Tại diễn đàn "Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới", các địa phương, doanh nghiệp đều bày tỏ tâm thế sẵn sàng để đưa vải thiều đi tới các thị trường xa hơn. "Hải Dương sẵn sàng, đảm bảo chất lượng để đưa vải thiều Việt Nam ra thế giới" là khẳng định của ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương.
Gỡ nút thắt chất lượng
Ông giới thiệu sản phẩm vải thiều Thanh Hà thơm ngon, nổi tiếng. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Việt Nam cho "Cây vải thiều lâu năm nhất (cây vải tổ)" cho cây vải tổ Thúy Lâm tại đây. Vải Thanh Hà cũng đạt top 10 nhãn hiệu nổi tiếng, được bình chọn là tinh hoa đặc sản 3 miền.
Vải thiều Việt Nam cần phải tính tới việc xuất khẩu nhiều hơn. |
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có trên 9 nghìn hecta trồng vải, thu hoạch 60 nghìn tấn mỗi năm. Trong đó có 50% sản lượng vải thiều được tiêu dùng trong nước, 40% xuất khẩu tới các thị trường truyền thống, 10% xuất khẩu tới các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản...
"Chúng tôi hướng tới xây dựng thương hiệu vải thiều chất lượng toàn cầu", ông Quân nhấn mạnh. Để sẵn sàng, từ nhiều năm, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp tập trung xây dựng các vùng chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo ông Quân, nhiều khó khăn tồn đọng như vải thiều là nông sản có tính mùa vụ cao, thời gian thu hoạch ngắn. Các doanh nghiệp xuất khẩu vải tươi đến thị trường cao cấp chưa được nhiều.
"Tỉnh mong muốn các đoàn ngoại giao, cơ quan truyền thông quan tâm hỗ trợ, tuyên truyền quảng bá trong và ngoài nước, đẩy mạnh tìm kiếm, kết nối đối tác, nhà đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến. Tỉnh cam kết tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, bến bãi, cơ sở vật chất... cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư", ông Quân chia sẻ.
Tương tự đối với tỉnh Bắc Giang, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho hay diện tích vải thiều của địa phương lên đến 28.000 ha. Sản phẩm được xuất ra Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Lào, Singapore... Đến nay, sản lượng vải thiều của tỉnh đã đạt mức 125.000 tấn, trong đó có lượng lớn đạt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP, vải được xuất ra thị trường quốc tế. Riêng Trung Quốc, tỉnh có 109 mã nông sản với sản lượng hàng nghìn tấn.
Muốn xuất khẩu một trong những tiêu chí đầu tiên là chất lượng, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Hồng Xuân, Bắc Giang chia sẻ về điểm khác biệt trong quy trình canh tác đối với những lô hàng vải thiều xuất đi châu Âu và Mỹ so với canh tác truyền thống. Ở quy trình truyền thống, bà con nông dân sản xuất theo quy trình tự nhiên, thậm chí không theo quy trình nào. Còn hiện nay, khi xuất khẩu thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, người nông dân phải tuân theo quy định bên nhập khẩu, bên cạnh các quy trình như VietGAP, GlobalGAP.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện đúng quy trình và bảo quản quả vải, ông Dũng cho biết, những năm 2007 khi mới áp dụng quy trình VietGAP, hợp tác xã phải động viên bà con không chăn nuôi, hoặc chuyển chăn nuôi sang khu vực khác để không ảnh hưởng vườn trồng. Bên cạnh đó là quy trình ghi chép nhật ký. Bà con nông dân gặp khó khăn trong việc ghi chép nhật ký cũng như về sử dụng thuốc đúng liều lượng, cách ghi chép...
"Quy trình bảo quản cũng gặp khó khăn. Hiện nay, chúng tôi đã được hỗ trợ kho để vận chuyển, sơ chế, tuy nhiên chúng tôi mong muốn có thể đảm bảo trường hợp vải chín chưa tiêu thụ hết sẽ cần các phương án chuyên sâu hơn như sấy lạnh hay sấy công nghệ cao để khi xong vụ vẫn còn sản phẩm xuất ra thị trường", đại diện Bắc Giang cho hay.
Tiến tới định vị thương hiệu
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty Toàn Cầu cho biết, các đơn vị, tổ chức hiện nay chỉ tập trung vào quả vải tươi. Tuy nhiên, số lượng được phép xuất khẩu chưa cao do thời gian bảo quản chỉ tối đa 40 ngày, rất khó để đưa vải đến các thị trường xa hơn. Vì vậy, địa phương, người dân và doanh nghiệp cần có sự đồng bộ giải pháp phát triển và cải thiện sản phẩm xuất khẩu.
