Những tháng gần đây, Cục Quản lý thị trường Tp.HCM liên tục phát hiện, bắt giữ lượng lớn vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19 là hàng nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không hóa đơn chứng từ.
Khó quản tạm nhập tái xuất?
Trong tuần qua, lực lượng quản lý thị trường Tp.HCM phát hiện, thu giữ trên 10.000 khẩu trang nghi giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ và tạm giữ 150 thùng carton chứa hàng hóa gồm máy tạo oxy, van điện áp, ống kim tiêm các loại.
Các doanh nghiệp đang cố gắng hồi phục sản xuất khi “sống chung” dịch Covid-19, nên đòi hỏi chính sách quản lý cần tránh theo lối tư duy cũ. |
Không chỉ Tp.HCM, tình trạng buôn bán sản phẩm thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác chống dịch Covid-19 có dấu hiệu nhập lậu, không hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo đang có chiều hướng gia tăng tại những địa phương khác. Nhất là các mặt hàng khẩu trang, thuốc điều trị Covid-19, máy tạo oxy, que test Covid-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế…
Ngoài việc tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại thì việc đưa những quy định mới đối với mặt hàng này cũng là điều đáng lưu tâm.
Điển hình như, Bộ Công Thương đang có Dự thảo Thông tư quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng khẩu trang y tế, găng tay y tế và bộ trang phục phòng, chống dịch.
Dự thảo được cho là tiếp nối các quy định tại Thông tư 44/2020/TT-BCT. Lý do chung là vì có thông tin một số doanh nghiệp (DN) lợi dụng chủ trương tạm nhập, tái xuất hàng hóa để buôn lậu, gian lận thương mại và chuyển tải bất hợp pháp khẩu trang y tế và đồ bảo hộ y tế. Nguy cơ này xuất hiện trong tình hình dịch bệnh dẫn đến nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế và đồ bảo hộ y tế tăng cao.
Tình trạng này đặt trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021 còn diễn biến phức tạp, vẫn tiềm ẩn nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại và chuyển tải bất hợp pháp. Do vậy, dự thảo tiếp tục sử dụng biện pháp tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng này.
Tuy nhiên, mới đây khi góp vào bản dự thảo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý, việc ban hành các quy định trong Thông tư như vậy là biện pháp can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của DN.
“Do vậy, trước khi ban hành, cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động một cách thận trọng dựa trên tình hình thực tế, trong đó có tính đến sự thay đổi của tình hình”, VCCI bày tỏ.
Theo VCCI, buôn lậu, gian lận thương mại xảy ra với một mặt hàng nào đó xảy ra phụ thuộc vào lợi nhuận tiềm năng của mặt hàng đó tại một thời điểm nhất định. Một trong các yếu tố quan trọng quyết định tình trạng này là nhu cầu thị trường, đặc biệt là nếu có tình trạng khan hiếm mặt hàng đó.
Tư duy cũ làm khó doanh nghiệp
Xem xét tình trạng thị trường khẩu trang năm 2021 sẽ nhận thấy có những thay đổi lớn so với năm 2020. Chẳng hạn cơ bản không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng diện rộng hoặc cục bộ trên thị trường do thiếu, khan hiếm hoặc ép hàng làm giá như năm 2020.
Mặc dù có xảy ra tình trạng thiếu trang thiết bị (trong đó có khẩu trang, găng tay, trang phục chống dịch) trong các cơ quan phòng, chống dịch, nhưng đó không phải do việc thiếu hàng hóa trên thị trường.
VCCI cho rằng, qua quan sát các thông tin phản ánh trên báo chí cũng không thấy hiện tượng khan hiếm khẩu trang, găng tay y tế xuất hiện như năm 2020 nữa, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra cực kỳ phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố.
Hơn nữa, năng lực sản xuất khẩu trang, găng tay y tế đã được đảm bảo. Về tình hình của năm 2022 dù khó lường, nhưng đã được đảm bảo một phần nhờ việc tiêm chủng vắc xin diện rộng.
Cho nên, phía VCCI nhận định, có cơ sở để cho rằng thị trường các mặt hàng này trong năm 2022 sẽ diễn biến không phức tạp như năm 2020, dẫn đến lợi nhuận – yếu tố thu hút hoạt động buôn lậu, chuyển tải bất hợp pháp có thể biến mất.
Từ những phân tích như vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại việc ban hành Thông tư này, ít nhất là trong tình trạng tình hình đã có thay đổi và chưa có đủ thông tin, số liệu thể hiện tính nghiêm trọng và nguy cơ của vấn đề này.
Có thể hiểu được mối lo của Bộ Công Thương qua dự thảo lần này, nhưng qua phân tích như nêu trên sẽ thấy cần tránh tái diễn lối tư duy cũ là “quản không được thì cấm”, thay vào đó việc tăng hậu kiểm vẫn là hướng đi phù hợp nhất.
Bởi thực tế nhiều năm nay cho thấy việc tồn tại những chính sách hoặc tư duy quản lý theo kiểu “không quản được thì cấm” đã gây ra hệ luỵ không tốt, gây khó khăn, bất cập, tạo rào cản cho những DN làm ăn chân chính.
Ngay như ở một số địa phương gần đây do áp lực của việc phòng chống dịch Covid-19 cũng còn giữ lối tư duy cũ như vậy khiến cho DN bức xúc.
Đơn cử như tỉnh Tiền Giang. Dù Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ đã ban hành nhằm hướng tới bình thường mới, nhưng 19 DN có vốn đầu tư nước ngoài phải gửi đơn “kêu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ vì không thể quay lại sản xuất do chính quyền tỉnh làm khó DN, vẫn bắt thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường, 2 điểm đến” như chưa hề có Nghị quyết 128.
Trước bức xúc của DN, lãnh đạo tỉnh này mới lý giải là vì độ phủ vắc xin cho công nhân trong tỉnh còn thấp. Dẫu biết không thể lơ là phòng chống dịch, nhưng nhiều ý kiến cho rằng giải thích của chính quyền tỉnh Tiền Giang chưa có tính thuyết phục cao. Đặc biệt là trong bối cảnh gần 5 tháng nay người dân và DN chịu đựng khó khăn, nếu vẫn áp các quy định cũ thì số DN phá sản sẽ tăng cao.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.