hướng dẫn địa phương triển khai. Vì nếu Bộ NN&PTNT không có tiêu chuẩn cụ thể thì địa phương không thể thực hiện và HTX không thể xin được mã số vùng trồng.
Việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn về cấp mã số vùng trồng sẽ giúp đầu ra cho cây gia vị rộng mở hơn. |
Theo các chuyên gia, mã số vùng trồng giúp chứng minh cho sự quản lý chặt chẽ từ khâu tổ chức sản xuất, chứng nhận an toàn thực phẩm, đến khâu thu hoạch, sơ chế và đóng gói sản phẩm, phù hợp với xu thế phát triển trong tương lai, khi quá trình hội nhập, cạnh tranh ngày càng sâu rộng.
Để giúp người dân, HTX và địa phương không còn lúng túng trong quá trình hoàn thiện hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng, Nhà nước cần sớm bổ sung hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam đối với từng mặt hàng nông sản theo hướng phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn thế giới. Có như vậy mới phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc... đối với nông sản xuất khẩu, đồng thời giúp người dân, HTX nhân rộng mô hình sản xuất theo các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP…
Khi có tiêu chuẩn cụ thể, các địa phương cần phân công cho một cơ quan chuyên môn (Sở NN&PTNT, Chi cục trồng trọt, Chi cục bảo vệ thực vật…) làm đầu mối để thực hiện quản lý, giám sát và hướng dẫn nông dân, HTX đăng ký, kiểm tra và quản lý vùng trồng. Có như vậy mới bảo đảm thống nhất trong quá trình truy xuất nguồn gốc nông sản phục vụ xuất khẩu chính ngạch bền vững.
Huyền Trang