Hiện, Việt Nam đã làm rất tốt công tác canh tác, cho phép tự canh tự tác, tức người dân có thể tự do trồng trọt, phát triển sản phẩm. Từ đó, chất lượng sản phẩm được nâng cao hơn nhiều. Bên cạnh đó, nhà nước cũng mở cửa thị trường, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để đưa vải thiều đến các thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, vấn đề mà ông Hưng muốn đề cập là Việt Nam hiện tập trung vận chuyển vải thiều xuất khẩu bằng đường hàng không và đường biển. Thế nhưng, vận chuyển đường biển gặp khó khăn khi muốn tiếp cận thị trường xa. Do đó, các doanh nghiệp có thể nghĩ đến đường sắt để hướng tới thị trường châu Âu.
"Một lợi thế khác là chúng ta có nhiều sản phẩm chế biến từ vải thiều, có khả năng bảo quản dài hạn hơn như quả đông lạnh", ông Hưng chỉ ra. Hiện doanh nghiệp này đang nghiên cứu loại sản phẩm có thể bảo quản đến hai năm nhưng chi phí sản xuất rất cao. Vì vậy, đơn vị cũng phát triển thêm các sản phẩm đóng hộp, hướng tới tạo nên hệ thống đồng bộ, đưa ra sự lựa chọn đa dạng hơn, thay vì chỉ có vải tươi. Miễn sao, các cơ sở vẫn giữ được hồn cốt của sản phẩm và được sản xuất bằng công nghệ hiện đại.
Trong khi đó, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, ông Saadi Salama chia sẻ về quả vải thiều Việt Nam và những gợi ý để loại nông sản này có thể đến được với nhiều quốc gia hơn nữa, nhất là thị trường Trung Đông.
Theo vị này, vải thiều là một loại trái cây dần thành trở thành niềm tự hào của Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung. Ông gửi lời chúc mừng Việt Nam đã có loại trái cây mang đi khắp thế giới. "Tôi cũng tự hào khi quả vải Việt Nam đã xuất hiện trên thị Palestine với 2 loại vải tươi và vải đóng hộp (chế biến) và mong rằng quả vải Việt Nam không chỉ xuất hiện ở Trung Đông mà còn hướng đến thị trường châu Âu như Paris... ", ông Saadi Salama nói.
Bên cạnh đó, vị đại diện lưu ý thêm, một điều có thể thấy trên các cửa hàng ở Trung Đông là đều có chữ Halal (Chứng nhận xác nhận rằng sản phẩm nào đó đạt yêu cầu về các thành phần và hội đủ điều kiện trong sản xuất và đáp ứng yêu cầu Tiêu chuẩn Halal).
"Hôm nay tôi đi tham quan các gian hàng vải Việt Nam và thấy bao bì tốt, trưng bày tuyệt vời, nhưng có điều là không thấy hộp nào có chữ Halal. Tất nhiên điều này có thể cần cả lộ trình và tôi hy vọng sẽ sớm thấy điều đó", ông Saadi Salama cho hay.
Đại diện Palestine đã sống ở Việt Nam gần 10 năm và nhận thấy quả vải Việt Nam đã có nhiều thay đổi về chất lượng và số lượng, điều đó có những thuận lợi và thử thách. Thử thách là trong thời gian ngắn 2 tháng có thể xuất khẩu sản phẩm đi khắp nơi trên thế giới trong điều kiện phải tươi. Vì vậy, theo ông, các cơ quan cần có sự chuẩn bị từ trước với đối tác, doanh nhân nước ngoài để có hợp đồng mua vải trước khi tới mùa để thuận lợi trong khâu vận chuyển tới các nước trên thế giới.
Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, hiện Trung Quốc là thị trường chiếm 91% kim ngạch xuất khẩu vải thiều Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn có các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, UAE... "Tại đây, chúng ta cũng đã phát triển và từng bước tạo nên thương hiệu nhất định", ông nói thêm.
Ngoài ra, Việt Nam còn có một số thị trường đứng đầu trong chuỗi cung ứng (hub) như Hà Lan, Đức, UAE. Trong đó UAE là điểm bắt buộc đi qua để đến các thị trường khác trong khu vực Trung - Đông.
Do đó, Việt Nam cần tính đến các hub để đi vào thị trường sâu hơn. "Đường thủy gặp khó khăn, hàng không chi phí cao, vì vậy, đường sắt sẽ là một hệ thống tiềm năng. Vận chuyển bằng đường sắt mất khoảng 15-21 ngày nên chúng ta khai thác được", ông Tài nói.
Với những thị trường truyền thống như Trung Quốc, Việt Nam vẫn cần duy trì chất lượng cao và xâm nhập vào các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh... Với Nhật Bản, nước này vẫn tăng sản lượng, nên các cơ quan chức năng cũng thực hiện nhiều công tác ngoại giao để tiếp tục nâng cao tỷ trọng xuất khẩu.
Nhật Linh