Đó là ý kiến phản ánh của đại diện các hiệp hội thương mại Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh Quốc, châu Âu, Australia tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) với chủ đề “Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững” vừa được tổ chức.
Lo lắng chính sách thuế
Ông Kim Heung Soo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), nhấn mạnh tới khó khăn liên quan đến việc không được miễn thuế đối với các nguyên liệu được gia công bên ngoài để sản xuất hàng xuất khẩu (XK).
Theo Korcham, xét trên khía cạnh thực tế của các doanh nghiệp (DN) sản xuất XK, chỉ có một vài DN tự sản xuất 100% hàng XK, việc thuê ngoài một số công đoạn cho các DN con hoặc DN khác để tăng hiệu quả sản xuất là điều đương nhiên.
Việc nhập khẩu nguyên liệu thô để sản xuất sản phẩm XK hoặc các DN được thuê gia công một số công đoạn sản xuất chính là chủ thể của việc sản xuất các sản phẩm XK. Do đó, mỗi quy trình gia công là một phần công việc cần thiết góp phần vào quy trình sản xuất hàng hóa XK.
“Vì vậy, hoàn toàn công bằng khi nghĩ rằng họ sẽ được miễn thuế nếu chắc chắn rằng nguyên liệu nhập khẩu đã được sử dụng để gia công sản phẩm XK cuối cùng”, ông Kim Heung Soo nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã có hồi đáp trường hợp gia công ngoài để sản xuất hàng XK không đáp ứng đủ điều kiện để được miễn thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.
“Nếu duy trì cách giải thích như hiện tại về việc chỉ công nhận miễn thuế cho những phần tự sản xuất thì chắc chắn sẽ dẫn đến việc đánh thuế hồi tố”, Kocham bày tỏ lo ngại. Thậm chí, quy định hiện nay sẽ dẫn đến việc DN FDI làm giả hồ sơ để hưởng ưu đãi.
Kocham dẫn chứng: “Có DN Hàn Quốc còn cho biết các nhà máy Trung Quốc ở xung quanh nhà máy chúng tôi đáng lẽ phải nộp thuế nhập khẩu 20% khi nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, nhưng cơ quan cấp chứng nhận xuất xứ của Trung Quốc đã cấp mã hồ sơ giả để có thể nhận được ưu đãi thuế nhập khẩu trái phép khi nhập khẩu vào Việt Nam”.
Kocham nhấn mạnh điều này đang làm giảm sức cạnh tranh của các DN nhập khẩu đúng quy định. Ngoài ra, không chỉ có ngành dệt may, để XK sang châu Âu, Mỹ và Hàn Quốc trong tương lai cần sử dụng các nguyên phụ liệu của Việt Nam, nhưng do nguồn cung nguyên liệu ở Việt Nam còn chưa ổn định nên DN không nhận được ưu đãi triệt để theo các hiệp định thương mại tự do (FTA). Vì vậy, Kocham mong muốn Chính phủ Việt Nam có đối sách để xử lý tình trạng này.
Cũng gặp khó khăn về thuế, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) Nobufumi Miura cho biết Nghị định số 82 bãi bỏ chính sách giảm 50% thuế thu nhập cá nhân. Việc bãi bỏ đột ngột các ưu đãi thuế này đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận kinh doanh và chiến lược vốn của các DN nằm trong đặc khu kinh tế, làm gián đoạn đáng kể hoạt động kinh doanh của các DN.
Theo ông Nobufumi Miura, nếu các biện pháp khuyến khích đầu tư mà Chính phủ đưa ra sau đó lại bị các cơ quan thuế bác bỏ hồi tố và các điều khoản xác nhận những bác bỏ hồi tố này liên tục được đưa vào dự thảo Luật Đầu tư thì các biện pháp khuyến khích đầu tư sẽ không còn hiệu quả trong việc thúc đẩy và thu hút đầu tư.
Tháo gỡ thủ tục còn chồng chéo, gây khó khăn cho DN |
Doanh nghiệp chờ dỡ “rào cản”
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục là một điểm sáng trong năm 2019. Lần đầu tiên, vốn giải ngân của các dự án FDI đạt 20,4 tỷ USD, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay; tổng vốn đăng ký đạt hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Việt Nam hiện là điểm đến đầu tư chiến lược của nhiều tập đoàn đa quốc gia và đang dần vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá: “Đạt được kết quả đáng khích lệ này có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng DN, các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.
