Trong sự kiện trao đổi trực tuyến vừa diễn ra để bàn về kinh nghiệm phục hồi sản xuất kinh doanh giữa doanh nghiệp (DN) Ấn Độ và Việt Nam sau khoảng thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Tp.HCM, có cho biết sự quan tâm đặc biệt của các hiệp hội DN Ấn Độ trong việc tổ chức đưa các phái đoàn thương mại đến Tp.HCM sau khi đường bay quốc tế được mở cửa trở lại để thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia.
Cơ hội để “lột xác”
Theo ông Sethi, dù đại dịch đã gây gián đoạn cho mọi lĩnh vực, nhưng cuộc khủng hoảng này cũng tạo cơ hội để các DN đổi mới và ứng dụng công nghệ trong các quy trình công nghiệp và ngoài công nghiệp để nâng cao năng suất.
Niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài càng được củng cố trong quá trình hồi phục sản xuất từ đại dịch Covid-19. |
Bên cạnh đó, như chia sẻ của các nhà đầu tư Ấn Độ tại Việt Nam, họ đang quản lý DN theo mô hình “4 tại chỗ” để đảm bảo phục hồi sản xuất, kinh doanh trong và sau đại dịch. Trong quá trình phục hồi thì các DN này bày tỏ sự quan tâm nhiều đến quản lý sản xuất, phục hồi chuỗi cung ứng, nguồn nguyên liệu sản xuất, nhân sự, dòng vốn, giải pháp chuyển đổi số, nguồn khách hàng, chăm sóc khách hàng…
Còn trong khuôn khổ sự kiện chung kết Startup Wheel 2021 dành cho các DN khởi nghiệp (startup) vừa diễn ra ở Tp.HCM (thu hút sự tham gia của gần 2.000 dự án đến từ 24 quốc gia trên thế giới), nhiều ý kiến nhấn mạnh đến tính “lột xác” của các DN Việt và các startup sau đại dịch thông qua thông điệp “Chance to Change - cơ hội để thay đổi”.
Điều này đặt trong bối cảnh Việt Nam đang tái mở cửa kinh tế một cách chậm rãi và thận trọng, những tác động cộng hưởng từ đại dịch và những biện pháp phòng dịch, như phong tỏa và giãn cách xã hội, đã đẩy các DN, đặc biệt là startup và các DN vừa và nhỏ vào những thách thức chưa từng có, bắt buộc phải đứng trước sự lựa chọn nghiệt ngã: Thay đổi hay tụt lại phía sau.
Như chia sẻ của bà Trương Lý Hoàng Phi, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Tp.HCM, có những biến động không ai có thể dự báo được, và sau những biến động này không ai biết chúng ta còn phải đối mặt với những biến động còn lớn hơn nữa không ? Có lẽ sau biến động này thì các DN sẽ bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về mô hình kinh doanh của mình để có nhiều sự thay đổi và sẽ kéo theo nhiều kết quả.
Và chính sự thay đổi đang mang lại những tín hiệu tích cực từ quá trình khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh như hiện nay. Khi nêu về một số nét khởi sắc của tình hình kinh tế trong tháng 10/2021 vừa qua, Tổng cục Thống kê cho biết xuất siêu tăng mạnh đạt 2,85 tỷ USD.
Không chỉ vậy, so với tháng trước, DN thành lập mới tăng mạnh về số lượng và số vốn đăng ký. Cụ thể, cả nước có 8.233 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 108,6 nghìn tỷ đồng, tăng 111,2% về số DN và tăng 73,9% về vốn đăng ký so với tháng 9/2021.
Củng cố niềm tin nhà đầu tư
Trong các địa phương vốn là “vùng dịch” đang phục hồi sản xuất tốt có thể kể đến điển hình như tỉnh Bình Dương. Tính đến nay, đã có gần 2.000 DN trong các khu công nghiệp ở tỉnh này tiến hành khôi phục lại sản xuất kinh doanh, đạt trên 96%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) hồi tháng 10/2021 ở đây ước tăng 9,8% so với tháng trước.
Những tín hiệu tăng trưởng tích cực khi Việt Nam bắt đầu mở cửa trở lại còn có thể thấy từ kết quả mới nhất của Chỉ số Môi trường Kinh doanh EuroCham (Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam) Quý 3/2021 (“Business Climate Index - BCI”) khi chứng kiến mức tăng nhẹ nhưng đáng khích lệ, với 18,3 điểm phần trăm, tăng ba điểm từ mức điểm thấp kỷ lục là 15 điểm phần trăm được ghi nhận trong thời kỳ khó khăn nhất của đợt dịch lần thứ tư hồi tháng 9.
Trả lời phỏng vấn của đài RFI (Pháp) trong tháng 11/2021 này, ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam, khẳng định trước tình hình hiện nay, điểm chung là các DN luôn cam kết hỗ trợ Chính phủ, sẵn sàng thực hiện các quy định và cũng đề xuất các giải pháp phù hợp trong tình hình chống dịch mới.
Theo ông Walde, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cam kết duy trì sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Các nhà đầu tư cũng rót vốn, mở rộng dự án, tiếp tục kinh doanh tại Việt Nam. Điều này mở ra một hy vọng mới cho sự tăng trưởng GDP trong những năm tiếp theo.
Khảo sát của AHK Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát niềm tin DN Đức tại Việt Nam cho thấy có tới 55% DN Đức tại Việt Nam kỳ vọng hoạt động kinh doanh của họ sẽ tích cực hơn trong năm 2022. Hơn thế nữa, có tới 83% DN cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào nhà xưởng hoặc mở rộng sản xuất trong 12 tháng tới.
Vị trưởng đại diện của AHK Việt Nam cũng bày tỏ sự kỳ vọng từ việc thay đổi chính sách khi mở cửa lại nền kinh tế. Như Nghị quyết 128 về việc thích ứng và kiểm soát dịch Covid-19 được cho là rất tiến bộ, mặc dù có thể Chính phủ vẫn đang chờ số liệu từ thực tế địa phương để điều chỉnh các biện pháp.
Ngoài ra, quan sát quá trình khôi phục sản xuất kinh doanh như hiện nay, bên cạnh những đánh giá tích cực thì nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý nên có thêm những giải pháp hiệu quả cho DN trong quá trình phục hồi khi họ đang đối mặt với “bão giá” đầu vào, chi phí tăng cao, tự chủ nguồn nguyên liệu... Hơn nữa, các DN cũng đang cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ Nhà nước để có đủ vốn lưu động nhằm khởi động lại sản xuất kinh doanh.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.