Đồng tình, Ts. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhìn nhận việc lắng nghe đối thoại với cộng đồng DN là điểm sáng trong công tác điều hành của Chính phủ. Trọng tâm của các nỗ lực đó là các Nghị quyết của Chính phủ về môi trường kinh doanh và phát triển DN.
Điều này thể hiện kết quả tích cực trong cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, kết quả này còn được thể hiện rõ nét qua số lượng DN tư nhân thành lập mới, nhiều năm liền đạt con số kỷ lục. Đáng chú ý, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua mốc 500 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng XK của DN tư nhân Việt Nam cũng lần đầu tiên tăng gấp 4 lần so với các DN FDI…
Tuy nhiên, theo ông Lộc, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá lớn so với các nước đi trước trong khu vực, không gian và dư địa cải cách vẫn rất lớn. Do đó, cần “cởi trói” thủ tục để giúp DN bứt phá.
Chủ tịch VCCI cho rằng nếu tháo gỡ các rào cản hiện nay thì tốc độ tăng trưởng GDP có thể vượt mốc 7-8%/năm.
Lưu ý về tính ổn định của chính sách, ông Lộc đề nghị nguyên tắc không hồi tố bất lợi cho DN và người dân phải được bảo đảm khi xây dựng các quy định pháp luật; việc lấy ý kiến các dự thảo văn bản pháp luật cần được thực hiện một cách thực chất và thường xuyên, không ban hành, thay đổi chính sách một cách đột ngột. Thêm vào đó, các loại giấy phép quyền kinh doanh cũng cần được kéo dài thời hạn hoặc không xác định thời hạn nhằm giúp ổn định môi trường đầu tư kinh doanh cho DN.
“Hy vọng năm 2020 sẽ có bước chuyển trong lĩnh vực này, để làm sao cho các cơ quan của Chính phủ thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng, là cơ quan Chính phủ đồng hành với DN” ông Lộc nói.
Thanh Hoa
Bà Virginia Foote - Đồng Chủ tịch Liên minh VBF Việt Nam phải quan tâm đến 3 ưu tiên quan trọng để phát huy vai trò, đóng góp của FDI cho tăng trưởng bền vững tại Việt Nam. Thứ nhất, nguồn vốn FDI có thể giúp Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân xây dựng các hệ thống hiệu quả hơn, dành ít thời gian và tiền bạc hơn cho các thủ tục hành chính. Thứ hai, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững là nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững và hướng tới nền kinh tế tuần hoàn là hiển nhiên và cấp bách. Thứ ba, Việt Nam nên ưu tiên xây dựng hệ thống hành chính mạnh để chào đón, khuyến khích và nuôi dưỡng nguồn vốn FDI, tập trung đổi mới liên kết khu vực FDI với khu vực tư nhân. Bà Amanda Rasmussen - Chủ tịch Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (Amcham) Xây dựng một khung pháp lý công bằng, minh bạch, ổn định và hiệu quả mà trong đó coi trọng sự đổi mới sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút, duy trì và phát triển thương mại và đầu tư chất lượng cao, bao gồm và thông qua các DN thành viên Amcham. Các nội dung cụ thể như chính sách thuế ổn định và công bằng, hiện đại hóa hải quan, loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại, cấp quyền sử dụng đất nhanh và minh bạch... Ông Fred Burke - Trưởng Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại VBF Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam và các bộ ngành liên quan đã ban hành mới hay bổ sung, sửa đổi rất nhiều quy định liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, qua đó thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, quá trình vận dụng vẫn còn những bất cập, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi, sự bình đẳng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Do đó, Việt Nam cần sửa đổi các chính sách về điều kiện để được công nhận là DN chế xuất, phạm vi kiểm tra trong kiểm tra sau thông quan đang chồng chéo, các vấn đề về hoàn thuế đối với hàng sản xuất XK, gia công một phần hoặc toàn bộ, hoạt động thương mại của các DN có vốn FDI... |